Nhiều năm qua, Trường Đại học (ĐH) Quy Nhơn được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận là đơn vị điển hình về công tác phát triển Đảng trong sinh viên (SV) khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Tuy nhiên, trong quá trình xem xét, kết nạp Đảng trong SV vẫn còn những trăn trở…
|
Một buổi kết nạp Đảng của Chi bộ sinh viên khối Tự nhiên. Ảnh: N.V.T
|
* Những con số biết nói
Đảng ủy Trường ĐH Quy Nhơn có hai chi bộ SV trực thuộc là Chi bộ SV khối Tự nhiên và Chi bộ SV khối Xã hội. Những năm gần đây, công tác phát triển Đảng trong SV luôn được Đảng ủy nhà trường chú trọng.
Hằng năm, Trường ĐH Quy Nhơn có khoảng 12 ngàn SV. Số lượng SV lớn là điều kiện thuận lợi cho việc lựa chọn những SV xuất sắc để kết nạp Đảng. Năm học 2007–2008, toàn trường có 39 SV được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Năm học sau, con số này tăng lên 46. 6 tháng đầu năm 2009, có 31 SV được kết nạp vào Đảng. Như vậy, từ đầu năm 2007 đến tháng 6 năm 2009, Trường ĐH Quy Nhơn đã có 116 SV được kết nạp Đảng. Đa số SV được kết nạp vào Đảng đều có năng lực và phẩm chất đạo đức tốt, tư tưởng chính trị vững vàng.
Trong nhiều năm liền, Trường ĐH Quy Nhơn là một trong những trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận là đơn vị điển hình về công tác phát triển Đảng trong SV khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Tại Hội thảo về công tác phát triển Đảng trong đoàn viên, thanh niên do Tỉnh ủy tổ chức tháng 2.2009, Liên chi đoàn khoa Ngữ văn đã được nhận Giấy khen cho đơn vị có thành tích xuất sắc trong cuộc vận động “Đoàn viên, thanh niên trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam” (giai đoạn 2000 – 2008).
Để đạt được thành tích này, trước hết nhờ vào sự phấn đấu của chính bản thân SV. Mặt khác, là nhờ công tác giáo dục, củng cố tổ chức và nâng cao chất lượng đoàn viên của tổ chức Đoàn có nhiều chuyển biến tích cực. Các hoạt động của Đoàn ngày càng hiệu quả, thu hút nhiều SV tham gia, tạo môi trường cho đoàn viên thể hiện mình. Thêm vào đó, việc phát hiện, bồi dưỡng quần chúng được tiến hành từ các cấp bộ Đoàn (các Chi đoàn và Liên chi đoàn) đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn phát triển đảng viên.
* Còn đó những trăn trở
Đa số đảng viên là SV được kết nạp trong hai năm cuối, nên chỉ sinh hoạt ở chi bộ từ 1 đến 2 năm rồi ra trường, vai trò nòng cốt của họ trong các hoạt động Đoàn không được thể hiện nhiều. Hiện tượng này cũng dẫn đến một hệ quả là thiếu hụt lực lượng tham gia hướng dẫn SV trong quá trình chuẩn bị kết nạp. Trong nhiều năm liền, Chi bộ SV khối Xã hội luôn xuất hiện tình trạng 1 đảng viên phải hướng dẫn 2 quần chúng, nên việc hướng dẫn gần như chỉ đơn thuần chỉ dẫn các bước thủ tục, giấy tờ, còn việc theo dõi, giúp đỡ gần như bỏ ngỏ.
Dù đã được kiểm tra, đôn đốc và nhắc nhở, nhưng ở một số chi đoàn và liên chi đoàn, việc giới thiệu quần chúng tham gia các lớp đối tượng Đảng vẫn chưa được thực hiện một cách nghiêm túc. Một số liên chi đoàn chỉ thực hiện lấy lệ, ảnh hưởng không nhỏ đến ý nghĩa quan trọng, thiêng liêng của việc được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Gần đây, ở nhiều chi đoàn, việc lựa chọn các đoàn viên xuất sắc giới thiệu kết nạp Đảng đã được tiến hành bằng hình thức bỏ phiếu kín, đảm bảo chính xác, công bằng.
Việc xét kết nạp Đảng trong SV được tiến hành dựa trên hai tiêu chuẩn chính là kết quả học tập và thành tích tham gia hoạt động phong trào. Theo nguyên tắc, khi xét kết nạp Đảng, cả hai tiêu chuẩn trên đều được coi trọng như nhau. Nhưng trên thực tế, ít người đạt được cả hai yêu cầu này. Có những sinh viên là cán bộ lớp, cán bộ Đoàn, tham gia hoạt động phong trào sôi nổi, nhưng điểm học tập không đạt yêu cầu nên khó được giới thiệu.
Đối với đảng viên là SV, nhiệm vụ chính trị hàng đầu vẫn là học tập. Tuy vậy, khi đã đứng vào hàng ngũ của Đảng, không phải SV nào cũng thực hiện tốt nhiệm vụ này. Ở một phương diện khác, khi vào ĐH, các SV được kết nạp Đảng ở địa phương thường có thành tích học tập chưa tốt (năm học 2008–2009, có một đảng viên trượt kỳ thi tốt nghiệp ĐH). Từ đó, dẫn đến những khó khăn trong việc thực hiện vai trò nòng cốt của đảng viên trong các hoạt động Đoàn.
Có một thực tế đang tồn tại là không ít SV phấn đấu để được kết nạp vào Đảng với động cơ không tốt (phổ biến nhất là để dễ xin việc khi ra trường). “Để xác định được động cơ phấn đấu của đoàn viên, đòi hỏi phải có sự quan tâm sâu sát của tổ chức Đoàn cơ sở” - chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Bí thư Chi bộ SV khối Tự nhiên, cho biết.
|