Cách mạng Tháng Tám qua hiện vật ở Bảo tàng
7:46', 19/8/ 2009 (GMT+7)

Có một Bình Định sôi sục khí thế khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 23.8.1945 qua những hiện vật cụ thể ở Bảo tàng Tổng hợp Bình Định. Những tư liệu và hiện vật ấy biết cách “nói” để người xem hiểu vì sao và bằng cách nào, ta đã làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lịch sử.

 

Chỉ với giáo, mác, gươm, đao và lòng yêu nước, quân và dân ta đã làm nên Cách mạng tháng Tám lịch sử. Ảnh: N.S

 

* Cờ, kiếm và mác

Tại Bảo tàng Tổng hợp Bình Định, khu vực trưng bày các hiện vật, tư liệu lịch sử về Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Bình Định nằm trong phòng trưng bày về hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

Hiện vật nằm ở vị trí trung tâm của khu vực trưng bày về sự kiện lịch sử này là hai lá cờ được treo trang trọng trong tủ kính. Lá cờ thứ nhất là một lá cờ đỏ sao vàng, lá cờ mà 64 năm trước, ông Phùng Thảo sử dụng trong khởi nghĩa cướp chính quyền ở Hoài Nhơn vào ngày 29.8.1945. Lá cờ thứ hai chỉ là một mảnh vải đỏ hình chữ nhật màu đã cũ, không có sao vàng ở giữa, được ông Hồ Dự sử dụng trong khởi nghĩa cướp chính quyền ở Hoài Ân vào ngày 24.8.1945. Xung quanh hai lá cờ này là nhiều hiện vật vũ khí khác như dao, giáo, mác, chén ăn cơm, túi xách… dùng trong ngày cướp chính quyền và trong 9 năm kháng chiến chống Pháp của quân và dân Bình Định. Đáng chú ý trong số này là 2 lưỡi kiếm mà ông Hoàng Đấy và ông Trần Ngọc (đều ở Phù Mỹ) dùng để cướp chính quyền và một lưỡi mác dài chừng 2 m quân ta thu của Nhật mà ông Đinh Văn Lót ở An Quang (An Lão) cũng dùng để giành chính quyền năm 1945.

Cạnh những hiện vật chính, phần trưng bày về sự kiện lịch sử này còn được làm sáng tỏ bằng những tư liệu, hiện vật hỗ trợ. Gây chú ý nhất trong số này là bức tranh “Lễ trao ấn kiếm của chính quyền phong kiến cho Ủy ban Kháng chiến Việt Minh Nguyễn Huệ tại Quy Nhơn tháng 8.1945” do họa sĩ Phan Chy vẽ. Bên trái bức tranh là ảnh chân dung đồng chí Võ Xán - người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại Quy Nhơn vào ngày 23.8.1945. Cũng trong tủ trưng bày này còn có bản đá in litô của cơ quan tuyên truyền Bình Định trong kháng chiến chống Pháp, cùng một số tài liệu do Ty Thông tin Bình Định ấn hành, xoay quanh nội dung chính là kêu gọi nhân dân nộp phụ thu kháng chiến bằng lúa tăng gấp 2-3 lần để đủ gạo nuôi quân giết giặc trong 9 năm kháng chiến chống Pháp (1945-1954); và khẩu hiệu kêu gọi “Không mua hàng giặc là siết chặt giặc vào vòng vây”.

* Lòng yêu nước làm nên sức mạnh chiến thắng

Theo bà Nguyễn Thị Huyền Mai, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, những hiện vật trên được Bảo tàng sưu tầm trong giai đoạn những năm 1980-1990. Tuy các hiện vật về Cách mạng Tháng Tám chưa được phong phú lắm nhưng qua sự trưng bày cùng các hiện vật hỗ trợ, kết hợp với việc hướng dẫn, thuyết minh cụ thể, lôi cuốn, cũng đã làm người xem hiểu được giai đoạn lịch sử này ở Bình Định. Các tư liệu, hiện vật này đã “nói” lên rằng, dù không súng ống đạn dược, vũ khí hiện đại, chỉ có những vũ khí thô sơ, tự tạo và lòng yêu nước, ý chí căm thù giặc sâu sắc, nhưng quân và dân ta đã giành chính quyền từ thực dân Pháp về tay Việt Minh, mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử dân tộc.

Bà Mai cho biết, để sưu tầm các hiện vật tại Bảo tàng nói chung và hiện vật liên quan đến sự kiện Cách mạng Tháng Tám nói riêng, các đoàn cán bộ bảo tàng đã phải nhiều lần đi cơ sở, “ăn dầm nằm dề” ở nhà dân để tìm hiểu, sưu tầm. Với những hiện vật của cán bộ, việc sưu tầm có phần thuận lợi hơn vì chúng được nhiều người cất giữ làm kỷ niệm. Tuy nhiên, với những hiện vật ở trong nhân dân thì việc tìm kiếm quả là khó, bởi nhiều người không ý thức được giá trị lịch sử của chúng nên đã bán hoặc làm thất lạc. Ông Nguyễn Lý, nguyên Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh giai đoạn 1979-1981, nay đã gần 90 tuổi, nhớ lại: “Để sưu tầm các tư liệu, hiện vật về Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Bình Định, chúng tôi đến gặp những đồng chí tham gia sự kiện này như đồng chí Trần Tín, Trịnh Hồng Kỳ, Nguyễn Du,... nhờ họ chỉ giúp những nơi còn lưu giữ các hiện vật, nhằm giúp việc sưu tầm thuận lợi hơn”.

  • Nguyên Sương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chọn TP Quy Nhơn làm điểm rà soát thủ tục hành chính  (18/08/2009)
Chạy đua vào… bán trú  (18/08/2009)
Xúc tiến thành lập Trường Cao đẳng Nam Việt  (18/08/2009)
Hành lang an toàn giao thông bị xâm hại nghiêm trọng  (18/08/2009)
Còn nhiều bất cập  (17/08/2009)
Ban hành Quy chế Bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh  (17/08/2009)
Trao tặng nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo   (16/08/2009)
Sẽ có thêm 2 trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh   (16/08/2009)
Khắc khoải một cây cầu   (16/08/2009)
Đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục   (16/08/2009)
Tỉ lệ tăng dân số thấp là do nhiều người đi làm ăn xa  (15/08/2009)
Để Đảng gần với thanh niên  (15/08/2009)
Xây dựng người cán bộ, công chức “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”  (15/08/2009)
Ban hành Kế hoạch rà soát thủ tục hành chính  (15/08/2009)
Sẽ đào tạo nghề theo tiêu chuẩn quốc tế  (15/08/2009)