Ngày 19.8, tại TP Quy Nhơn, đã diễn ra Hội thảo khoa học chuyên đề: “Nguyễn Tất Thành ở Bình Định”. Hội thảo đã quy tụ 57 bản báo cáo xung quanh vấn đề này của các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu… Với sự phân tích khoa học, các tham luận, các ý kiến phát biểu và tổng hợp các báo cáo đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề và thống nhất những vấn đề căn bản về sự kiện Nguyễn Tất Thành đến Bình Định.
|
Nhà văn Đoàn Minh Tuấn (TP Hồ Chí Minh) phát biểu tại Hội thảo.
|
Mục đích của Hội thảo, như phát biểu khai mạc của đồng chí Pham Văn Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo, là: “Qua Hội thảo nhằm khẳng định những tư liệu, cứ liệu lịch sử, về bối cảnh và thời điểm Nguyễn Tất Thành đến và rời Bình Định; những hoạt động của Nguyễn Tất Thành trong thời gian ở Bình Định và đặc biệt là ý nghĩa và những tác động của truyền thống lịch sử, văn hóa, con người Bình Định đối với tư tưởng và quá trình hoạt động cách mạng của Người. Kết quả của Hội thảo sẽ góp phần bổ sung nguồn tư liệu về thân thế, sự nghiệp và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là cơ sở để hình thành các dự án xây dựng các di tích, nhà lưu niệm về Người trên quê hương Bình Định”.
Là hội thảo khoa học chuyên đề đầu tiên ở nước ta về Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh ở Bình Định, việc quy tụ được 57 báo cáo khoa học, trong đó, có nhiều báo cáo thiết thực như: “Hồ Chí Minh tại Bình Định: Mối quan hệ hoàn hảo giữa Bình Định và nhân kiệt” của GS Vũ Khiêu, “Bối cảnh lịch sử của thời gian Hồ Chí Minh dừng chân ở Bình Định” của GS.TS Mạc Đường, “Ảnh hưởng của truyền thống lịch sử – văn hóa Bình Định tới sự hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh” của TS Trần Minh Trưởng, “Quê hương và con người Bình Định trong tư tưởng Hồ Chí Minh” của PGS.TS Nguyễn Khánh Bật, “Về sự kiện Nguyễn Tất Thành ở Bình Định” của TS Chu Đức Tính, “Nhìn từ góc độ tiểu sử và lịch sử tư tưởng: Nguyễn Tất Thành đến Bình Định khi nào?” của PGS.TS Phạm Hồng Chương, “Về việc ghi dấu địa điểm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bình Định” của ThS Nguyễn Đình Dĩnh… cho thấy sự quan tâm rất lớn của giới khoa học trong nước và trong tỉnh dành cho một giai đoạn hết sức quan trọng - giai đoạn tìm đường cứu nước - trong cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Dù có một vài ý kiến khác cần được tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ, song nhìn chung, các báo cáo, tham luận và ý kiến đã thống nhất 3 vấn đề căn bản: về sự kiện và thời gian Nguyễn Tất Thành đến Bình Định, về thời gian Nguyễn Tất Thành rời Bình Định và mối quan hệ Nguyễn Tất Thành với Bình Định – Bình Định với Nguyễn Tất Thành.
Ở vấn đề thứ nhất, bằng các tư liệu lịch sử, các nhà khoa học đã xác định: trên lộ trình tìm đường cứu nước, sự kiện Nguyễn Tất Thành đến Bình Định là một tất yếu của lịch sử dân tộc trước sự bế tắc của phong trào yêu nước ở Việt Nam vào những năm đầu của thế kỷ XX. Nguyễn Tất Thành đến Bình Định không chỉ là yêu cầu khách quan mà còn là kết quả chủ quan của một quá trình chuẩn bị về tư tưởng và hoạt động của chính Nguyễn Tất Thành với sự dẫn dắt của người cha là ông Nguyễn Sinh Sắc. Về điều này, PGS.TS Phạm Hồng Chương, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ, đúc kết: “Sự kiện Nguyễn Tất Thành đến Bình Định là kết quả của mối quan hệ biện chứng giữa yêu cầu khách quan của dân tộc và tư duy chủ quan của Nguyễn Tất Thành. Xét về phương diện lịch sử tư tưởng thì đó là kết quả của quá trình phát triển logic trong nhận thức của Người…”. Trên cơ sở tư liệu, kết hợp với sự phân tích khoa học ở những góc độ khác nhau về các mối quan hệ riêng - chung của gia đình ông Nguyễn Sinh Sắc với dân tộc và chế độ đương thời, cũng như những điều kiện giao thông khó khăn lúc đó, các nhà khoa học đã khẳng định: Nguyễn Tất Thành đến Bình Định cùng với cha vào khoảng trung tuần tháng 5.1909.
