|
Năm 1911, thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Ảnh: Tư liệu |
Thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Bác (2.9.1969 – 2.9.2009), hôm nay (19.8), Tỉnh ủy, UBND tỉnh phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, các đơn vị thuộc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh và Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam tổ chức Hội thảo “Nguyễn Tất Thành ở Bình Định”.
Theo các tư liệu lịch sử hiện có thì trước khi xuống tàu đi tìm đường cứu nước tại bến cảng Nhà Rồng năm 1911, vào khoảng thời gian từ năm 1909 đến năm 1910, Nguyễn Tất Thành (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã cùng cha và anh trai từ Huế vào sinh sống tại Bình Định. Trong khoảng thời gian này, Nguyễn Tất Thành đã ở và học tiếng Pháp tại nhà của nhà giáo Phạm Ngọc Thọ (cha của bác sĩ - cố Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch), đến thăm cha tại Trường Đốc học tỉnh tại An Nhơn (lúc này cụ Nguyễn Sinh Huy đang làm quan phúc khảo Trường thi Hương Bình Định) và Huyện đường Bình Khê (khi cụ Nguyễn Sinh Huy làm Tri huyện Bình Khê), cùng cha đến thăm gia đình cụ Đào Tấn tại Phước Lộc, huyện Tuy Phước… Sau đó, Nguyễn Tất Thành đã chia tay cha và anh trai, vào Phan Thiết làm trợ giáo ở Trường Dục Thanh một thời gian, rồi vào Sài Gòn xuống tàu đi tìm đường cứu nước.
Như vậy, trong khoảng thời gian từ lúc thiếu thời đến khi xuống tàu đi tìm đường cứu nước, Bình Định là một trong 5 địa phương trong cả nước có gắn bó với thân thế, sự nghiệp của Người. Đây là niềm tự hào của nhân dân Bình Định, là sự kiện lịch sử có ý nghĩa giáo dục cao đối với thế hệ trẻ tỉnh nhà.
|
Trên chiếc tầu Pháp La-tút-sơ Tơ-rê-vin này, năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (tên lúc đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh) rời Tổ quốc đi tìm đường cứu nước. Ảnh: Tư liệu
|
Tuy nhiên, cho đến nay, sự kiện lịch sử Nguyễn Tất Thành đến và ở Bình Định còn một số ý kiến khác nhau về bối cảnh và thời điểm Nguyễn Tất Thành đến và rời khỏi Bình Định; hoạt động của Nguyễn Tất Thành trong thời gian ở Bình Định và các địa điểm tại Bình Định mà Nguyễn Tất Thành đã ở, học tập, đến thăm, và đặc biệt là ý nghĩa và những tác động của truyền thống, văn hóa, con người Bình Định và các hoạt động trong thời gian ở Bình Định đến tư tưởng và quá trình hoạt động cách mạng của Người. Vì vậy, việc tổ chức Hội thảo Khoa học chuyên đề “Nguyễn Tất Thành ở Bình Định” là cần thiết, nhằm làm sáng tỏ các vấn đề trên, góp phần cung cấp các tư liệu về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hướng tới kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Bác và 120 năm Ngày sinh của Người.
56 bài tham luận đã gửi đến Hội thảo cung cấp tư liệu, cứ liệu lịch sử nhằm làm sáng tỏ các nội dung cơ bản về bối cảnh và thời điểm Nguyễn Tất Thành đến Bình Định; hoạt động của Nguyễn Tất Thành trong thời gian ở Bình Định và các địa điểm ở Bình Định mà Nguyễn Tất Thành từng đến, ở, học tập; thời điểm Nguyễn Tất Thành rời Bình Định tiếp tục đi tìm đường cứu nước. Đặc biệt là ý nghĩa và những tác động của truyền thống, văn hóa, con người Bình Định, các hoạt động của Nguyễn Tất Thành trong thời gian ở Bình Định với tư tưởng và quá trình hoạt động cách mạng của Người.
Đây cũng chính là tiền đề để ngày 1.9 tới đây, Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức mít-tinh Kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Bác và 100 năm ngày Bác Hồ đến Bình Định.
|