Giếng Truông là một giếng làng rất nổi tiếng ở vùng Tam Quan (Hoài Nhơn). Trải qua lịch sử bao đời, Giếng Truông vẫn dâng nguồn nước ngọt cho người dân nơi đây. Và cũng đã có biết bao đời người kiếm sống nhờ nước Giếng Truông…
* Ngọt mát Giếng Truông
Từ trụ sở thôn Tân Thành, xã Tam Quan Bắc, rẽ vào phía Nam, theo con đường bê tông rộng rãi, rợp mát bóng dừa, đi chừng hơn 500 m là đến Giếng Truông. Giếng Truông được đào theo hình tròn, rộng 1,2 m, sâu 6 m, nằm dưới rừng dừa râm mát.
|
Hằng ngày, có hàng trăm người lấy nước giếng Truông. Ảnh: D.B.S |
Theo gia phả họ Bành, ở thôn Tân Thành, Giếng Truông được xây dựng vào cuối đời chúa Nguyễn Phúc Chú (1725-1734) đến đầu đời Nguyễn Phúc Ánh (1780-1819). Sách “Đại Nam Nhất Thống Chí” gọi Giếng Truông là “Bành gia tỉnh” (Giếng họ Bành).
Giếng Truông nằm trong vườn nhà ông Bảy Quyền, tức Bành Quang Cảnh, hậu duệ đời thứ 6 của cụ Bành Đình Thanh (ông tổ họ Bành). Cụ tổ Bành Đình Thanh lập nghiệp ở vùng Kim Bồng (nay là khu vực xã Tam Quan Bắc) tính đến nay đã hơn 300 năm. Chính cụ Bành Đình Thanh là người đã tìm ra mạch nước và cho đào chiếc giếng quý giá này.
Trải qua năm tháng, nắng mưa, thành và bệ giếng bị hư hỏng nên phải sửa chữa nhiều lần. Kinh phí sửa chữa do con cháu trong họ quyên góp một phần, còn phần lớn do nhân dân đóng góp công sức, tiền của thêm vào. Trong lần sửa chữa năm 1937, các cụ cao niên họ Bành đã cho đúc một tấm bia đề 4 chữ “Giếng Truông họ Bành”, và ghi niên kỷ ở cổng, lối vào giếng. Qua sự tàn phá của bom đạn chiến tranh, tấm bia ấy nay không còn nữa.
Giá trị của Giếng Truông không chỉ đơn thuần nằm ở tính lịch sử lâu đời của nó, mà chủ yếu là nguồn nước mạch dồi dào, tinh khiết và rất ngọt, trong khi tất cả các giếng trong vùng đều phần nào bị nhiễm mặn bởi ở gần biển. Vào mùa khô kiệt, nhiều giếng trong vùng bị hết nước, thì Giếng Truông vẫn đều đặn cung cấp nguồn nước ngọt cho người dân. Không dừng lại trong phạm vi hơn 400 hộ dân của làng Tân Thành, nước Giếng Truông lan tỏa khắp ba xã Tam Quan. Hầu như suốt cả ngày lẫn đêm, ở giếng lúc nào cũng có người lấy nước; xe ba gác, xe máy, xe đạp chuyên chở nước. Buổi trưa hè, uống một gáo nước lạnh từ Giếng Truông, nghe ngọt lòng, mát dạ…
|
Cây sanh cổ thụ trong vườn họ Bành. Ảnh: N.V.T |
Ông Hồ Văn Duy (chồng bà Bành Thị Ngọc Tuyết, hậu duệ đời thứ 9 của cụ tổ Bành Đình Thanh), người trông coi Giếng Truông, cho biết: “Điều đáng mừng là từ lâu, bà con rất có ý thức giữ gìn, bảo vệ giếng. Việc lấy nước cũng rất trật tự, trong những ngày hè nóng nực cũng không có cảnh tranh giành, gây gổ”.
