ÔNG VŨ TIẾN CHIẾN, CHÁNH VĂN PHÒNG BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG VỀ PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG:
Đấu tranh với tham nhũng là cuộc chiến trường kỳ
16:58', 30/7/ 2009 (GMT+7)

Quang cảnh hội nghị bàn về công tác phòng chống tham nhũng.

Ngày 27.7, tại Bình Định đã diễn ra Hội nghị giao ban về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) 14 tỉnh, thành phố miền Trung - Tây Nguyên, dưới sự chủ trì của ông Vũ Tiến Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về PCTN. Phóng viên Báo Bình Định có cuộc trao đổi với ông Vũ Tiến Chiến chung quanh công tác PCTN.

* Xin ông cho biết toàn cảnh công tác PCTN hiện nay, trong đó có khu vực miền Trung- Tây Nguyên và ở riêng Bình Định?

- Công tác PCTN được đề ra từ sau khi thành lập nước của mỗi quốc gia; nhưng bằng nhiều cách thức và mỗi thời kỳ mà quốc gia đó đưa ra biện pháp PCTN cho phù hợp. Tôi xin liên hệ một chút: Ở Trung Quốc được xem là một trong những quốc gia tương đối “mạnh tay” với hành vi tham nhũng, đã có nhiều cán bộ cao cấp của T.Ư và địa phương lãnh án tử hình hoặc chung thân. Nhưng Trung Quốc chỉ thành lập Cục Phòng ngừa tham nhũng, chuyên kiểm tra, tuyên truyền việc ngăn ngừa tội phạm tham nhũng; còn việc xử lý hành vi tham nhũng là do các cơ quan tư pháp. Còn Indonesia thì có hẳn Ủy ban Chống tham nhũng, việc phòng ngừa và phát hiện, xử lý đều do ủy ban này đảm trách.

Ở nước ta hiện nay, công tác PCTN được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm; xem tham nhũng là vấn nạn của đất nước, là “giặc nội xâm”. Các ngành tư pháp đã đưa ra ánh sáng và xử lý hàng trăm vụ tham nhũng, lãng phí của công với quy mô lớn.

Khoảng 2 năm nay, Nhà nước đã thiết lập BCĐ về PCTN của T.Ư và các tỉnh, thành phố; lấy mục tiêu ngăn ngừa không để xảy ra tham nhũng là chính. Đến nay, tại khu vực miền Trung- Tây Nguyên, BCĐ về PCTN các tỉnh thành đã cơ bản hình thành, củng cố tổ chức và khởi đầu hoạt động có hiệu quả, như: Bình Định, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị ….

* Lấy mục tiêu ngăn ngừa tham nhũng làm chính, vậy tại sao lại dùng cụm từ PCTN, thưa ông? Và những hoạt động chính của các BCĐ trong giai đoạn đầu là gì?

- Thực chất ngăn ngừa cũng chính là chống; chúng ta vừa ngăn ngừa để không xảy ra tham nhũng, vừa phát hiện và đề nghị xử lý những trường hợp đã và đang có hành vi tham nhũng.

Các BCĐ về PCTN các tỉnh, thành phố trong giai đoạn hiện nay là củng cố tổ chức; xây dựng chương trình, hành động; giúp cấp ủy Đảng và chính quyền rà soát việc thực hiện kê khai tài sản, thu nhập; việc chuyển một số vị trí công tác của cán bộ cho phù hợp với việc phòng ngừa tham nhũng; trách nhiệm người đứng đầu và công tác cải cách hành chính của các địa phương. Một số địa phương đã thiết lập được đường dây nóng để tiếp nhận thông tin tố cáo tham nhũng; từ đó đã lần ra nhiều vụ việc tiêu cực, một số cá nhân có quyền chức đã chiếm đoạt tài sản khá lớn của Nhà nước. Ví dụ ở Bình Định, BCĐ về PCTN đã tiếp nhận đơn, xem xét, kiểm tra và đôn đốc các ngành chức năng làm rõ một số vụ có dấu hiệu tham nhũng ở một số đơn vị điện lực, dự án giao thông, bảo hiểm …

