GHI NHẬN QUA HỘI THI CHỦ TỊCH PHỤ NỮ CƠ SỞ GIỎI LẦN THỨ I:
Ôn lại kiến thức, sẻ chia kinh nghiệm
9:44', 23/8/ 2009 (GMT+7)

Với mục đích giúp các chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở nâng cao kiến thức, phương pháp, kỹ năng vận động quần chúng và xử lý các tình huống thường gặp trong công tác Hội, vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã tổ chức Hội thi Chủ tịch Phụ nữ cơ sở giỏi lần thứ I. Hội thi cũng là dịp để cán bộ Hội trao đổi, học tập kinh nghiệm, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.

* Kiến thức rộng...…

Tham gia Hội thi có 34 thí sinh là các chủ tịch Hội LHPN các xã, phường, thị trấn đến từ 11 huyện, thành phố trong tỉnh. Đây là những chị đã đoạt giải cao trong các hội thi chủ tịch phụ nữ cơ sở giỏi cấp huyện, thành phố được tổ chức trước đó. Nhờ đã qua một lần tập dượt, “thử lửa” ở cấp huyện, nên khi thi cấp tỉnh, nhiều chị rất tự tin và thoải mái. Các thí sinh đã trải qua ba phần thi là: kiến thức, năng khiếu và kỹ năng.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng tặng hoa cho các thí sinh tham gia hội thi. Ảnh: N.S

 

Ở phần thi kiến thức, các thí sinh làm bài thi tập trung với 50 câu hỏi trắc nghiệm và 10 câu hỏi mở. Có thể nói nội dung thi kiến thức rất rộng, đòi hỏi chị em phải nắm chắc nhiều lĩnh vực, vấn đề như: Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Pháp lệnh Phòng chống mại dâm, Pháp lệnh Dân số, Nghị quyết Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ X, Điều lệ Hội LHPN Việt Nam, các nghị quyết liên tịch giữa Hội LHPN và các ngành khác...

Cũng thế, phần thi kỹ năng, mà cụ thể là xử lý tình huống, lại bao hàm muôn mặt đời sống. Những tình huống như tuyên truyền, vận động hội viên để ngăn chặn nạn phá rừng, không sinh con thứ ba, giữ vệ sinh môi trường, tuân thủ luật giao thông đường bộ; hoặc làm gì để góp phần nâng tỉ lệ cán bộ lãnh đạo nữ tại địa phương… dù rất đời thường, nhưng nếu không hiểu biết thấu đáo, có tình có lý, thì thí sinh cũng… không dễ lấy điểm của ban giám khảo.  

Như chị Nguyễn Thị Hoàng Nguyệt (Chủ tịch Hội LHPN phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn) bốc trúng câu hỏi tình huống là làm thế nào để giúp chị A. - một hội viên - không phải sinh con thứ ba trước áp lực của chồng, vì gia đình chị đã có 2 con gái và kinh tế khá giả. Chị Nguyệt xử lý như sau: “Tôi nói với chị A. việc chị ấy không đồng ý sinh con thứ ba là đúng và Hội sẽ ủng hộ chị. Tiếp theo, tôi khuyên chị nên tìm một người họ hàng bên chồng có uy tín và cũng cùng quan điểm không nên sinh con thứ ba đến phân tích, giải thích và thuyết phục chồng chị A. Sau đó, Hội sẽ đến gặp chồng chị A. để giải thích rằng, việc sinh con thứ 3 là vi phạm Pháp lệnh Dân số, gây ảnh hưởng đến các vấn đề xã hội khác, sinh ít con sẽ có điều kiện lo cho con tốt hơn, mà chưa chắc sinh thêm thì sẽ là con trai. Hội cũng sẽ mời anh tham gia các diễn đàn không sinh con thứ ba do Hội tổ chức…”. Phần trả lời của chị Nguyệt được nhiều khán giả vỗ tay vì thấu tình đạt lý.

