Dịch cúm A/H1N1 đã lây lan nhanh ở một số địa phương trong cả nước. Tại tỉnh ta, đến hết ngày 12.8, đã có 5 trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 “ngoại nhập” từ TP Hồ Chí Minh về. Nguy cơ lây nhiễm, đặc biệt ở các điểm tập trung đông người, đầu mối giao thông là rất lớn. Tuy nhiên, bên cạnh các đơn vị triển khai tốt vẫn còn một số đơn vị lúng túng trong công tác phòng chống dịch cúm A/H1N1.
|
Áp phích tuyên truyền tại khu vực hồ bơi của Khách sạn Hải Âu. Ảnh: T.H
|
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch cúm A/H1N1, thời gian qua, ngành y tế đã tiến hành cấp phát 1.500 áp phích và 13.500 tờ rơi cho 11 trung tâm y tế huyện, thành phố và một số điểm công cộng như: nhà ga, cảng, sân bay, bến xe, chợ và khách sạn. Nhiều hình thức tuyên truyền khác được đẩy mạnh bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ các trọng điểm có nhiều nguy cơ lây nhiễm cúm A/H1N1.
Tại Bến xe khách trung tâm Quy Nhơn, thuộc Công ty Cổ phần Bến xe Bình Định, lãnh đạo đơn vị đã triển khai dán áp phích ở những nơi hành khách tập trung đông và dễ nhìn; phát tờ rơi cho các nhà xe; đồng thời tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch cúm A/H1N1 trên loa 5-6 lần/ngày.
Còn Ga Diêu Trì, bình quân mỗi ngày trung chuyển hàng trăm lượt hành khách. Do đó, trong thời gian qua, nhà ga đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Trung tâm Y tế Dự phòng thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Các áp phích phòng chống dịch được dán ở những nơi dễ thấy và một số tờ rơi được cấp phát cho hành khách. Lãnh đạo Ga Diêu Trì cũng chuẩn bị đầy đủ phòng cách ly tạm thời, có khẩu trang, quần áo bảo hộ, dung dịch sát khuẩn và súc miệng, hóa chất diệt khuẩn… Nhà ga cũng đã phối hợp với ngành y tế địa phương thực hiện các cam kết phòng chống dịch bệnh cho hành khách đi tàu.
Riêng tại Cảng Quy Nhơn, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch cũng đã chuẩn bị một phòng cách ly, có trang bị giường nằm, xô chậu, các dụng cụ thiết yếu cho cá nhân. Hàng ngày, Cảng cũng có Ban Kiểm dịch kiểm tra sức khỏe hành khách từ các tàu trước khi nhập cảnh. Ngoài ra, ở đây cũng có một trạm y tế với 2 y sĩ và 2 y tá phụ trách để khi có trường hợp nghi ngờ nhiễm cúm A/H1N1 sẽ xử lý kịp thời, trước khi chuyển viện đến khu cách ly đặc biệt ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Đồng thời, số tờ rơi do ngành y tế cấp phát cũng phát cho công nhân và các lái tàu.
|
Với hàng trăm lượt xe khách ra vào bến mỗi ngày, nhưng hiện Bến xe khách trung tâm Quy Nhơn vẫn lúng túng với việc phòng chống dịch cúm A/H1N1. Ảnh: Văn Lưu
|
Các nhà hàng, khách sạn có quy mô lưu trữ và tiếp đón một lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước cũng đã chủ động vào cuộc. Theo chị Trần Thị Ngọc Hà, nhân viên của Khách sạn Hải Âu, bình quân mỗi ngày khách sạn này có khoảng 1.000 lượt khách lưu trú và dự đám tiệc, vì thế, việc tuyên truyền đẩy mạnh công tác phòng chống dịch rất được lưu tâm. Hiện, 5 tờ áp phích tuyên truyền loại lớn đã được dán ở các điểm nhà hàng, khu vực lễ tân, hồ bơi; còn 200 tờ rơi cũng đã được cấp phát cho nhân viên và khách lưu trú dài ngày.
