Mở thêm cánh cửa vào đời cho trẻ khuyết tật
8:39', 14/8/ 2009 (GMT+7)

Từ tháng 8.2009 đến nay, khi tổ chức Catholic Relief Services (CRS - Mỹ) triển khai mô hình giáo dục hòa nhập và hỗ trợ cộng đồng dành cho trẻ khuyết tật tại khu vực chịu ảnh hưởng bởi dioxin, thì trẻ khuyết tật ở 5 xã Cát Tân, Cát Thành, Cát Khánh, Cát Thắng và Cát Hanh (huyện Phù Cát) có thêm cơ hội mở cánh cửa vào đời.

 

Thăm khám và hỗ trợ y tế cho trẻ khuyết tật trong khuôn khổ dự án của CRS. Ảnh: T.Hiền

 

* Cho trẻ khuyết tật tự tin vào đời

“Con muốn bỏ ngón tay thừa vì các bạn cùng lớp cứ trêu là đồ “xi-cà-que” ”- đó là tâm sự của Mai Thị Hồng Ẩn, cô học trò giỏi Trường Tiểu học số 2 Cát Khánh. Nhà có 4 chị em gái, chỉ riêng mỗi Hồng Ẩn bị tật thừa ngón ở bàn tay phải. Hồi còn nhỏ, Hồng Ẩn phải viết bằng tay trái vì ngón tay thừa vướng víu không tài nào viết kịp các bạn. Chị Nguyễn Thị Hoa, ở Phú Long, xã Cát Khánh - mẹ của Hồng Ẩn - tâm sự: “4 đứa con đang tuổi ăn học đều trông cả vào thu nhập của 7 sào ruộng và 300 con vịt nuôi. Hai vợ chồng bệnh tật liên miên nên cũng chẳng làm được gì thêm. Con bé bị tật kèm với bệnh tim, nhưng nhà khó khăn quá, nên cũng không tính đến chuyện mổ xẻ”. 

Từ ngày 12 đến 16.8, còn có 21 trẻ khuyết tật vận động và khuyết tật mắt ở 5 xã nói trên được CRS hỗ trợ toàn bộ chi phí phẫu thuật và ăn ở, đi lại để chờ Bệnh viện Đa khoa tỉnh phẫu thuật. Ông Trần Quang Định, 55 tuổi, ở thôn Vĩnh Trường, xã Cát Hanh, có con là Trần Đăng Nam, 13 tuổi, bị co kéo ngón tay ở tay phải do bị bỏng nước sôi. Sau nhiều lần lỡ hẹn, lần này ông Định vui lắm vì bàn tay của con đã được phẫu thuật. Ông Định cho biết: “Đời sống nông dân như chúng tôi còn nhiều khó khăn, nên chi phí phẫu thuật dị tật cho con không phải ai cũng cáng đáng nổi. Bởi vậy, gia đình tôi gần như chỉ chờ vào những cơ hội này…”. 

Đợt phẫu thuật này chỉ là một trong số những hoạt động nằm trong hợp phần can thiệp y tế của dự án “Giáo dục hòa nhập và hỗ trợ cộng đồng dành cho trẻ khuyết tật ở khu vực ảnh hưởng bởi dioxin”. Ngoài hợp phần này, còn có 2 hợp phần giáo dục hòa nhập và tăng cường hỗ trợ cộng đồng, hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức.

CRS đã tiến hành một chuỗi các khóa tập huấn về giáo dục hòa nhập, phát hiện và phục hồi chức năng, kỹ năng dạy trẻ ở các dạng tật khác nhau trong lớp học hòa nhập được phổ biến cho đội ngũ giáo viên tiểu học, mầm non, cán bộ cốt cán, lãnh đạo ngành giáo dục… Công tác hỗ trợ trẻ khuyết tật tại nhà theo hình thức phục hồi chức năng cũng được đẩy mạnh. Đặc biệt, mô hình nhóm bạn nằm trong mạng lưới hỗ trợ cộng đồng tại các trường tiểu học bao gồm học sinh khuyết tật, không khuyết tật bậc tiểu học lớp 3 và lớp 4 và giáo viên chủ nhiệm, đóng vai trò quan trọng trong việc huy động trẻ khuyết tật ra lớp.

