AN NHƠN:
Khởi sắc mẫu giáo xã
8:40', 11/8/ 2009 (GMT+7)

Cũng như nhiều địa phương khác, hệ thống mẫu giáo (MG) xã, thị trấn ở An Nhơn một thời gian dài là “đứa con rơi” không được quan tâm đầu tư. Tuy nhiên, việc nhiều xã, thị trấn ở An Nhơn đã bỏ ra hàng tỉ đồng xây trường MG, cùng với những chính sách quan tâm đến đời sống của giáo viên (GV) của huyện, đang từng bước làm thay đổi gương mặt MG xã.

 

Trường Mầm non thị trấn Bình Định (An Nhơn) là một trong hai trường mầm non nông thôn của tỉnh đã đạt chuẩn Quốc gia. Ảnh: Q.H

 

* Trả lương GV theo bằng cấp

An Nhơn có 16 trường MG ở các xã, thị trấn; với 5 nhóm trẻ, 189 lớp MG, 4.376 học sinh (86 học sinh (HS) tuổi nhà trẻ). GV trực tiếp giảng dạy ở hệ này có 210 cô.

Trước đây, lương cho GV MG xã, thị trấn được chi trả từ việc thu học phí của học sinh và hỗ trợ của UBND xã, thị trấn nên mức trả ở mỗi nơi một khác và không có phụ cấp đứng lớp.

Thị trấn Bình Định có mức thu học phí 30 ngàn đồng/HS/tháng nên có mức trả lương GV cao nhất từ 800-1,2 triệu đồng/GV/tháng theo bằng cấp đào tạo. Các xã Nhơn Phúc, Nhơn Lộc, Nhơn Tân, Nhơn Hòa, tổ Kim Châu - thị trấn Bình Định thu học phí 25 ngàn đồng/HS/tháng; 10 xã còn lại có mức thu học phí 20 ngàn đồng/HS/tháng. Mức thu học phí khác nhau và khả năng hỗ trợ của mỗi địa phương cũng khác nhau, nên lương GV được trả mỗi nơi một khác. Thị trấn Đập Đá trả lương khoảng 700 ngàn đồng/GV/tháng cho tất cả GV; các xã Nhơn Phúc, Nhơn Lộc, Nhơn Khánh, Nhơn Tân, Nhơn Hạnh, Nhơn Phong, Nhơn Hậu trả 550 ngàn đồng/GV/tháng cho tất cả GV có trình độ đào tạo sơ cấp, trung cấp, cao đẳng…

Trước thực trạng đó, từ 1.2009, huyện An Nhơn đã xây dựng Đề án chuyển xếp lương hợp đồng cho cán bộ, GV mầm non, MG xã, thị trấn theo tinh thần của Nghị định 114 của Chính phủ về thi hành Bộ luật Lao động: “Khoảng cách của các bậc lương phải đảm bảo khuyến khích để người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, tích lũy kinh nghiệm, phát triển tài năng…”.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện An Nhơn, cho biết: Áp dụng chi trả lương GV MG xã theo ngạch bậc và trình độ đào tạo (bằng cấp chuyên môn), năm 2009, ngân sách huyện, xã phải hỗ trợ chi trả lương cho GV khoảng 3 tỉ đồng/năm (trước đây, ngân sách xã hỗ trợ khoảng 1 tỉ đồng/năm). Tuy nhiên, huyện cũng áp dụng phân cấp chi hỗ trợ cho MG xã, thị trấn: Trường Mầm non Nhơn Tân thuộc xã khó khăn, sau khi cân đối trừ đi quỹ học phí thu được, ngân sách huyện sẽ chi hỗ trợ 50%- ngân sách xã hỗ trợ 50%; thị trấn Bình Định, thị trấn Đập Đá, huyện hỗ trợ 10%- thị trấn 90%; các xã còn lại tỉ lệ hỗ trợ là 40%-60%.

Việc trả lương theo bằng cấp đã tạo được công bằng trong chính sách chi trả lương cho GV và khuyến khích GV học tập, nâng cao trình độ. “Trong năm học 2008-2009, huyện đã có 52 GV mầm non “bỏ tiền túi” để tham gia các lớp đào tạo từ xa nâng chuẩn lên cao đẳng, đại học”- bà Yến cho biết.