Dù đã chuẩn bị tích cực, nhưng thực tế còn một số đơn vị lúng túng và chủ quan trong phòng chống dịch. Bến xe khách trung tâm Quy Nhơn không có phòng y tế và nhân viên y tế. Bà Trần Thị Vân Châu, Phó phòng Hành chính - Quản trị, cho biết: Trong trường hợp có hành khách nghi ngờ mắc bệnh thì người bệnh đều về nhà rồi mới xử lý, do vậy, Bến xe không có phòng cách ly dành cho bệnh nhân nhiễm hoặc nghi nhiễm cúm.
Điều đáng nói, mỗi ngày Bến xe phải đưa đón hàng ngàn hành khách, nguy cơ dịch cúm A/H1N1 tấn công rất cao nhưng đến thời điểm này, đơn vị cũng chưa trang bị khẩu trang, dung dịch rửa tay, hóa chất diệt khuẩn. Bà Châu thừa nhận cũng chưa biết gọi điện báo cho ai khi có trường hợp nghi ngờ nhiễm cúm A/H1N1. Bà Châu cho biết thêm: “Chúng tôi đang rất lúng túng, nếu được hướng dẫn kỹ thì có lẽ công tác chuẩn bị sẽ tốt hơn. Chúng tôi cũng mong được ngành y tế hướng dẫn cho các lái xe về cách phòng chống cúm A/H1N1, biện pháp xử lý cũng như phòng chống lây nhiễm trong cộng đồng. Đồng thời, tôi cũng sẽ đề nghị với Ban Giám đốc Công ty chuẩn bị phòng cách ly tạm thời, có khẩu trang, nước súc miệng, quần áo bảo hộ, găng tay, hóa chất diệt khuẩn và có phương án xử lý các trường hợp nghi ngờ và bố trí nhân viên y tế chống dịch”.
Dù hiện tại dịch cúm A/H1N1 chưa phát triển mạnh ở Bình Định, song vẫn luôn là nguy cơ tiềm ẩn và nếu chúng ta thiếu cảnh giác thì sự nguy hại sẽ rất khó lường.
ÔNG BÙI QUỐC HỒNG, PHÓ TRƯỞNG BAN BAN QUẢN LÝ KKT TỈNH:
Mỗi doanh nghiệp phải biết tự bảo vệ nguồn nhân lực của mình
Với lực lượng lao động lớn, thường xuyên tập trung đông và tiếp xúc gần, nên các doanh nghiệp (DN) ở khu kinh tế, khu công nghiệp (KKT-KCN) là những địa chỉ có nguy cơ nhiễm và lây lan nhanh cúm A/H1N1. Ông Bùi Quốc Hồng, Phó Trưởng ban Ban Quản lý KKT tỉnh, cho biết: Hiện, các KKT-KCN trên địa bàn tỉnh có 103 DN, tập trung chủ yếu ở KCN Phú Tài và Long Mỹ (gần 100 DN) với gần 20 ngàn lao động đang vào mùa vụ sản xuất.
|
Các DN phải biết tự bảo vệ nguồn nhân lực của mình trước đại dịch cúm A/H1N1. Ảnh: N.Phúc
|
* Trước nguy cơ dịch cúm A/H1N1 có thể “tấn công” vào các KCN, Ban Quản lý đã có những biện pháp nào để ứng phó?
- Mặc dù cho đến thời điểm này, trong các KKT-KCN của tỉnh chưa có trường hợp nào nhiễm cúm A/H1N1, nhưng chúng tôi hiểu rằng nếu dịch vào đến DN thì không những hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ mà còn tác động đến khách hàng, nơi DN cung cấp hàng. Không chỉ có nguy cơ lây lan ở nơi làm việc, các công nhân bị cúm A/H1N1 còn làm lây nhiễm trong cộng đồng.
