XỬ LÝ DỊCH CÚM A/H1N1:
Nhanh, gọn và hạn chế lây lan trong cộng đồng
9:9', 11/8/ 2009 (GMT+7)

Sáng qua (10.8), Sở Y tế đã tổ chức hội nghị triển khai khẩn cấp đến các cơ sở y tế các phương án điều trị bệnh nhân, cách ly và xử lý khi dịch cúm A/H1N1 lây lan nhanh ở Bình Định; đồng thời chấn chỉnh kịp thời những “chệch choạc” trong công tác phòng chống dịch cúm A/H1N1 trong các cơ sở y tế.

 

BVĐK tỉnh vẫn đóng vai trò chính trong điều trị cách ly bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1. - Trong ảnh: Khu vực cách ly đặc biệt trong BVĐK tỉnh Ảnh: T.H

 

* Điều trị ngay khi có biểu hiện lâm sàng điển hình

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Oanh, Phó trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, BVĐK tỉnh, điểm mới bổ sung trong phác đồ điều trị được Bộ Y tế ban hành ngày 31.7 là: Các cơ sở y tế căn cứ vào yếu tố dịch tễ của người bệnh, các biểu hiện lâm sàng điển hình của cúm A/H1N1 để tiến hành điều trị ngay mà không cần xét nghiệm. Phần sử dụng thuốc Tamiflu cho người nhiễm cúm cơ bản vẫn như phác đồ đã ban hành, nhưng có điều chỉnh liều dùng cho sát với độ tuổi, hiện trạng bệnh, các diễn biến lâm sàng cũng như cơ địa thích ứng với Tamiflu của người bệnh.

Những người mắc bệnh mạn tính (bệnh tim mạch, hen, lao phổi, tiểu đường, béo phì, suy dinh dưỡng, bệnh nhân AIDS...), phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần được đặc biệt quan tâm tới tình trạng sức khỏe của mình, tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh, khi có biểu hiện bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chữa kịp thời, hạn chế biến chứng nặng và tử vong.

Hiện nay, 3 trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 ở Bình Định đều là “ngoại nhập” từ TP Hồ Chí Minh về và khả năng lây lan dịch bệnh trong cộng đồng rất lớn, đòi hỏi các cơ sở y tế phải có đủ năng lực sẵn sàng ứng phó.

Phương án giám sát, theo dõi điều trị cách ly trong trường hợp dịch cúm A/H1N1 lây lan nhanh với số ca mắc nhiều đã được lãnh đạo Sở Y tế tính đến. Theo đó, BVĐK tỉnh vẫn đóng vai trò chính trong điều trị cách ly bệnh nhân. Khoa Bệnh Nhiệt đới của bệnh viện sẽ tiến hành chuyển bệnh nhân mắc các bệnh lý khác sang các khoa điều trị để “giãn” phòng bệnh cách ly và tránh lây nhiễm chéo giữa các bệnh nhân. Và, tùy theo diễn biến của dịch, khi BVĐK tỉnh quá tải bệnh nhân thì lãnh đạo Sở sẽ có chỉ đạo BVĐK khu vực Phú Phong, Bồng Sơn và BVĐK TP Quy Nhơn cùng chia sẻ.

* Lên phương án ứng phó khi dịch lây lan nhanh

Bác sĩ Trần Thượng Dũng, BVĐK tỉnh, đặt giả thiết trong trường hợp dịch cúm A/H1N1 xuất hiện nhiều thì việc vận chuyển bệnh nhân từ các Trung tâm Y tế về khu cách ly đặc biệt tại BVĐK tỉnh gặp nhiều khó khăn. Về việc này, ông Lê Quang Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế, khẳng định: “Hiện nay, ngoài BVĐK tỉnh có 2 xe chuyển viện chuyên dụng, 2 bệnh viện khu vực Phú Phong và Bồng Sơn cũng đã có xe chuyên dụng nên có thể chủ động chuyển viện”.

Đối với việc vận chuyển mẫu bệnh phẩm bệnh nhân đưa vào Viện Pasteur Nha Trang làm xét nghiệm, trong trường hợp dịch lây lan nhanh, Sở Y tế sẽ điều chuyển xe chuyên dụng từ các đơn vị khác để hỗ trợ cho Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh.

Tại hội nghị, ông Lê Quang Hùng đã nhấn mạnh các cơ sở điều trị phải chú trọng khâu chẩn đoán, khai thác kỹ bệnh sử và có hội chẩn trước khi chuyển viện, tránh tình trạng chuyển viện không chính xác, hoặc bỏ sót các bệnh lý khác. Các bệnh viện phải chủ động phương tiện bảo hộ, đặc biệt là khẩu trang cho nhân viên y tế và nhân viên hành chính.

Hiện nay, do thiếu thông tin, một bộ phận người dân vẫn còn thái độ “kỳ thị” với ngay cả bệnh nhân nghi nhiễm cúm A/H1N1. Do đó, công tác giám sát, xử lý và vệ sinh môi trường khu vực nhà của bệnh nhân phải được thực hiện theo đúng quy trình và tuyên truyền để người dân hợp tác với cơ quan y tế.

 

Theo Cục Quản lý Dược-Bộ Y tế về hiệu quả sử dụng thuốc Tamiflu điều trị bệnh cúm A/H1N1, tại Việt Nam hiện chưa có bằng chứng lâm sàng về tình trạng vi-rút cúm A kháng thuốc Tamiflu (Oseltamivir). Một số trường hợp thời gian điều trị bằng thuốc này kéo dài có thể do tính miễn dịch và tính thải trừ vi-rút chậm của cơ thể. Đến nay, Tổ chức Y tế Thế giới, Cơ quan Quản lý thuốc châu Âu, Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ chưa có thay đổi nào liên quan đến sử dụng Tamiflu (Oseltamivir) trong phác đồ điều trị cúm A/H1N1. Bộ Y tế cũng khuyến cáo, việc sử dụng thuốc kháng vi-rút để điều trị và dự phòng cúm A/H1N1 phải tuân thủ theo hướng dẫn của cán bộ y tế để đảm bảo tính an toàn, hiệu quả, tránh hiện tượng vi-rút kháng thuốc. Người dân tuyệt đối không nên tự ý sử dụng và chỉ được mua thuốc khi có thăm khám và kê đơn của thầy thuốc.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

  • Thu Hiền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và THPT Quốc học Quy Nhơn tiếp tục nằm trong tốp 200 trường THPT có điểm thi ĐH cao nhất  (10/08/2009)
Trao tặng 550 xe lăn cho người khuyết tật nghèo  (10/08/2009)
Một số quy định bất lợi cho người lao động  (10/08/2009)
Tỉnh ta có 5 ứng viên  (09/08/2009)
Tản mạn quanh chuyện xưng hô  (10/08/2009)
Đi spa  (09/08/2009)
Ngổn ngang Tmanghen  (09/08/2009)
Thêm ca thứ 3 nhiễm cúm A/H1N1 tại Bình Định  (09/08/2009)
Tăng cường phòng cháy chữa cháy, phòng ngừa cháy lớn  (09/08/2009)
Cần có giải pháp để bảo vệ quần thể di tích Núi Bà  (08/08/2009)
“Đảng với thanh niên - Thanh niên với Đảng”  (08/08/2009)
TIN BUỒN  (08/08/2009)
Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh - những giá trị bất hủ  (08/08/2009)
Mồ côi cha mẹ, vẫn học giỏi  (07/08/2009)
Thêm nhiều trường hợp nghi nhiễm cúm A/H1N1  (07/08/2009)