Hôm qua, 29.7, UBND tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Tổ chức RENCONTRES DU VIET NAM (Gặp gỡ Việt Nam) với nội dung thành lập Trung tâm Quốc tế gặp gỡ khoa học đa ngành do Giáo sư (GS) Trần Thanh Vân, Việt kiều Pháp, làm chủ đầu tư. Đây là cơ hội tốt cho đội ngũ khoa học, trí thức trẻ trong khu vực có điều kiện tiếp cận, trao đổi, chia sẻ tri thức và kinh nghiệm với đồng nghiệp ở các nước phát triển.
|
Đồng chí Vũ Hoàng Hà – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy – tặng hoa cho GS Trần Thanh Vân tại Lễ trao giấy chứng nhận đầu tư Dự án Trung tâm Quốc tế gặp gỡ khoa học đa ngành. Ảnh: M.H
|
* Hành trình của “Trung tâm Gặp gỡ”
Đầu năm 2008, GS Trần Thanh Vân đã nhiều lần về Bình Định trực tiếp làm việc với lãnh đạo tỉnh, tìm kiếm địa điểm và đề xuất ý tưởng xây dựng tại TP Quy Nhơn một Trung tâm gặp gỡ các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam để tạo lập một đầu mối giao lưu, trao đổi ý kiến giữa các nhà khoa học trẻ và các nhà khoa học kỳ cựu; giao lưu và trao đổi, chuyển giao khoa học-công nghệ giữa Việt Nam và các nước. Ý tưởng này đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.
Ngày 10.9.2008, UBND tỉnh đã có văn bản số 2983/UBND-ĐN trình Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét, chấp thuận chủ trương thực hiện dự án “Trung tâm Quốc tế gặp gỡ khoa học đa ngành” tại TP Quy Nhơn. Gần đây nhất, ngày 25.6.2009, tại Gặp gỡ Blois lần thứ 21 ở đô thị cổ Blois, miền Trung nước Pháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Bình đã giới thiệu trước hơn 200 nhà vật lý thuộc 20 quốc tịch (trong đó có 6 nhà bác học đoạt Giải thưởng Nobel) về việc xây dựng Trung tâm Quốc tế gặp gỡ khoa học đa ngành tại TP Quy Nhơn.
Với tổng diện tích dự kiến khoảng 10 ha tại khu vực 2, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn, Trung tâm hội nghị này sẽ bao gồm nhiều hội trường, phòng học, một khách sạn ba sao, bể bơi, những lối đi len lỏi giữa rừng cây xanh mát… giúp các nhà khoa học đến đây vừa làm việc vừa kết hợp nghỉ dưỡng. Đây sẽ là nơi “gặp gỡ” của nhiều nhà khoa học từ các nước phát triển cao như Âu, Mỹ với các nhà khoa học Việt Nam; là nơi đội ngũ khoa học, trí thức trẻ trong khu vực có dịp được tiếp xúc, giao lưu học hỏi kinh nghiệm, tri thức từ các đồng nghiệp trên thế giới.
Phát biểu tại buổi lễ trao giấy chứng nhận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Bình cho biết: “Chứng nhận đầu tư là sự khởi đầu, là sự ghi nhận những nỗ lực của nhà đầu tư. Do vậy, ngay từ bây giờ, chúng tôi đề nghị doanh nghiệp khẩn trương triển khai và đẩy nhanh tiến độ dự án. Về phía tỉnh, tôi cũng yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành liên quan, UBND TP Quy Nhơn hết sức tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư thực hiện dự án. Nếu có vấn đề gì trở ngại cần sự chỉ đạo của UBND tỉnh, tôi đề nghị chủ đầu tư kịp thời phản ánh để có sự chỉ đạo hiệu quả”.
