Gói thầu QN-1.1- hệ thống thoát nước mưa và thu gom nước thải (giai đoạn 1) thuộc Tiểu dự án Vệ sinh môi trường TP Quy Nhơn thi công từ ngày 27.1.2008. Tuy nhiên do tiến độ xây dựng các hạng mục công trình này quá chậm cùng với các hệ lụy phát sinh đã ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.
|
Người dân khổ sở mỗi khi qua đường Lý Thái Tổ. |
* Đi lại khó khăn, buôn bán đình trệ
Theo kế hoạch, thời gian thi công gói thầu QN-1.1 là 36 tháng với kinh phí 138 tỉ đồng (trong đó, kinh phí năm 2008 là 40 tỉ đồng). Thế nhưng, đến cuối tháng 3.2009 tổng giá trị thực hiện chỉ đạt hơn 11,7 tỉ đồng. UBND tỉnh đã nhiều lần yêu cầu Ban Quản lý dự án Vệ sinh Môi trường TP Quy Nhơn (Ban QLDA VSMT) cùng với các nhà thầu chính và nhà thầu phụ khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công gói thầu này.
Hiện tại, để thực hiện gói thầu QN-1.1, bên thi công đang thực hiện đào đường, lắp đặt hệ thống cống thoát nước ở 3 tuyến: Nguyễn Thị Minh Khai- Lý Thái Tổ; Hoàng Quốc Việt; Trần Phú- Trần Cao Vân- Hai Bà Trưng- Nguyễn Trãi. Việc thi công kéo dài đã gây ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông, ảnh hưởng lớn đến việc kinh doanh của người dân.
Chiều 3.8, có mặt tại đường Lý Thái Tổ (đoạn từ ngã tư Lý Thái Tổ- Nguyễn Thái Học tới ngã ba Lý Thái Tổ- Nguyễn Thị Minh Khai), chúng tôi được tận mắt chứng kiến những khó khăn của xe cộ qua đây. Lòng đường bị đào thi công, phần đi được chỉ rộng khoảng 1,5m. Mỗi khi có 2 xe đi ngược chiều nhau, phải có một xe dừng lại, đứng nép vào một bên thì xe kia mới qua được. Có lúc, cả 5 xe máy xếp hàng ở một đầu lô cốt, chờ xe ở đầu kia qua hết mới rục rịch di chuyển. Trên đường Hoàng Quốc Việt (đoạn từ ngã tư Hoàng Quốc Việt- Phan Đình Phùng đến ngã tư Hoàng Quốc Việt- Cao Bá Quát), phần “lô cốt” đã chiếm hết diện tích lòng đường, xe cộ qua lại phải đi trên vỉa hè.
Không chỉ cản trở giao thông, các lô cốt này còn ảnh hưởng đến việc kinh doanh, buôn bán của người dân. Bà Huỳnh Thị Mưỡi, chủ hiệu tạp hóa 56 Lý Thái Tổ, bức xúc nói: “Có một khúc đường mà gần 4 tháng nay làm chưa xong. Đường hẹp nên ai cũng ngại dừng lại mua hàng, lâu lâu mới có người ghé mua gói thuốc lá rồi cũng vội vã đi ngay. Tôi cũng như nhiều hộ kinh doanh khác đề nghị đơn vị thi công phải đẩy nhanh tiến độ thi công, trả lại mặt bằng như ban đầu để chúng tôi còn làm ăn, buôn bán”.
Bà Sáu Thu, chủ quán cơm Sáu Thu (số 121 Trần Cao Vân), cho biết: “Lô cốt” án ngữ trước quán cơm của bà hơn 4 tháng. Đường vào quán quá hẹp, lại bụi mịt mù, nên khách quen cũng bỏ đi hết. Những ngày đầu, lượng thức ăn thừa nhiều, phải bỏ; sau đó, bà bắt đầu cho nhà bếp giảm lượng chế biến thức ăn. “Tính ra, trong thời gian bị “lô cốt” chiếm đường, quán cơm của tôi giảm 50% doanh thu. Trong khi đó, thuế thì vẫn nộp đủ. Công trình của nhà nước, người dân chúng tôi ủng hộ, nhưng thi công chậm chạp như vậy thì tội cho người buôn bán chúng tôi quá!” - bà Thu tâm sự.