* Đối tượng tham nhũng để chúng ta đặt ra mục tiêu phòng chống, phần lớn là những người có chức quyền, giữ một số vị trí quan trọng trong các cơ quan công quyền, nên rất khó khăn cho việc tố cáo, đấu tranh. Vậy theo ông, giải pháp nào giúp cho việc phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng một cách hữu hiệu và việc bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng như thế nào?

- Vâng, chúng ta thường nghe những cụm từ “Chống ai, ai chống?” hoặc “Đấu tranh, tránh đâu?” khi bàn đến việc PCTN. Đó là biểu hiện của sự mất lòng tin của cán bộ, nhân dân đối với những vụ việc tiêu cực mà các ngành chức năng không làm hết trách nhiệm. Thực tế, bởi các đối tượng tham nhũng phải có địa vị công tác; việc chiếm đoạt tài sản công của các đối tượng này thường rất tinh vi; nạn tham nhũng luôn tiềm ẩn ở mọi thời kỳ…, nên việc đấu tranh chống tham nhũng là nhiệm vụ cực kỳ gian khó và xem đây là một cuộc chiến trường kỳ.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều địa phương đã làm rất tốt biện pháp bảo mật thông tin tố cáo tham nhũng, bảo mật cho người tố cáo tham nhũng và đề xuất chính sách kịp thời khen thưởng cho người dũng cảm tố cáo tham nhũng. Trước đây, thường các cơ quan tiếp nhận đơn tố cáo tham nhũng lại chuyển đơn thư, hoặc có công văn yêu cầu cơ quan, cá nhân bị tố cáo giải trình, trả lời… thì không khác nào “lạy ông tôi ở bụi này!”. Thì nay, việc tiếp nhận thông tin phải được bảo mật; sau khi kiểm tra có dấu hiệu sai phạm thì đôn đốc các ngành chức năng như: Thanh tra, Công an, Viện kiểm sát … bằng nghiệp vụ của mình, làm rõ các nội dung tố cáo và đôn đốc việc xử lý sai phạm. Điều mà chúng tôi rất băn khoăn là hầu hết những người đã dũng cảm tố cáo tham nhũng thường từ chối việc khen thưởng, biểu dương. Riêng việc bảo mật người tố cáo tham nhũng thì hầu hết đều thực hiện nghiêm, đúng pháp luật.

* Xin cảm ơn ông!

  • Ngọc Diên (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Học sinh các cấp bắt đầu tựu trường vào ngày 10.8  (30/07/2009)
Thêm 17 nhà báo được trao thẻ  (30/07/2009)
Những “cú rút” ngoạn mục  (30/07/2009)
Động lực thúc đẩy phát triển khoa học và đào tạo tại Bình Định  (30/07/2009)
Vấn nạn tự tử ở An Lão  (29/07/2009)
Chàng thủ khoa mê nghề giáo  (29/07/2009)
Thành lập Trung tâm Quốc tế gặp gỡ khoa học đa ngành tại Quy Nhơn  (29/07/2009)
Nhiều hoạt động Chào mừng 80 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam   (28/07/2009)
Lãnh đạo tỉnh viếng Nghĩa trang Liệt sĩ TP Quy Nhơn   (28/07/2009)
Công đoàn tiếp tục đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa   (28/07/2009)
Nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm ngày 27.7  (27/07/2009)
Thắp lên ngọn nến tri ân  (27/07/2009)
Chuyện “cổ tích” của Võ Ngọc Anh  (26/07/2009)
Những hoạt động nghĩa tình của Công an Bình Định  (26/07/2009)
“Làm tình nguyện đâu phải để được tôn vinh!”  (26/07/2009)