HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI THẨM NHÂN DÂN:
Còn nhiều bất cập
8:59', 17/8/ 2009 (GMT+7)

“Xét xử có Hội thẩm nhân dân (HTND) tham gia”; “Hội thẩm nhân dân ngang quyền với thẩm phán” là những chế định, nguyên tắc đã được quy định trong Hiến pháp, các Bộ luật Tố tụng Hình sự, Dân sự…

 

1 thẩm phán và 2 HTND (3 người ngồi ở giữa) trong HĐXX một vụ án hình sự. Ảnh: Ngọc Diên

 

Là một trong những người tiến hành tố tụng được pháp luật quy định, HTND có một vị trí pháp lý khá quan trọng, số lượng chiếm 2/3 trong thành phần của hội đồng xét xử sơ thẩm; đối với những vụ án phức tạp, tính chất nghiêm trọng, số lượng HTND có thể lên đến 3 người trong tổng số 5 thành viên của hội đồng xét xử. Như vậy, trong thành phần của hội đồng xét xử sơ thẩm, số lượng HTND bao giờ cũng chiếm tỷ lệ cao hơn so với thẩm phán. Đây là một lợi thế để các HTND thể hiện “ngang quyền” và “quyết định theo đa số” trên tinh thần dân chủ. Việc cơ cấu HTND vào hội đồng xét xử nhằm tăng cường tính dân chủ, thể hiện yếu tố nhân dân trong hoạt động xét xử; tiến hành giám sát việc thực hiện các nguyên tắc trong pháp đình, bảo vệ các quyền và lợi ích của nhà nước, của công dân...  Điều đó đã cho thấy quyền năng pháp lý được nhà nước trao cho HTND là rất lớn.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận rằng, một khi trình độ, điều kiện giữa HTND và thẩm phán có một khoảng cách quá xa thì việc thực hiện nguyên tắc “ngang quyền” và “quyết định theo đa số” của HTND khi tham gia xét xử cũng chỉ mang tính chất tượng trưng, hình thức.

Cứ hình dung, một thẩm phán có trình độ ít nhất là cử nhân luật; được bồi dưỡng tại Trường Đào tạo các chức danh tư pháp, có thời gian làm công tác pháp luật từ 4 năm trở lên (đối với cấp huyện), từ 6 năm trở lên (đối với cấp tỉnh); có nhiệm vụ thụ lý hồ sơ vụ án, có quyền tiến hành các hoạt động theo tố tụng như: Ghi lời khai, tiến hành hòa giải, thu thập chứng cứ và tiếp xúc với các đương sự trong một thời gian khá dài… Đó là những điều kiện tốt nhất để thẩm phán đưa ra những quyết định đúng đắn về vụ án. Hầu như tất cả các vụ án trước khi xét xử đã được thẩm phán dự kiến kết quả và định hướng bằng bản thảo bản án.

Đối với HTND, với một người chưa được đào tạo bài bản, có chăng cũng chỉ  là những buổi tập huấn kiến thức pháp luật, kiến thức tiến hành xét xử… chỉ chừng ấy thôi thì không khác nào là “cỡi ngựa xem hoa”, thì làm sao có đủ điều kiện để đánh giá hết các chứng cứ trong hồ sơ để có quyết định đúng đắn về vụ án. Trong thực tế, hầu như rất ít hoặc không có HTND nào tiến hành nghiên cứu hồ sơ trong thời gian 3 ngày trước khi xét xử theo quy định. Mặt khác, quy định chế độ nghiên cứu hồ sơ cũng chẳng qua là sự đánh đố các HTND, nhất là đối với những vụ án có nhiều tình tiết phức tạp như án dân sự về tranh chấp đất đai, thừa kế…; án hình sự có nhiều bị cáo tham gia mà hồ sơ dày đến hàng trăm bút lục.

Thử hỏi, với một trình độ, điều kiện như hiện nay, sẽ để lại hậu quả pháp lý gì khi các HTND luôn thể hiện “ngang quyền với thẩm phán”, “quyết định theo đa số” tất cả các vụ án trong lĩnh vực hình sự, dân sự?

Một số cán bộ trong ngành tư pháp thường nói vui với nhau rằng, thì ra, thực hiện nhiệm vụ của một thẩm phán, kiểm sát viên dễ hơn làm một HTND. Bởi vì, các chức danh tư pháp nói trên thường chỉ được thụ lý một số loại án chuyên sâu trong từng lĩnh vực. Còn đã là HTND thì tham gia xét xử tất cả các loại án, từ hình sự, dân sự, đến hành chính, kinh tế, lao động và phá sản doanh nghiệp. Phải chăng, các HTND này đã có một trình độ, kiến thức rất uyên thâm trên mọi lĩnh vực?

Một vấn đề đặt ra, nếu trách nhiệm của HTND được xác định một cách rõ ràng đối với các bản án bị hủy, cải sửa thì chúng tôi e rằng không ai dám chấp nhận làm HTND trong một điều kiện với tiêu chuẩn, chế độ như hiện nay. Có một thực tế là ít ai thừa nhận nguyên tắc “HTND ngang quyền với thẩm phán” và xét xử được dựa trên kết quả biểu quyết “quyết định theo đa số”.

Để các HTND phát huy được chức trách, nhiệm vụ của mình, theo chúng tôi nên quy định về tiêu chuẩn HTND là phải có trình độ cử nhân luật hoặc đã qua công tác pháp luật từ 3-5 năm. Điều không kém phần quan trọng của một HTND là người phải có bản lĩnh, có tinh thần bảo vệ công lý; họ phải là một kênh phản biện khi thẩm phán có dấu hiệu tiêu cực, thiếu khách quan trong quá trình tố tụng.

  • Huỳnh Hoa
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ban hành Quy chế Bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh  (17/08/2009)
Trao tặng nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo   (16/08/2009)
Sẽ có thêm 2 trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh   (16/08/2009)
Khắc khoải một cây cầu   (16/08/2009)
Đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục   (16/08/2009)
Tỉ lệ tăng dân số thấp là do nhiều người đi làm ăn xa  (15/08/2009)
Để Đảng gần với thanh niên  (15/08/2009)
Xây dựng người cán bộ, công chức “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”  (15/08/2009)
Ban hành Kế hoạch rà soát thủ tục hành chính  (15/08/2009)
Sẽ đào tạo nghề theo tiêu chuẩn quốc tế  (15/08/2009)
Đại học Quang Trung công bố điểm chuẩn NV1 và điểm xét tuyển NV2  (15/08/2009)
Khai mạc Hội thi “Chúng em kể chuyện Bác Hồ” và “Tiếng hát Hoa phượng đỏ”  (15/08/2009)
Hành lang an toàn giao thông bị xâm hại nghiêm trọng  (14/08/2009)
Xét tuyển 1.250 chỉ tiêu cao đẳng và trung cấp nghề  (14/08/2009)
Hưởng ứng cuộc vận động “Một triệu áo ấm tặng người cao tuổi nghèo”  (14/08/2009)