Cần có giải pháp để bảo vệ quần thể di tích Núi Bà
9:53', 8/8/ 2009 (GMT+7)

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, núi Bà (Phù Cát) là khu căn cứ phía Đông của tỉnh Bình Định. Từ đây các lực lượng vũ trang tổ chức nhiều trận đánh thẳng vào sào huyệt của địch ở Quy Nhơn và các huyện lân cận, gây cho địch nhiều tổn thất và hỗ trợ phong trào cách mạng. Để bảo vệ an toàn căn cứ Núi Bà, nhiều cán bộ chiến sĩ đã chiến đấu ngoan cường, bẻ gãy hàng trăm trận càn quét của địch. Máu xương của các anh hùng liệt sĩ đã hòa quyện và tô thắm truyền thống cách mạng của quê hương.

 

Khai thác đá trái phép ở khu di tích Núi Bà.

 

Với những chiến tích vẻ vang đó, ngày 25.1.1994, Bộ Văn hóa - Thông tin ký Quyết định số 152/QĐ/BT xếp hạng là khu di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh gồm 22 điểm trong quần thể Núi Bà. Sau khi được công nhận là khu di tích, chính quyền và cơ quan chủ quản từ tỉnh đến địa phương đã tiến hành nhiều biện pháp bảo quản, tôn tạo để góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ sau.

Thế nhưng, sau 15 năm kể từ ngày được công nhận là khu di tích, núi Bà đang bị đe dọa bởi tác nhân chính là những con người đang sống chung quanh quần thể khu di tích. Tại xã Cát Tiến - một địa phương có 7 điểm được công nhận là di tích, tình trạng khai thác đá diễn ra khá phức tạp. Nhiều tảng đá lớn gắn liền với cuộc kháng chiến của tỉnh đã bị xâm hại. Hòn đá Chẹt ở xã Cát Tiến như một tường thành vững chắc trong việc ngăn bước chân quân thù; che chở cho các lực lượng vũ trang trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tại đây đã diễn ra nhiều trận đánh quyết liệt giữa bộ đội địa phương và Mỹ - ngụy. Bên cạnh tinh thần chiến đấu kiên cường của các lực lượng vũ trang là sự che chắn vững chắc của núi đá đã bẻ gãy các đợt tấn công của địch.Thế nhưng, hiện nay hòn đá Chẹt - nơi ghi dấu những chiến công đó, đã bị một số người chẻ đôi để lấy đá xây dựng.

Ông Đỗ Văn Chớ - nguyên cán bộ An ninh vũ trang đã từng chiến đấu tại núi Bà chua xót khi chứng kiến cảnh quần thể di tích bị gặm nhấm từng ngày. 

Tình trạng chẻ đá ở quần thể di tích Núi Bà diễn ra hết sức nhức nhối mà những ai quan tâm đến lịch sử đều xót xa, đau lòng. Theo thống kê của CA Phù Cát hiện  có 22 cơ sở sản xuất, xây dựng khai thác đá trái phép tại quần thể di tích Núi Bà. Có trường hợp chủ thầu bỏ tiền ra để làm con đường dẫn thẳng vào khu di tích để  ô tô vào chở đá chẻ. Tại đây có hàng chục thợ đang chẻ đá và tình trạng này diễn ra trong thời gian dài. Chủ cơ sở còn lén lút dùng cả thuốc nổ để phá đá. Với tình trạng này, chẳng bao lâu nữa di tích Núi Bà sẽ bị biến dạng nghiêm trọng.  

Việc xâm phạm khu di tích Núi Bà có nhiều nguyên nhân, trong đó việc buông lỏng của chính quyền cơ sở là nguyên nhân cơ bản. Điều 51 Luật Di sản  quy định: Trách nhiệm của UBND cấp xã là tổ chức bảo vệ, bảo quản cấp thiết di sản văn hóa; phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời mọi hành vi làm ảnh hưởng đến di sản văn hóa… Như vậy rõ ràng, UBND các xã có quần thể Núi Bà chưa làm hết trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi xâm phạm khu di tích. Ông Nguyễn Từ Thiện - Phó chủ tịch UBND xã Cát Tiến thừa nhận việc thiếu sót của xã trong thời gian qua đã để một số người lén lút vào khai thác đá trong quần thể di tích. Xã cũng đã thành lập lực lượng tuần tra, kiểm tra nhưng vì con người ít, kinh phí thiếu nên việc duy trì hoạt động của lực lượng này không được thường xuyên. Và đó là kẽ hở để các đối tượng lợi dụng xâm phạm quần thể di tích.

 

Tình trạng chẻ đá ở quần thể di tích Núi Bà diễn ra hết sức nhức nhối.

 

Làm việc với Phòng Văn hóa - thể thao  huyện Phù Cát chúng tôi ghi nhận cơ quan này cũng chưa thật sự trăn trở với nỗi đau khi khu di tích Núi Bà bị xâm phạm. Cụ thể cơ quan này cũng chưa có biện pháp tích cực để phối hợp với chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn tình trạng khai thác đá trong quần thể khu di tích. Xã trông ở huyện, huyện thì chưa quan tâm nên đá trong khu di tích tiếp tục biến thành tiền chảy vào túi một số cai thầu.

Ông Đặng Hữu Thọ – Trưởng Ban quản lý các khu di tích Bình Định cho biết, việc xâm phạm quần thể di tích Núi Bà để khai thác đá là có thật và khẳng định, việc để xảy ra tình trạng này là trách nhiệm của UBND cấp xã mà cụ thể là các xã có liên quan đến quần thể di tích này. Ông Thọ cũng nêu một số biện pháp để bảo vệ quần thể khu di tích như đẩy mạnh công tác tuyên truyền; cắm bảng phân định ranh giới; cung cấp sơ đồ chi tiết các điểm công nhận di tích cho các địa phương liên quan nhằm nâng cao trách nhiệm của địa phương; đồng thời tìm cách chuyển đổi nghề cho hàng trăm đối tượng chuyên làm nghề chẻ đá xung quanh quần thể Núi Bà…

Trách nhiệm của cấp xã đã được quy định trong luật nhưng lại gặp nhiều khó khăn về kinh phí, con người trong công tác bảo vệ, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm và sự phối hợp giữa các cấp, nhất là các ngành chức năng cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ thì quần thể di tích Núi Bà vẫn tiếp tục bị xâm phạm.

  • Vũ - Bảo
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Đảng với thanh niên - Thanh niên với Đảng”  (08/08/2009)
TIN BUỒN  (08/08/2009)
Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh - những giá trị bất hủ  (08/08/2009)
Mồ côi cha mẹ, vẫn học giỏi  (07/08/2009)
Thêm nhiều trường hợp nghi nhiễm cúm A/H1N1  (07/08/2009)
Bình Định: Thêm 1 trường hợp nhiễm cúm A/H1N1  (06/08/2009)
Khẩu trang y tế khan hàng, giá cao gấp 5 lần bình thường  (06/08/2009)
Tai nạn lao động có chiều hướng gia tăng  (06/08/2009)
Gần 40 tỉ đồng xây dựng Trường Dạy nghề Bình Định  (06/08/2009)
Sốt xuất huyết tiếp tục hoành hành và lan nhanh  (06/08/2009)
Đến cuối năm 2010, có 100% công văn, tài liệu giấy được chuyển sang điện tử trên môi trường mạng  (05/08/2009)
Phác đồ mới chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm A/H1N1   (05/08/2009)
Dân khổ sở vì “lô cốt”   (05/08/2009)
Không chủ quan, không hoang mang   (05/08/2009)
Rộn ràng “áo mới”  (04/08/2009)