* Xã bỏ tiền tỉ xây trường

Năm 2005, Trường Mầm non thị trấn Bình Định đã được UBND thị trấn đầu tư xây dựng khá quy mô với 4 phòng học, các phòng chức năng, bếp nấu một chiều, sân chơi… với kinh phí trên 3 tỉ đồng. Hiện Trường đang thu nhận 145 cháu tại cơ sở chính (3 lớp MG, 1 nhóm trẻ) và tổ chức cho các cháu học bán trú. Đây là một trong hai trường mầm non xã, phường (cùng với Trường Mầm non xã Tam Quan Nam, Hoài Nhơn) của tỉnh đã đạt chuẩn Quốc gia.

Theo gương thị trấn Bình Định, xã Nhơn Hưng cũng đã bỏ ra trên 2 tỉ đồng để xây dựng trường MG theo hướng đạt chuẩn Quốc gia. Sở GD-ĐT đã hỗ trợ cho xã 100 triệu đồng mua sắm trang thiết bị; UBND huyện An Nhơn cũng đã hỗ trợ 100 triệu đồng cho trường mua đồ chơi ngoài trời cho các cháu. Được đầu tư về cơ sở vật chất, Nhơn Hưng đã tổ chức dạy bán trú 2 buổi/ngày cho HS.

Xã Nhơn Lộc cũng đã đầu tư gần 3 tỉ đồng để xây dựng các cơ sở MG phục vụ mở bán trú. Để được công nhận trường chuẩn Quốc gia, MG xã đang từng bước đầu tư  về chuyên môn, mở nhóm trẻ, tăng cường chất lượng học bán trú để khoảng 1-2 năm nữa sẽ đề nghị công nhận trường chuẩn. Ngoài ra, xã Nhơn Phúc cũng đang chuẩn bị xây dựng 4 phòng học MG  theo hướng chuẩn…

Trước đây, hệ thống MG xã, phường, thị trấn hay còn được gọi là MG dân lập, được giao cho các hợp tác xã nông nghiệp đầu tư xây dựng, nên nhỏ bé, chật chội, thiếu sân chơi. Sau này, MG “hợp tác xã” được chuyển giao cho xã, mà hầu hết các xã đều nghèo hoặc thiếu quan tâm đầu tư, nên “đứa con rơi” này vẫn chưa thể khá hơn. Việc các xã, thị trấn ở huyện An Nhơn bỏ ra hàng tỉ đồng đầu tư xây dựng trường MG là một tín hiệu rất tích cực. Tuy nhiên, bà Ngọc Yến cho biết: “Để xây dựng hệ thống MG xã, thị trấn đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, cần phải có sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước. Bởi, ngoài một số xã có khả năng, tiềm lực, thì vẫn còn nhiều xã đang rất khó khăn về kinh phí…”.

  • Ngọc Quỳnh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
LỜI CẢM TẠ  (11/08/2009)
Không được quảng cáo sữa dành cho trẻ dưới 12 tháng tuổi  (11/08/2009)
Trường Đại học Quy Nhơn công bố điểm chuẩn  (11/08/2009)
Nhanh, gọn và hạn chế lây lan trong cộng đồng  (11/08/2009)
Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và THPT Quốc học Quy Nhơn tiếp tục nằm trong tốp 200 trường THPT có điểm thi ĐH cao nhất  (10/08/2009)
Trao tặng 550 xe lăn cho người khuyết tật nghèo  (10/08/2009)
Một số quy định bất lợi cho người lao động  (10/08/2009)
Tỉnh ta có 5 ứng viên  (09/08/2009)
Tản mạn quanh chuyện xưng hô  (10/08/2009)
Đi spa  (09/08/2009)
Ngổn ngang Tmanghen  (09/08/2009)
Thêm ca thứ 3 nhiễm cúm A/H1N1 tại Bình Định  (09/08/2009)
Tăng cường phòng cháy chữa cháy, phòng ngừa cháy lớn  (09/08/2009)
Cần có giải pháp để bảo vệ quần thể di tích Núi Bà  (08/08/2009)
“Đảng với thanh niên - Thanh niên với Đảng”  (08/08/2009)