Ngổn ngang Tmanghen
9:30', 9/8/ 2009 (GMT+7)

Theo dự án dãn dân, tránh các vùng sạt lở ven sông, làng tái định cư TManghen (xã An Trung, huyện An Lão) được thành lập cuối năm 2006 với  82 hộ, đến từ 6 thôn gồm: thôn 1, thôn 4 (xã An Trung); thôn 2, thôn 7, thôn Hưng Nhơn (thị trấn An Lão), thôn 2 (xã An Hưng). Gần hai năm qua, cuộc sống của người dân nơi đây còn lắm ngổn ngang…

 

Con đường vào làng TManghen.

 

* “An cư” nhưng chưa “lạc nghiệp”

Chúng tôi đến làng TManghen vào những ngày cuối tháng bảy. Từ trung tâm thị trấn An Lão đi qua địa phận xã An Hưng, vượt cầu sông Đinh, hình ảnh đầu tiên của làng đập vào mắt là mấy đứa trẻ nô giỡn dưới cầu, giữa làn nước đục ngầu. Từ cầu đến con đường dẫn vào làng, phân trâu rơi vãi nhếch nhác. Sau cơn mưa rừng, con đường đất càng thêm lầy lội.

Những mái nhà đầu tiên của làng TManghen lấp ló hiện ra, thưa thớt, tạm bợ. Hiện tại, làng còn 75 hộ với hơn 230 nhân khẩu. “Hiện giờ, hỏi tôi số dân chính xác của làng khác gì đánh đố. Bởi con số ấy luôn dao động. Có gia đình cả nhà làm rẫy tận tỉnh Gia Lai, lâu lắm mới thấy họ về, thoáng cái lại đi ngay. Có nhà đi TP Hồ Chí Minh làm ăn, cả năm nhà cửa đóng im ỉm”- trưởng thôn Đinh Văn Duy cho biết.

Thiếu đất sản xuất là nguyên nhân chính khiến cho nhiều hộ dân ở TManghen phải đi làm ăn xa. Khi lập làng, mỗi hộ được cấp khoảng 450 m2 đất ở, còn đất canh tác vẫn chưa phân bổ. Một số hộ canh tác rải rác trên đất ở làng cũ, xa xôi, cách trở, không đảm bảo cho cuộc sống ổn định. Người không có đất thì làm thuê, phổ biến nhất là chăm sóc rừng keo hoặc mưu sinh nơi đất khách. Chỉ có hơn 20 hộ người Kinh biết chăn nuôi heo, nên cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn.

 

Hội LHPN huyện đến thăm hỏi, động viên hội viên là chủ hộ có hoàn cảnh khó khăn một mình nuôi con.

 

Đầu năm 2007, mỗi hộ ở vùng núi chuyển xuống được hỗ trợ 5 triệu đồng, hộ ở đồng bằng được hỗ trợ 4 triệu đồng. Đến năm 2008, mỗi hộ được hỗ trợ 10 triệu đồng. Hiện tại, theo thống kê mới nhất, ở làng TManghen chỉ có 4 hộ thoát nghèo. Các hộ còn lại thuộc diện hộ nghèo nhưng chưa được công nhận do còn vướng mắc ở khâu thủ tục. Nhiều hộ đến ở hai năm vẫn chưa có hộ khẩu.

* Làng... không chồng

Các cán bộ ở huyện An Lão thường nửa đùa nửa thật gọi TManghen bằng cái tên “làng không chồng”. Bà Lê Thị Hồng Vân, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện An Lão, nêu một con số đáng chú ý: Làng TManghen có gần 25 phụ nữ không chồng. Những người phụ nữ này một mình nuôi con. Có thể nhắc đến trường hợp của chị Đinh Thị Y Đào, chồng bỏ theo người khác, có 2 con. Đinh Thị Nhanh, nuôi một con rơi, trước ở thôn 1, An Trung, cha mù, mẹ già yếu. Đinh Thí Á, cũng có con mà không chồng, cuộc sống rất khó khăn, phải vay mượn khắp nơi mới có tiền làm nhà.