* Sống nhờ “lộc” Giếng Truông
Hiện nay, đời sống vật chất tinh thần của người dân ba xã Tam Quan ngày càng có những đổi thay đáng kể. Cơ sở hạ tầng và các công trình vì lợi ích dân sinh đã được Nhà nước đầu tư xây dựng. Tại Tam Quan Bắc, hệ thống cung cấp nước sạch đã triển khai phục vụ cho hơn 80% hộ dân. Dẫu vậy, người dân vẫn mê nước Giếng Truông.
Không chỉ phục vụ nhu cầu ăn uống trên đất liền, nước ngọt Giếng Truông còn “đồng hành” với ngư dân trong mỗi chuyến ra khơi. Ông Huỳnh Thanh Long, 53 tuổi, một chủ ghe ở thôn Thiện Chánh, xã Tam Quan Bắc, thổ lộ: “Để chuẩn bị lấy tổn cho mỗi chuyến biển, trước tiên trên mỗi tàu đều phải dự trữ từ 1 đến 2 phi nước Giếng Truông, ít nhất thì cũng phải cố gắng chạy cho được vài can”.
Từ ngày được xây dựng, mỗi ngày, có hàng trăm lượt người đến Giếng Truông lấy nước. Có người lấy nước về dùng, có người lấy về đổi cho người khác. Đối với những hộ dân sống trên vùng đất nguồn nước bị nhiễm mặn như Trường Xuân, Thiện Chánh… nước Giếng Truông càng quý giá. Với một chiếc xe đạp, người có tay lái vững, một lần có thể chở từ 3 đến 4 can, mỗi can 20 lít, giá đổi 1 can là 2 ngàn đồng.
Chị Nguyễn Thị Nguyệt, 38 tuổi, ở thôn Tân Thành 1, xã Tam Quan Bắc, nhờ nghề đổi nước mà trang trải được cuộc sống gia đình. Chị Nguyệt tâm sự: “Công việc này không đòi hỏi kinh nghiệm, vốn liếng gì, chỉ cần cần cù, có sức khỏe tốt”. Với 3 chiếc can nhựa và một cái gàu, trung bình mỗi ngày chị Nguyệt có thể chở từ 15 đến 16 chuyến, kiếm được hơn 100 ngàn đồng.
|
Sống nhờ “lộc” giếng Truông. Ảnh: N.V.T |
Là người có thâm niên 20 năm trong nghề đổi nước Giếng Truông, bà Nguyễn Thị Phải, 47 tuổi, nổi tiếng là người dẻo dai, ít ốm đau, nên giữ được nhiều mối quen. Ngày nắng cũng như mưa, từ tờ mờ sáng, bà đã dắt xe đi chở nước. Bà kể: xưa, người đổi nước còn dùng quang gánh, gánh được đôi thùng nước đến nơi đổi phải nghỉ dọc đường năm, bảy lần, nước sánh ra ngoài chẳng còn được bao nhiêu. Giờ nhiều người đổi nước dùng xe ba gác máy chở nước, như cha con ông Ba Ly ở thôn Cửu Lợi Tây, xã Tam Quan Nam, nên làm ăn khấm khá hơn.
Cũng dùng ba gác máy chở nước là anh Nguyễn Bình, 37 tuổi, ở thôn Thiện Chánh, một “đầu nậu” chuyên cung cấp nước Giếng Truông cho các tàu đánh cá xa bờ. Những ngày trước mùa biển, mỗi ngày, anh Bình chở từ 4 đến 6 chuyến (mỗi chuyến 30 can) từ Tân Thành về Trường Xuân, sau khi trừ chi phí vận chuyển, anh được từ 150 ngàn đến 180 ngàn đồng/ngày.
Không riêng gì bà Phải, chị Nguyệt, anh Bình, còn rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn như chị Hà, chị Hương, anh Rân, chị Bảy, em Nga… đều nhờ “lộc” Giếng Truông mà cuộc sống đỡ vất vả hơn. Không ít người nhờ chịu thương, chịu khó làm việc, chắt chiu dành dụm từng đồng mà nuôi con cái ăn học trưởng thành…
|