Ngoài phần thi chính, bên lề Hội thi cũng có nhiều chuyện đáng nói. Chị Đinh Thị Nghếu (Chủ tịch Hội LHPN xã An Quang, huyện An Lão) lúc thi năng khiếu múa rất dẻo, nhưng khi thi kỹ năng thì run và hồi hộp nên trình bày không được nhiều. Trở về chỗ ngồi, chị vừa cười vừa đặt tay lên ngực: “Run quá! Mình run quá!”.

Chị Đồng Thị Kim Trang (Chủ tịch Hội LHPN xã Cát Hải, huyện Phù Cát) đi thi nhưng phải mang cậu con trai mới 12 tháng tuổi vì ở nhà không ai trông và bé chưa dứt sữa mẹ. Không những thế, chị còn phải nhờ ông xã đi theo, để anh giữ con trong lúc chị thi.

*…... nhưng vừa sức

Theo đa số thí sinh dự thi, các yêu cầu của Hội thi là vừa sức vì thí sinh được chuẩn bị kỹ theo hướng dẫn cụ thể của Hội LHPN tỉnh; mặt khác, các tình huống đưa ra trong phần thi kỹ năng rất gần với thực tế công việc và cuộc sống. Chị Nguyễn Thị Thứ (Chủ tịch Hội LHPN xã Cát Thắng, huyện Phù Cát) cho biết, ở địa phương của chị, có khi còn gặp những tình huống khó khăn, phức tạp hơn đề thi ra, như chuyện bạo hành gia đình.

Một khán giả là hội viên phụ nữ phường Trần Phú (TP Quy Nhơn) cũng chia sẻ rằng, chị đã trải qua công tác vận động quần chúng nên chị biết rõ, công việc này không hề dễ dàng. Không phải cán bộ cứ nói hay là được, vì cũng có những hội viên ý thức kém, không chấp hành các chủ trương, không hưởng ứng các cuộc vận động thi đua… Điều đó cho thấy công tác dân vận ở cơ sở là không đơn giản mà nếu các hội, đoàn thể không có sự phối hợp với nhau thì khó mà hoàn thành nhiệm vụ. 

Theo đánh giá của Ban Tổ chức Hội thi, có gần 40% bài dự thi kiến thức đạt điểm tuyệt đối. Nhiều phần thi kỹ năng thể hiện sự tinh tế, có chiều sâu, phản ánh sinh động thực tiễn việc cán bộ Hội sâu sát hội viên. Các thí sinh cũng đã nắm được các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, cập nhật thông tin nhiều mặt.

Chị Nguyễn Thanh Thụy, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Hội thi, khẳng định: “Hội thi không phải để đánh đố, cũng không tạo áp lực mà là dịp để các chủ tịch hội phụ nữ cơ sở ôn lại những kiến thức, kỹ năng đã có sẵn của mình, mặt khác giúp các chị chia sẻ kinh nghiệm với nhau, học hỏi lẫn nhau trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên”.

  • Nguyên Sương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhìn từ thực tiễn  (22/08/2009)
Đã phát hành được hơn 4,6 triệu bản sách  (22/08/2009)
Học sinh tạm nghỉ học đến hết ngày 31.8  (22/08/2009)
Nâng cao nhận thức phòng, tránh và ứng cứu tai nạn do va chạm tàu thuyền trên biển  (21/08/2009)
Bình Định: Cúm A/H1N1 xuất hiện trong trường học với 8 ca nhiễm  (21/08/2009)
Đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri tại Đoàn PK N73  (21/08/2009)
Hội thảo Ứng phó với biến đổi khí hậu lần 2  (21/08/2009)
3 ngư dân Bình Định được Inđônêsia thả về  (21/08/2009)
Đoàn công tác Văn phòng Trung ương Đảng làm việc tại tỉnh ta  (21/08/2009)
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thiện tiếp Tổng lãnh sự nước CHDCND Lào tại Đà Nẵng  (21/08/2009)
Cần tăng cường cải thiện điều kiện lao động  (20/08/2009)
Trao học bổng cho học sinh nghèo  (20/08/2009)
Chị Lê Thị Ngọc đoạt giải Nhất  (20/08/2009)
Thêm 2 trường hợp nhiễm cúm A/H1N1  (20/08/2009)
Hội thảo khoa học “Nguyễn Tất Thành ở Bình Định”  (20/08/2009)