Cách xưng hô của người Việt vô cùng đa dạng và phong phú. Xưng hô luôn là đề tài gây ra nhiều tranh luận, bởi ngoài tính đa dạng và phong phú thì nó còn không ngừng biến đổi theo hoàn cảnh. Đã có bao nhiêu bài viết, bao nhiêu công trình nghiên cứu về ngôn ngữ và văn hóa xưng hô. Đọc đi đọc lại các công trình có tính hàn lâm ấy, tưởng là đã hiểu sâu sắc về văn hóa xưng hô lắm rồi, đến khi tiếp xúc thực tiễn cuộc sống mới thấy nó còn phức tạp hơn nhiều.
Hồi còn đại học, tôi có cô bạn đi làm thêm ở một nhà hàng. Công việc bưng bê cũng không có gì phức tạp, nhưng cách xã giao, trò chuyện, hỏi han khách thì phải được bà chủ “huấn luyện” mất mấy buổi. “Quán triệt” tinh thần của bà chủ, dù muốn dù không, khách từ độ 20 tuổi trở lên đều phải gọi “anh”, xưng “em” tuốt. Mấy hôm đầu còn ngường ngượng, sau rồi bạn cũng quen. Làm việc hơn hai tuần thì gọi như một quán tính. Bạn cười: “Thiệt lạ, nhiều người đáng tuổi ba mình, mà vẫn xưng “anh”, gọi “em” ngọt xớt”. Có một hôm, có đoàn công tác của một sở nọ đến liên hoan. Lúc bạn đang tíu tít anh anh, em em thì đột ngột từ cuối bàn có tiếng gọi: “Mang cho chú chai nước lọc, con!”. Bạn giật mình, tròn xoe mắt nhìn, rồi “dạ” một tiếng rõ to, chạy ù đi lấy nước. Tự nhiên thấy “cảm tình” với một người lần đầu gặp mặt!
Chị tôi từng gặp một “tai nạn” với đại từ xưng hô. Lúc mới về cơ quan, thấy các đồng nghiệp nam lớn tuổi thường không thích gọi bằng chú, thế nên, chị nghe theo lời một chị đồng nghiệp dạy: “Cứ dưới 55 tuổi thì gọi bằng anh cho tiện, vừa rút ngắn khoảng cách, lại đỡ bị yếu thế so với cách gọi chú- cháu”. Một lần, chị làm việc với một đối tác nam khoảng 50 tuổi. Và như thường lệ, chị gọi “anh” ngọt xớt. Làm việc xong, khách mời chị ăn tối. Nghĩ rằng đây là phép xã giao, chị đồng ý. Không ngờ, sau bữa tối lại là một lời mời đi cà phê để “tán gẫu cho đỡ buồn”. Bắt đầu thấy có điều gì là lạ, chị cáo bận; nhưng vị khách cố níu kéo: “Khi nào xong việc, em quay lại, mấy giờ anh cũng chờ”. Tá hỏa, chị ba chân bốn cẳng leo lên xe chạy thẳng. Về nhà, nằm vắt tay lên trán suy nghĩ, chị mới nhớ là trong khi ăn, ông khách có gọi cô phục vụ (trạc tuổi chị) lấy giúp cái chén sạch và xưng bằng “chú-cháu”. Thì ra, ông ta nghĩ chị gọi ông ấy bằng “anh” là có ý “bật đèn xanh”.
Xưng hô cho đúng không phải cầu kỳ, không phải khách sáo mà là thể hiện văn hóa của một con người. Khi giao tiếp, cách xưng hô còn thể hiện được thái độ, tình cảm với người đối diện. Cánh phóng viên trẻ chúng tôi vẫn quen gọi một cán bộ của Hội Chữ thập đỏ là “bố”, xưng “con”. Gọi “bố” một cách trân trọng. Bởi ông là một người đáng kính, trong công việc lẫn trong đời sống. Xưng “con” một cách tự nguyện. Bởi chúng tôi thấy mình quá đỗi nhỏ bé trước tấm lòng cao cả, vô tư, hết mình vì những mảnh đời bất hạnh của ông…
Tiếng Việt phong phú các đại từ xưng hô, chính sự phong phú ấy khiến nhiều người lúng túng bởi đôi khi không biết chọn đại từ nào cho phù hợp với một hoàn cảnh cụ thể nào đó. Tuy nhiên, nếu biết sử dụng một cách linh hoạt, hợp lý sẽ gây ấn tượng rất lớn. Nhà văn Đoàn Thạch Biền từng có cách xưng hô “ông- em” thuộc diện lạ đời và độc nhất vô nhị, nhưng độc giả vẫn vui vẻ chấp nhận bởi nó phản ánh được sự tinh tế trong tình cảm của con người…
|