Về khoảng thời gian Nguyễn Tất Thành rời Bình Định, các nhà khoa học cho rằng: mặc dù đã vạch lộ trình đi tìm đường cứu nước nhưng vì đạo đức truyền thống và khi chưa phải chịu những thúc đẩy cấp bách nào, Nguyễn Tất Thành không thể quay lưng ra đi trước khi biết rõ thái độ cuối cùng của nhà nước thực dân - phong kiến với cha mình (tháng 8.1910) và do vậy, với các kiến giải khoa học trên nhiều khía cạnh khác nhau, các nhà khoa học đã xác định: Nguyễn Tất Thành cùng thầy giáo Thọ rời Bình Định đi vào Bình Thuận vào khoảng tháng 8.1910.
|
Ông Bửu Dục, người anh họ của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (trái) tặng ảnh tư liệu về ngôi nhà của ông Phạm Ngọc Thọ (nơi Bác Hồ từng đặt chân) ở Bình Định cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Định.
|
Vấn đề lý thú được nhiều ý kiến quan tâm tại Hội thảo là mối quan hệ Nguyễn Tất Thành với Bình Định và Bình Định với Nguyễn Tất Thành. Từ việc xác định khoảng thời gian hơn 1 năm ở Bình Định, các nhà khoa học đã bước đầu nghiên cứu về hoạt động của Nguyễn Tất Thành ở vùng đất “địa linh nhân kiệt” và rất phong phú về văn hóa này. Dù mới chỉ là những nét khai phá, song với các tư liệu có được và sự phân tích khoa học, các nhà khoa học đã chỉ ra những vấn đề căn bản với những hoạt động chuẩn bị về học vấn và sự hấp thụ văn hóa của Nguyễn Tất Thành trên quê hương người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, cũng như những tác động của vùng “đất võ trời văn” này đến Nguyễn Tất Thành trong sự phát triển nhận thức, là một trong những nguồn cội cung cấp các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và đặc trưng của dân tộc, góp phần hình thành nên tư tưởng Hồ Chí Minh, như sau này Đảng ta đã xác định. Điều này khẳng định những đóng góp của quê hương Bình Định đến việc hình thành ý chí quyết tâm và tư tưởng cứu nước cứu dân của Nguyễn Tất Thành trên lộ trình tìm đường cứu nước. Từ đây, các nhà khoa học đã đi sâu nghiên cứu các mối quan hệ của Nguyễn Tất Thành với con người, với tự nhiên và với văn hóa Bình Định. Những kết quả bước đầu này đã mở ra triển vọng để hoàn chỉnh bức tranh về Nguyễn Tất Thành ở Bình Định.
Các nhà khoa học cũng đã nhất trí đưa ra đề nghị các cơ quan có trách nhiệm ở địa phương và Trung ương cần sớm có kế hoạch phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thểå trong thời gian Nguyễn Tất Thành ở Bình Định. Như kiến nghị quy hoạch tổng thể di tích Huyện đường Bình Khê, tôn tạo di tích gốc, cảnh quan Huyện đường phù hợp với cảnh quan đầu thế kỷ XX; xây dựng các tuyến tham quan di tích… (ThS. Nguyễn Đình Dĩnh); đề nghị tỉnh Bình Định lấy ngày 19.5 hàng năm làm ngày kỷ niệm Bác Hồ đến Bình Định (PGS.TS Phạm Hồng Chương)… Tuy nhiên, song song với việc thực hiện kế hoạch này, cần tiếp tục mở rộng và đi sâu nghiên cứu một cách toàn diện những vấn đề khoa học về thời gian Nguyễn Tất Thành ở Bình Định đúng với tầm vóc của sự kiện trên cả 2 khía cạnh: Nguyễn Tất Thành với Bình Định và Bình Định với Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh trong tiến trình cách mạng nước ta. Các công trình xây dựng cần vừa có ý nghĩa văn hóa lâu dài đối với dân tộc, vừa biểu thị được tình cảm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Bình Định và nhân dân Bình Định với Bác Hồ.
Kết quả của Hội thảo đã mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới rất triểân vọng để hoàn thiện hơn nữa bức tranh Nguyễn Tất Thành ở Bình Định; đóng góp chung vào việc nghiên cứu cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh.
|