* Cộng đồng cùng vào cuộc

Ông Andrew Wells-Dang, Trưởng đại diện tổ chức CRS tại Việt Nam, cho biết: Tiêu chí của CRS khi triển khai dự án này là để trẻ khuyết tật có điều kiện phát triển toàn diện thông qua những hoạt động giáo dục có chất lượng và can thiệp y tế. Giáo dục hòa nhập có nghĩa là trẻ khuyết tật được học trong các trường phổ thông, cùng với các bạn không khuyết tật. Mô hình này tạo điều kiện cho các em được sống và sinh hoạt cùng với gia đình và cộng đồng, phát triển được tình bạn và các kỹ năng xã hội với các bạn cùng trang lứa không khuyết tật, cũng như được trang bị các kỹ năng giúp các em chuẩn bị định hướng nghề nghiệp và tham gia đầy đủ vào đời sống xã hội. Do đó, điều quan trọng là phải có sự tham gia hỗ trợ của gia đình, nhà trường và xã hội.

Với quan niệm này, Hội phụ huynh trẻ khuyết tật đã được thành lập tại 5 xã bao gồm đại diện UBND xã, trạm y tế, nhà trường, các hội, đoàn thể và đại diện phụ huynh trẻ khuyết tật. Sau khi thành lập Hội phụ huynh trẻ khuyết tật, tổ chức CRS tiến hành tập huấn nâng cao nhận thức cho Hội phụ huynh về lĩnh vực khuyết tật, về giáo dục hòa nhập, các kỹ năng phát hiện trẻ khuyết tật, phục hồi chức năng vận động của trẻ khuyết tật. Kiến thức và các kỹ năng được trang bị từ các khóa tập huấn giúp Hội phụ huynh trẻ khuyết tật hoạt động hiệu quả trong công tác hỗ trợ trẻ khuyết tật.

Bên cạnh các hoạt động tập huấn về chuyên môn, Hội cũng chủ động, sáng tạo triển khai các hoạt động trong dự án và các hoạt động hỗ trợ trẻ khuyết tật của địa phương. Ngoài ra, Hội còn tổ chức những hoạt động mang tính chất cộng đồng như các cuộc thi tìm hiểu, giao lưu để chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc trẻ…

* Tiếp tục mở rộng địa bàn hỗ trợ

Đến thời điểm này, dự án tại 5 xã của huyện Phù Cát đã đi được 2/3 chặng đường và sẽ kết thúc vào tháng 12.2009. Các hoạt động trong 3 hợp phần của dự án đã tác động tích cực đến cuộc sống của trẻ và gia đình trẻ khuyết tật.

Chị Huỳnh Thị Hữu, cán bộ Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Phù Cát, khẳng định: “Hiện trẻ khuyết tật trên địa bàn huyện khá lớn, khoảng 1.600 cháu. Dù dự án chỉ được triển khai ở 5 xã, nhưng đã có nhiều đóng góp, quan tâm giáo dục hòa nhập cộng đồng cho trẻ khuyết tật”.

Theo kế hoạch, sau khi kết thúc dự án tại 5 địa bàn nói trên, CRS sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 tại 5 xã, thị trấn khác của huyện Phù Cát là các xã: Cát Minh, Cát Hưng, Cát Nhơn, Cát Tường và thị trấn Ngô Mây.

  • Thu Hiền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đồng chí Phạm Văn Thanh tiếp xúc cử tri phường Thị Nại  (14/08/2009)
Dân số Bình Định đạt 1,486 triệu người  (14/08/2009)
Nơi có một “bầu trời” tin học  (13/08/2009)
CRS hỗ trợ phẫu thuật cho 22 trẻ khuyết tật  (13/08/2009)
Đề án đầu tư lớn nhất về đào tạo nghề  (13/08/2009)
Nơi chủ động, nơi lúng túng  (13/08/2009)
Bác sỹ công tác tại các trạm y tế được hỗ trợ từ 300 ngàn đến 1 triệu đồng/tháng   (12/08/2009)
Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất   (12/08/2009)
Đi gởi ô tô   (12/08/2009)
Ngày và đêm 12.8.2009   (11/08/2009)
Khởi sắc mẫu giáo xã  (11/08/2009)
LỜI CẢM TẠ  (11/08/2009)
Không được quảng cáo sữa dành cho trẻ dưới 12 tháng tuổi  (11/08/2009)
Trường Đại học Quy Nhơn công bố điểm chuẩn  (11/08/2009)
Nhanh, gọn và hạn chế lây lan trong cộng đồng  (11/08/2009)