TP QUY NHƠN:
Sốt xuất huyết tiếp tục hoành hành và lan nhanh
8:1', 6/8/ 2009 (GMT+7)

Trong khi sốt xuất huyết (SXH) đang phát triển thành dịch ở các phường Hải Cảng, Đống Đa, Ngô Mây, Lê Lợi, Thị Nại, Trần Hưng Đạo, Nhơn Phú, Nhơn Hải thì công tác phòng chống dịch bệnh này ở địa bàn TP Quy Nhơn lại đang gặp không ít khó khăn.

 

Phun hóa chất bằng xe ô tô tại phường Ngô Mây (Quy Nhơn). Ảnh: T.H

 

Tính từ ngày 1.1.2009 đến cuối tháng 7.2009, 21/21 phường, xã của Quy Nhơn đã có 364 trường hợp sốt Dengue và SXH Dengue, tăng gấp 6,7 lần so với cùng kỳ năm 2008 (54 ca), 1 trường hợp tử vong. Tháng 7 là thời điểm mở màn cho mùa phát triển mạnh của SXH. Cụ thể, từ đầu năm 2009 đến ngày 10.7, Quy Nhơn có 244 ca SXH, nhưng từ ngày 10.7 đến cuối tháng 7 thì đã có đến 120 ca. Nguy hiểm hơn nữa là số ca bệnh độ III, IV tương đối nhiều. Độ tuổi mắc bệnh:  0-15 tuổi chiếm 52,28% và trên 15 tuổi là 48,02%. 

Theo bác sĩ Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Quy Nhơn, nguyên nhân dẫn đến dịch và lan rộng SXH ở TP Quy Nhơn là 21/21 phường, xã của thành phố đều có mầm bệnh. Thời tiết nắng nóng kéo dài, xen kẽ các đợt mưa nhỏ là điều kiện thuận lợi làm tăng sinh muỗi vằn gây bệnh. Vectơ truyền bệnh có cường độ quá mạnh, mật độ chỉ số vectơ lại quá cao. Dân cư đông đúc, nhà ở chật chội, chưa kể mầm bệnh ngoại lai từ các địa phương khác cũng là một yếu tố dẫn đến tình trạng dịch lan rộng.

Tuy nhiên, ông Dũng cũng thừa nhận, người dân vẫn còn chủ quan và chưa có ý thức phòng chống dịch. Công tác phòng chống dịch của cơ sở chưa được chú trọng và quan tâm đúng mức. Đặc biệt, hiệu quả việc diệt bọ gậy chưa cao, người dân “ỷ lại” vào phun hóa chất.

Dẫn chứng cụ thể, vào giữa tháng 6, Quy Nhơn đã tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi trên toàn địa bàn. Kết quả kiểm tra tại 2 điểm “nóng” Ngô Mây và Đống Đa cho thấy, mật độ muỗi đã giảm đáng kể. Song, tỉ lệ nhà có bọ gậy và chỉ số lăng quăng (BI) vẫn cao hơn ngưỡng an toàn.

Sau đó, thành phố tiếp tục mở chiến dịch diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi đợt 2 ở 4 phường “trọng điểm”: Ngô Mây, Nguyễn Văn Cừ, Đống Đa, Quang Trung và ổ dịch nhỏ ở một số phường, xã. Kết quả giám sát các chỉ số mật độ muỗi còn rất cao, cho thấy nguy cơ bùng phát dịch SXH ở địa bàn thành phố là hoàn toàn có thể xảy ra. Cụ thể, mật độ muỗi ở phường Ngô Mây là 1,05; tỉ lệ nhà có muỗi 57,11%; nhà có bọ gậy 38,1% và chỉ số BI là 36,36. Tại phường Lê Hồng Phong, mật độ muỗi 1,19; nhà có muỗi 62,5%; nhà có bọ gậy 12,5% và chỉ số BI là 43,75.

Gần đây nhất, ngày 4.8, Sở Y tế, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh và Trung tâm Y tế TP Quy Nhơn đã tiến hành giám sát công tác diệt bọ gậy, lăng quăng, phòng chống dịch bệnh tại một số địa bàn. Kết quả, tại phường Trần Hưng Đạo, qua kiểm tra ngẫu nhiên 10 hộ dân ở tổ 37, khu vực 8 và tổ 24, khu vực 5 thì hết 3 hộ có các dụng cụ chứa nước có lăng quăng và bọ gậy gây bệnh. Đặc biệt, tại Trung tâm Thể dục Thể thao tỉnh, phòng vệ sinh của dãy nhà tập thể dành cho đội năng khiếu bị ô nhiễm nghiêm trọng, bồn tiểu đọng nước lâu ngày có rất nhiều bọ gậy.