Ở TManghen, hiện tượng phụ nữ phải “đứng mũi chịu sào” khá phổ biến. Trong sổ hộ khẩu, họ là chủ hộ; trong cuộc sống, họ vừa là người mẹ, vừa thay thế vai người cha trong gia đình. Tập trung nhiều gia đình “đặc biệt” này, đòi hỏi vai trò quan trọng của chi hội phụ nữ cơ sở. Thế nhưng, hiện tại, công tác phụ nữ ở đây rất yếu, tổ chức lỏng lẻo. Chị Đinh Thị Hiết, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, đã làm đơn xin nghỉ, hiện thường xuyên về quê ở xã An Vinh để làm việc. Tạm thời, công tác phụ nữ được giao cho bà Đinh Thị Sa, nhưng bà Sa thường xuyên đau ốm. “Công tác tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản cho chị em còn chậm, chủ yếu dựa vào tinh thần tự giác là chính”- chị Đinh Thị Minh, Chủ tịch Hội LHPN xã An Trung, cho biết.

 

Làng TManghen trông khá nhếch nhác, những ngôi nhà tạm bợ và đa số người dân sinh sống tại làng là phụ nữ, trẻ em.

 

Không riêng gì phụ nữ, mà hoạt động của các tổ chức đoàn, hội khác cũng chồng chất khó khăn. Mỗi lần họp dân, chưa bao giờ số lượng đạt trên 50%. Đợt bầu trưởng thôn vừa rồi, chỉ có 30 hộ có đại diện đi bầu. Cán bộ thôn phải tất tả chia nhau đến từng nhà gọi mới đủ số lượng. Ông Đinh Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND xã An Trung, thừa nhận: “Thôn trưởng rất cố gắng, nhưng công việc quá nhiều, làm không xuể. Anh Du đã từng viết đơn xin nghỉ, nhưng chúng tôi không cho, anh Du nghỉ, biết tìm ai thay bây giờ!”.

Dù cơ sở hạ tầng còn nhiều thiếu thốn (10 hộ dùng chung một cái giếng; mỗi lần mưa xuống, khắp làng ngập lai láng, con đường giữa làng chưa kịp bê tông…), nhưng người dân nơi đây vẫn không ngơi hy vọng. Hôm chúng tôi đến, trường mẫu giáo của làng TManghen vừa hoàn thành. Năm học tới, trẻ em làng tái định cư sẽ được học trong trường mới. Nhà văn hóa trị giá 450 triệu đồng từ ngân sách tỉnh hỗ trợ cũng đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng. Dân ở làng TManghen có tuổi đời rất trẻ, đa phần dưới 35. Mong ước của người dân là nhanh chóng hoàn tất hồ sơ để được hưởng chế độ hộ nghèo, được cấp đất sản xuất để họ yên tâm làm ăn…

  • Yến Trang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thêm ca thứ 3 nhiễm cúm A/H1N1 tại Bình Định  (09/08/2009)
Tăng cường phòng cháy chữa cháy, phòng ngừa cháy lớn  (09/08/2009)
Cần có giải pháp để bảo vệ quần thể di tích Núi Bà  (08/08/2009)
“Đảng với thanh niên - Thanh niên với Đảng”  (08/08/2009)
TIN BUỒN  (08/08/2009)
Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh - những giá trị bất hủ  (08/08/2009)
Mồ côi cha mẹ, vẫn học giỏi  (07/08/2009)
Thêm nhiều trường hợp nghi nhiễm cúm A/H1N1  (07/08/2009)
Bình Định: Thêm 1 trường hợp nhiễm cúm A/H1N1  (06/08/2009)
Khẩu trang y tế khan hàng, giá cao gấp 5 lần bình thường  (06/08/2009)
Tai nạn lao động có chiều hướng gia tăng  (06/08/2009)
Gần 40 tỉ đồng xây dựng Trường Dạy nghề Bình Định  (06/08/2009)
Sốt xuất huyết tiếp tục hoành hành và lan nhanh  (06/08/2009)
Đến cuối năm 2010, có 100% công văn, tài liệu giấy được chuyển sang điện tử trên môi trường mạng  (05/08/2009)
Phác đồ mới chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm A/H1N1   (05/08/2009)