* Sẽ sớm triển khai
Việc xây dựng Trung tâm Quốc tế gặp gỡ khoa học đa ngành nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm trên lĩnh vực khoa học; tổ chức hội nghị, hội thảo và các khóa đào tạo quốc tế ngắn hạn về lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ cao; liên kết đào tạo với các trường đại học trong nước và quốc tế; tư vấn, chuyển giao khoa học, công nghệ; tạo mối liên hệ giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước. Xây dựng một trung tâm hoạt động liên hoàn nhằm phục vụ các nhà khoa học, các giảng viên đại học, các học viên sau đại học, các kỹ thuật viên, sinh viên các trường đại học trong, ngoài nước và các giáo sư đến từ các quốc gia trên thế giới. Khi Trung tâm này đi vào hoạt động sẽ góp phần nâng cao trình độ của đội ngũ giảng viên tại các trường đại học trong tỉnh và từng bước đáp ứng nhu cầu đào tạo quốc tế tại Bình Định và khu vực miền Trung.
Tên dự án: Trung tâm Quốc tế gặp gỡ khoa học đa ngành.
Tổng vốn đầu tư: 105 tỉ đồng. Giai đoạn 1 (2009-2014) 35 tỉ đồng. Giai đoạn 2 (2015-2020) 70 tỉ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm.
Tiến độ thực hiện dự án: Năm 2009-2010 hoàn tất thủ tục đất đai, quy hoạch, thiết kế cơ sở. Năm 2011-2012 xây dựng công trình. Dự kiến Trung tâm đi vào hoạt động vào cuối năm 2012. Giai đoạn 2: Từ 2015-2020 tiếp tục đầu tư nâng cấp Trung tâm. |
Đại diện cho nhà đầu tư, GS Trần Thanh Vân chia sẻ: “Chúng tôi cảm ơn Chính phủ Việt Nam và đặc biệt cảm ơn UBND tỉnh Bình Định đã rất nhiệt tình và tạo mọi điều kiện để dự án có thể được thực hiện. Chúng tôi đã nhiều lần đến đây và cảm nhận được sự nhiệt tình của các bạn. Chính sự nhiệt tình này đã thúc đẩy chúng tôi thực hiện dự án này tại TP Quy Nhơn. Chúng tôi mong lãnh đạo tỉnh và thành phố xem dự án này là dự án của chính địa phương mình để cùng chúng tôi thúc đẩy thực hiện dự án này sớm chừng nào hay chừng ấy”.
Có thể nói rằng, việc thực hiện dự án tại TP Quy Nhơn đem lại lợi ích trước tiên về mặt khoa học cho các trường đại học trong khu vực, nâng cao vị thế của Trường Đại học Quy Nhơn, Trường Đại học Quang Trung nói riêng và tỉnh Bình Định nói chung. Đây là cơ hội để các nhà khoa học ở Bình Định có điều kiện tiếp xúc, trao đổi với các nhà khoa học trong nước và quốc tế, góp phần vào sự nghiệp phát triển khoa học-công nghệ và giáo dục-đào tạo của tỉnh nhà.
Tổ chức “Gặp gỡ Việt Nam” do GS Trần Thanh Vân làm Chủ tịch. Đây là một tổ chức của các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài có nhiều đóng góp cho đất nước, được thành lập năm 1996 tại Cộng hòa Pháp. Tổ chức này đã tổ chức nhiều hội nghị khoa học quốc tế trong và ngoài nước, trong đó 6 lần tổ chức tại Việt Nam, chủ đề chính là vật lý hạt nhân, vật lý thiên văn, công nghệ sinh học và các nghiên cứu ứng dụng; mỗi lần gặp gỡ đều thu hút trên 300 nhà khoa học đến từ hơn 30 quốc gia, trong đó có một số nhà bác học đoạt giải Nobel.
Đối với Bình Định, từ 2004 đến 2008, tổ chức “Gặp gỡ Việt Nam” đã hỗ trợ 50 suất học bổng cho Trường Chuyên Lê Quý Đôn, 20 suất học bổng cho sinh viên Đại học Quy Nhơn; dự kiến cuối tháng 8.2009 sẽ tiếp tục trao 20 suất học bổng cho Trường Chuyên Lê Quý Đôn và 10 suất cho Trường Đại học Quy Nhơn. |
|