 

Dịch sốt xuất huyết đang lan nhanh ở TP Quy Nhơn. Ảnh: T.H

 

Ông Đào Đức Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Trần Hưng Đạo, cho biết: “Phường cũng đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông trong cộng đồng, nhưng thật sự là bà con vẫn còn thờ ơ, chủ quan. Trong ngày mai (7.8), phường sẽ tiến hành họp mở rộng các ban ngành, đoàn thể, bí thư chi bộ, khu vực, hiệu trưởng các trường… đóng trên địa bàn để “xốc” mạnh công tác phòng chống dịch bệnh”.

Hiện nay, Quy Nhơn đang tiếp tục triển khai chiến dịch diệt bọ gậy, phun hóa chất đợt 3 tại 12 phường, xã trọng điểm và các ổ dịch nhỏ ở các phường, xã còn lại. Trong thời gian tới, ngành y tế thành phố có kế hoạch tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức khác; đẩy mạnh công tác giám sát bệnh nhân và giám sát vectơ truyền bệnh. Công tác điều trị cũng được chú trọng ở 3 tuyến. Theo đó, tuyến phường, xã tổ chức 5 giường điều trị cho bệnh nhân độ I, II. Tuyến thành phố tổ chức 2 khu điều trị: phòng khám số 4 có 10 giường nhận bệnh nhân từ độ II đến độ IV của khu vực xã Phước Mỹ, phường Bùi Thị Xuân và Trần Quang Diệu; Bệnh viện Đa khoa thành phố tổ chức 25 giường điều trị cho bệnh nhân ở các tuyến chuyển về.

Hiện nay, Quy Nhơn đang “ráo riết” tập trung dập dịch. Tuy nhiên, để thành công thì các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, nhất là người dân phải có ý thức tự giác chống dịch, tham gia diệt lăng quăng, bọ gậy…

  • Thu Hiền

Chống dịch khẩn trương

Ngày 4.8, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, cho biết: Trong thời điểm này, thành phố đang tập trung đẩy mạnh công tác phòng chống dịch SXH. Lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo 21 phường, xã triển khai công tác diệt bọ gậy, lăng quăng đến từng hộ gia đình và báo cáo kết quả thực hiện, những vướng mắc tồn tại… để Ban chỉ đạo có hướng tháo gỡ kịp thời. Ông Sơn cũng khẳng định, quan trọng là các phường, xã phải tuyên truyền để người dân hiểu và tự giác diệt bọ gậy thường xuyên, chứ không phải theo phong trào.

Ông Sơn cũng đề nghị UBND tỉnh họp mở rộng ngoài các thành viên trong Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh nhằm huy động sự tham gia tích cực của các sở, ngành, cơ quan trực thuộc tỉnh, từ đó, triển khai đến các tổ chức thành viên.

Phải chấn chỉnh và xử lý kịp thời vệ sinh môi trường

Thạc sĩ Trần Biểu, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, cho biết: Qua giám sát ngẫu nhiên về công tác diệt bọ gậy, phòng chống SXH tại một số địa bàn ở TP Quy Nhơn, cho thấy lượng bọ gậy vẫn còn nhiều, nhất là trong các chum vại và lọ đựng hoa. Phỏng vấn nhanh tại hộ gia đình cũng cho kết quả là người dân hiểu khá cụ thể lợi ích của việc làm này, nhưng không tự giác thực hiện. Việc phun hóa chất chỉ diệt được muỗi, quan trọng là phải diệt được bọ gậy. Do đó, TP Quy Nhơn cần tăng cường hơn công tác tuyên truyền.

Đối với những cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương, tuyến tỉnh đóng trên địa bàn TP Quy Nhơn mà trong đợt giám sát vừa qua còn nhiều hạn chế, ngành y tế sẽ có văn bản chính thức về việc đề nghị chấn chỉnh và xử lý kịp thời vệ sinh môi trường.

