Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đang được thảo luận, đóng góp, hoàn chỉnh, đã có một số ý kiến cho rằng một số quy định sẽ gây bất lợi cho người lao động (NLĐ); trong đó có liên quan đến các hình thức hợp đồng lao động (HĐLĐ), chế độ làm ngoài giờ, thai sản, tổ chức Công đoàn…
|
Nữ công nhân lao động thủ công. Ảnh: M.C
|
Vấn đề mà nhiều người quan tâm đó là việc xuất hiện hình thức “hợp đồng lao động có thời hạn 12 tháng trở lên” sẽ tạo điều kiện cho chủ sử dụng lao động (SDLĐ) ký hợp đồng có thời hạn nhiều năm mà không ký kết HĐLĐ không xác định thời hạn. Hoặc hình thức mới, như “hợp đồng lao động không trọn ngày, không trọn tuần”, được “giao kết bằng lời nói” sẽ tạo điều kiện cho chủ SDLĐ lợi dụng để né tránh việc ký hợp đồng và đóng bảo hiểm cho NLĐ.
Đáng quan tâm là việc Bộ luật Lao động sửa đổi đã quy định thời giờ làm thêm không quá 300 giờ trong một năm - tăng 100 giờ làm thêm trong một năm so với quy định hiện hành. Đã thế, còn có thêm quy định: Ngoài ra, trong trường hợp đặc biệt, chủ SDLĐ có thể thỏa thuận với NLĐ để làm thêm giờ. Sự nới lỏng của dự luật mới sẽ khiến doanh nghiệp tăng cường tăng ca, giãn ca, bóc lột sức lao động của NLĐ. Đáng lo lắng hơn là dự luật quy định một cách “quá mở”: Cho phép người SDLĐ có thể đơn phương chấm dứt HĐLĐ “vì lý do kinh tế”; điều này có thể khiến người SDLĐ lợi dụng để sa thải NLĐ hàng loạt một cách tùy tiện.
Theo quy định hiện hành, khi thành lập DN, có sử dụng số đông NLĐ, thì DN đó phải thành lập tổ chức Công đoàn cơ sở. Dự thảo luật cho phép NLĐ ở những DN chưa có tổ chức Công đoàn, có quyền bầu chọn người đại diện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ trong DN. Điều này trái với Điều 10 của Hiến pháp - quy định rõ Công đoàn là tổ chức duy nhất hợp pháp đại diện cho tập thể NLĐ.
Một quy định mới của dự thảo là cho phép lao động nữ nghỉ thai sản từ 5 đến 7 tháng. Quy định này tuy có tính chất tiến bộ, góp phần đảm bảo sức khỏe, chất lượng sống cho phụ nữ, nhưng cũng khiến cho nhiều người lo ngại. Bởi trong thực tế hiện nay lao động nữ chỉ nghỉ thai sản có 4 tháng mà một số chủ DN còn tìm mọi cách để chấm dứt hợp đồng, cho thôi việc, không bố trí công việc phù hợp... Vậy, việc áp dụng thời gian nghỉ thai sản lâu hơn, khả năng bị mất việc của lao động nữ cũng sẽ có khả năng tăng cao.
|