Trước tình hình này, căn cứ khuyến cáo của ngành y tế, sự chỉ đạo của UBND tỉnh, tuần vừa rồi, chúng tôi đã chủ động phối hợp với Sở Y tế bàn biện pháp đối phó với dịch cúm A/H1N1 tại các DN đang hoạt động trong các KCN. Ngay sau cuộc họp này, chúng tôi đã gửi cấp tốc văn bản đến tất cả các DN, với các khuyến cáo của ngành y tế đối với công tác phòng chống; đồng thời nhấn mạnh 6 giải pháp cần làm ngay. Tiếp sau văn bản này, ngày 11.8, Ban Quản lý KKT tỉnh cũng đã phối hợp với Sở Y tế tổ chức lớp tập huấn cho các lãnh đạo, bộ phận quản lý nhân sự và nhân viên y tế của DN, để họ chủ động triển khai phòng chống dịch.
* Các KKT-KCN trên địa bàn tỉnh hiện có 103 DN, nhưng lớp tập huấn vừa rồi chỉ có đại diện của 50 DN tham gia. Vậy, ông đánh giá thế nào về nhận thức của các chủ sử dụng lao động trong vấn đề này?
- Dịch cúm A/H1N1 không chừa một ai, nên mỗi DN phải biết tự bảo vệ nguồn nhân lực của mình. Chúng tôi tổ chức tập huấn là để DN nhận thức được mức độ nguy hiểm của dịch, từ đó có biện pháp tuyên truyền cũng như phòng chống đến từng người lao động. Động thái này không chỉ giúp bản thân từng cá thể người lao động, từng DN, mà còn bảo vệ cho cả cộng đồng DN.
Qua lớp tập huấn này cũng cho thấy, nhiều DN đã rất quan tâm đến công tác phòng chống dịch cúm A/H1N1. Song, cũng có một số DN vì nhiều lý do, hoặc thấy rằng đây là chuyện bình thường, báo, đài nói nhiều rồi, nên không tham gia.
* Được biết, trong văn bản gửi các DN, ngoài các khuyến cáo của ngành y tế, Ban Quản lý KKT tỉnh còn đề cập đến những việc cần làm ngay, đó là gì, thưa ông?
- Chúng tôi đã có cảnh báo DN phải cập nhật thường xuyên thông tin, cảnh giác với đại dịch. DN phải bỏ tiền mua ngay khẩu trang y tế để chủ động khi xảy ra trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 trong đơn vị thì có thể trang bị ngay cho người lao động mà không chờ ngành y tế. DN cũng phải trang bị xà phòng, nước sát khuẩn để rửa tay ở tất cả nơi công cộng và thực hiện thường xuyên thói quen rửa tay bằng xà phòng. Ngoài ra, các DN phải nhân bản 9 khuyến cáo của ngành y tế mà chúng tôi “chắt lọc” được để dán trong khu làm việc của công nhân, khu hành chính; DN nào sử dụng loa để tuyên truyền thì càng tốt. Bản thân công nhân làm việc “tối mặt, tối mũi” nên những cách tuyên truyền cụ thể như thế này có tác dụng “mưa dầm thấm lâu”.
Sau này, chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra đột xuất, xem các DN đã làm theo khuyến cáo này như thế nào.
* Còn trách nhiệm của DN đặt trong trường hợp đơn vị có công nhân lao động nhiễm, hoặc nghi nhiễm cúm A/H1N1, thưa ông?
- Trước hết, DN phải cho người lao động nghỉ ngơi theo đúng thời gian quy định của ngành y tế và trả đầy đủ lương, chế độ để người lao động yên tâm điều trị. DN phải tự bảo vệ đừng chờ người khác bảo vệ mình. Tất nhiên, hiệu quả của việc phòng chống cúm A/H1N1 trong DN cũng phụ thuộc rất lớn vào ý thức của người lao động, nếu không cũng khó mà kiểm soát hết được.
Chúng tôi cũng đã khuyến cáo DN phải nhanh chóng thông báo thông tin về tình hình dịch bệnh cho cơ quan y tế. Phương án xử lý ca bệnh khi xảy ra dịch ở các DN thì Ban Quản lý KKT cũng đã có họp bàn với đại diện lãnh đạo Sở Y tế. Điều quan trọng là DN phải tự giác thông tin đến ngành y tế để có xử lý kịp thời.
* Xin cảm ơn ông!
|
|