  • T.Hiền (ghi)

Nhiều bệnh nhi mắc sốt xuất huyết nặng

Theo khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, từ đầu năm đến nay, số bệnh nhi mắc sốt xuất huyết (SXH) nặng ở độ III, IV rất nhiều. Trung bình mỗi ngày có 4 bệnh nhi nhập viện điều trị  SXH  thì đã có phân nửa rơi vào trường hợp này, chủ yếu ở TP Quy Nhơn. Nguy hiểm hơn, có một số trường hợp bệnh nhân chuyển độ từ nhẹ sang nặng rất nhanh.

 

Nhiều bệnh nhi bị sốt xuất huyết độ nặng rất nguy hiểm. Ảnh: T.H

 

Trẻ được nhập viện trong tình trạng sốt li bì, tím tái, không bắt được mạch, huyết áp, gan to… Bác sĩ Phạm Văn Dũng, Phó khoa Nhi, cho biết: “Diễn biến của bệnh SXH rất phức tạp. Trong những ngày đầu, bệnh nhân sốt cao, đau đầu, ăn uống kém. Bệnh chuyển nặng vào ngày thứ 4-7. Do đó, đối với những trẻ SXH độ I, từ ngày đầu tiên đến ngày thứ 3 có thể điều trị ngoại trú, nhưng từ ngày thứ 4 trở đi phải theo dõi thật sát và nếu có biểu hiện lờ đờ, choáng phải đưa đến bệnh viện bởi có những trường hợp sốc ở ngày thứ 4, nếu không phát hiện kịp rất nguy hiểm”.

Đặc biệt, trong tháng 7, TP Quy Nhơn đã có 1 trường hợp bệnh nhi tử vong do SXH. Đó là cháu N.T.P, 8 tuổi, ở tổ 2, khu vực 6, phường Ngô Mây. Ngày 20.7, cháu được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị với các triệu chứng: sốt, đau đầu, đau cơ, có chấm SXH kèm theo đau vùng thượng vị; mạch 114 lần/phút, huyết áp 110/100mmHg, gan to, xét nghiệm tiểu cầu 20, chẩn đoán SXH Dengue độ III và được điều trị theo phác đồ SXH. Đến 12 giờ trưa 21.7, bệnh nhi tử vong, với chẩn đoán SXH Dengue độ IV-sốc dengue biến chứng xuất huyết não, suy hô hấp, suy tuần hoàn.

Các dấu hiệu nhận biết là trẻ sốt cao đột ngột, kèm mệt mỏi, biếng ăn; xuất huyết chảy máu chân răng, chảy máu mũi, đi cầu ra máu, gan to. Còn khi trẻ đau bụng liên tục nghĩa là đã rơi vào giai đoạn nặng. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên chú ý dấu hiệu choáng, bình thường trẻ chạy đùa giỡn nhưng đột nhiên không chơi nữa, đặt đâu nằm đó, tay chân lạnh, vã mồ hôi, ngủ ít, đau bụng dữ dội kèm nôn mửa. Khi nghi ngờ SXH nên đưa trẻ đến bệnh viện để kịp thời điều trị, tránh tử vong.

  • Hiền Phương

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đến cuối năm 2010, có 100% công văn, tài liệu giấy được chuyển sang điện tử trên môi trường mạng  (05/08/2009)
Phác đồ mới chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm A/H1N1   (05/08/2009)
Dân khổ sở vì “lô cốt”   (05/08/2009)
Không chủ quan, không hoang mang   (05/08/2009)
Rộn ràng “áo mới”  (04/08/2009)
Bình Định vẫn chưa hoàn thành  (04/08/2009)
Tàu thuyền trong tỉnh đang tìm kiếm nơi trú ẩn  (04/08/2009)
Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh động vật  (04/08/2009)
Đã xuất hiện ca nhiễm cúm A (H1N1) đầu tiên tại Bình Định  (04/08/2009)
Thành lập Ban chỉ đạo Đại hội các DTTS tỉnh lần thứ I  (03/08/2009)
Ưu đãi cán bộ y tế công tác ở vùng đặc biệt khó khăn   (02/08/2009)
Mưu sinh bên Giếng Truông   (02/08/2009)
Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tuyên giáo  (03/08/2009)
Kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống công tác tuyên giáo của Đảng  (01/08/2009)
Triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch cúm A (H1N1)  (31/07/2009)