Không riêng gì bà Thu mà tất cả các hộ dân nằm trên các tuyến đường đang thi công hệ thống thoát nước đều có chung một suy nghĩ: Làm hệ thống để thoát nước thì họ đồng tình ủng hộ, nhưng tiến độ thi công như thế này thì không chấp nhận được. Thiệt hại trong quá trình thi công đã đành, thế nhưng, sau khi “lô cốt” rút đi, đơn vị thi công còn chậm trễ trong công tác tái lập mặt bằng. Nhiều hộ dân phải tự bỏ kinh phí san lấp mặt bằng để thuận tiện cho việc sinh hoạt cũng như kinh doanh. Bà Thu nói thêm: “Tôi được biết ở TP Hồ Chí Minh đã có chủ trương giảm thuế cho các hộ dân bị ảnh hưởng công việc kinh doanh trên các con đường có rào chắn. Không biết thành phố mình có hỗ trợ gì cho người buôn bán không…”.
|
Thi công gây sụt lún vỉa hè đường Hoàng Quốc Việt. |
* Nơm nớp lo sụt nhà
Ngày 18.12.2008, Đoàn tư vấn giám sát Poyry Infra Ltd đã có văn bản số 251/CST/QN, gửi Ban QLDA VSMT, chỉ rõ một số hiện tượng nguy hiểm trong công tác thi công tại tuyến Hoàng Quốc Việt. Khu vực lòng đường và vỉa hè quanh vị trí đào móng sụt lún và nứt nghiêm trọng, vết nứt đã phát triển đến sát nhà dân bên cạnh; mặt đường chưa hoàn trả tại ngã tư Hoàng Quốc Việt và Phan Đình Phùng lấp tạm rất gồ ghề, gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông qua lại. Đoàn giám sát yêu cầu nhà thầu: “Tạm dừng thi công ngay lập tức điểm đang thi công tại đường Hoàng Quốc Việt, lập biện pháp thi công hợp lý được tư vấn giám sát phê duyệt rồi mới được thi công tiếp. Phải có giải pháp hạn chế và khắc phục ngay những thiệt hại đã xảy ra…”.
Một ngày sau, đại diện của 12 hộ dân hai bên tuyến đường Hoàng Quốc Việt- Phan Đình Phùng đã gửi đơn kiến nghị lên UBND phường Thị Nại, UBND TP Quy Nhơn, UBND tỉnh và Ban QLDA VSMT, phản ánh việc thi công lắp đặt cống thoát nước trên đường Hoàng Quốc Việt gây ra một số hiện tượng nguy hiểm. Khu vực lòng đường và vỉa hè hai bên vị trí đào móng có hiện tượng sụt lún và xuất hiện các vết nứt nghiêm trọng tại khu vực số nhà 67-69 Phan Đình Phùng…
Ngày 3.1.2009, ông Phan Văn Ba, chủ hộ 67-69 Phan Đình Phùng, gửi đơn đến các bên liên quan phản ánh tình trạng sạt lở, lún và nứt tại khu vực nhà ông. Chiều 19.1.2009, đại diện của UBND phường Thị Nại, Phòng Quản lý Đô thị, Thanh tra Sở Xây dựng, Ban QLDA VSMT, nhà thầu và tư vấn giám sát đã có cuộc họp để kiểm tra, giải quyết đơn của ông Phan Văn Ba.
Đến giờ này, khi đã có trong tay cam kết của nhà thầu (Công ty Cổ phần Xây dựng Cấp thoát nước số 12) lẫn Ban QLDA VSMT về việc bồi thường thiệt hại do việc thi công gây ra, ông Ba vẫn chưa thật sự yên tâm. Ông chỉ cho tôi xem những vết nứt mới xuất hiện quanh móng nhà ông. Trên tường nhà cũng đã có dấu hiệu bị nứt, gạch dán tường chênh ra thấy rõ. Không riêng nhà ông Ba, các nhà số 1, 3, 5, 7 Hoàng Quốc Việt cũng đã xuất hiện những vết nứt dài cạnh móng nhà.
Trong khi đó, các hộ dân trên đường Lý Thái Tổ cũng đang rất hoang mang trước hiện tượng vỉa hè trước nhà bị sụt, nứt. Nhiều vết nứt đã lan tới móng nhà.
|