Làm gì trước tình hình cúm A/H1N1 đang diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan và bùng phát dịch rất cao, đặc biệt trong những cơ sở giáo dục (CSGD) là nơi tập trung đông người. Ông Trần Văn Quí, Giám đốc Sở GD-ĐT, đã cho biết kế hoạch phòng chống đại dịch cúm A/H1N1 trong ngành GD-ĐT.
* Thưa ông, ngày 10.8 này, khoảng 370 ngàn học sinh các cấp trong tỉnh sẽ bắt đầu tựu trường. Trong khi không ít phụ huynh học sinh đang hoang mang, lo lắng về dịch cúm A/H1N1, nhất là khi Bình Định đã xuất hiện trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên. Ngành GD-ĐT đã có những động thái gì để đối phó với dịch bệnh?
|
Ngành GD-ĐT tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống cúm A/H1N1 theo tinh thần “không chủ quan, không hoang mang” đảm bảo kế hoạch năm học (ảnh chỉ có tính minh họa).Ảnh: Q.Hoa |
- Ông Trần Văn Quí: Hiện nay, Sở GD-ĐT đã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) Phòng chống đại dịch cúm A/H1N1 do Giám đốc Sở làm trưởng ban; đồng thời chỉ đạo các phòng GD-ĐT, các trường THPT và đơn vị trực thuộc thành lập, kiện toàn các BCĐ công tác y tế trường học do thủ trưởng đơn vị làm trưởng ban. Việc thành lập BCĐ công tác y tế trường học phải hoàn thành trước ngày 15.8.2009. Đơn vị nào chưa hoàn thành việc thành lập BCĐ chưa được phép khai giảng năm học mới.
BCĐ của Sở GD-ĐT sẽ phối hợp với BCĐ phòng chống cúm A/H1N1 của tỉnh, với Sở Y tế và các cơ quan, ban ngành của địa phương chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra công tác phòng chống cúm A/H1N1 trong các CSGD trên địa bàn quản lý. Chỉ đạo các CSGD tích cực thực hiện Quy định về hoạt động y tế trường học do Bộ GD-ĐT ban hành như tăng cường vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường trường học, đặc biệt là các cơ sở nội trú, bán trú, các bếp ăn tập thể của đơn vị. Tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch cúm A/H1N1 cho học sinh, giáo viên, cán bộ nhân viên, đặc biệt là cán bộ y tế trường học; huy động các lực lượng này tham gia tuyên truyền trong cộng đồng dân cư bằng những hình thức phong phú như tờ rơi, tranh cổ động, bản tin, truyền thanh nội bộ…
Tăng cường giám sát dịch trong các CSGD, khi phát hiện trường hợp nghi ngờ nhiễm virút cúm A/H1N1, các trường phải thông báo kịp thời cho cơ quan y tế có thẩm quyền để xử lý triệt để. Bên cạnh đó, các trường cần phối hợp với BCĐ phòng chống đại dịch cúm của địa phương, với ngành y tế và các cơ quan ban ngành của địa phương chỉ đạo đôn đốc kiểm tra công tác phòng chống cúm A/H1N1 trong đơn vị…
* Vậy các trường học có được chủ động cho học sinh nghỉ học khi có nhiều trường hợp học sinh bị nhiễm cúm A/H1N1?
- Khi dịch cúm lây lan trong cộng đồng, các CSGD cần triển khai các biện pháp khẩn cấp phòng chống dịch cúm; tuyên truyền mạnh mẽ các biện pháp phòng chống dịch cúm A/H1N1 cho học sinh, giáo viên, cán bộ giáo dục và huy động lực lượng này tích cực tham gia tuyên truyền trong cộng đồng dân cư.
Sở GD-ĐT lưu ý:
Các trường có nhu cầu về tài liệu truyền thông phòng chống cúm A/H1N1 truy cập vào các địa chỉ: http://www.moh.gov và http://www.moet.gov.vn.
- Khi có trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 tại đơn vị, thủ trưởng đơn vị báo cáo ngay cho cơ sở y tế địa phương biết và báo về BCĐ tỉnh qua đường dây nóng: 0903530144
- Chỉ tiến hành tựu trường, khai giảng năm học mới khi đã thành lập BCĐ và thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch cúm A/H1N1. |
BCĐ của Sở GD-ĐT sẽ phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo Trường Cao đẳng Y tế Bình Định chuẩn bị đủ cơ số thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị, sinh phẩm theo hướng dẫn của Bộ Y tế để tham gia chống dịch; tiếp nhận và phân bổ các nguồn lực từ trung ương, các tổ chức, cá nhân hỗ trợ các CSGD có nhu cầu. Thực hiện quyết định của BCĐ tỉnh, đóng cửa CSGD ở khu vực có dịch cúm A/H1N1 để hạn chế tối đa sự lây lan và lấy chỗ đặt “bệnh viện dã chiến” khi cần thiết.
Tất cả các hoạt động của ngành GD-ĐT đều phải hướng vào mục tiêu là nâng cao kỹ năng phòng chống cúm A/H1N1 của học sinh, giáo viên và cán bộ nhân viên các CSGD, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với diễn biến của dịch cúm A/H1N1. Kiểm soát, phát hiện, xử lý kịp thời, triệt để, hạn chế tỉ lệ mắc và tử vong, góp phần giảm thiểu tối đa tác hại khi cúm A/H1N1 xảy ra trong các CSGD. Do đó, Sở GD-ĐT đề nghị các phòng GD-ĐT, các trường quán triệt ngay cho toàn bộ cán bộ, giáo viên, học sinh trong phạm vi quản lý nắm bắt tinh thần: “không chủ quan, không hoang mang”; đồng thời xây dựng và triển khai ngay kế hoạch phòng chống cúm A/H1N1 tại đơn vị. Nếu trường nào có trường hợp học sinh bị nhiễm cúm A/H1N1 thì không cần phải chờ xin ý kiến Sở vẫn có thể được phép chủ động xử lý hoặc cho học sinh nghỉ học theo đúng yêu cầu cần thiết của thực tế phòng chống dịch đã được các ngành chức năng hướng dẫn, sau đó mới báo cáo Sở và nhanh chóng khôi phục lại nề nếp dạy và học, có những giải pháp đảm bảo kế hoạch năm học.
* Xin cám ơn ông!
|