DỊCH CÚM A/H1N1 TIẾP TỤC LÂY LAN NHANH:
Lên phương án lập Bệnh viện dã chiến
8:0', 27/8/ 2009 (GMT+7)

Chỉ trong một thời gian ngắn sau khi dịch cúm A/H1N1 xuất hiện 15 ca tại Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP Quy Nhơn), tỉnh ta tiếp tục phát hiện thêm 22 ca tại Trường Tiểu học Lê Lợi và 2 ca ở Trường THCS Tây Sơn. Ngành Y tế đang lên phương án thành lập Bệnh viện (BV) dã chiến cấp I để đối phó với tình hình dịch.

 

Hiện nay, dịch cúm A/H1N1 đã lây lan nhanh trong cộng đồng, ngành y tế lên phương án thành lập Bệnh viện dã chiến. Ảnh: Thu Hiền

 

* BV tuyến dưới chia sẻ

Từ đầu vụ dịch đến nay, Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh đã điều trị cách ly 47 bệnh nhân cúm A/H1N1. Ngoài số bệnh nhân đã nhiễm, Khoa còn tiếp nhận hàng chục bệnh nhân nghi nhiễm cúm A/H1N1, dẫn đến quá tải. Sở Y tế đã chỉ đạo BVĐK khu vực Bồng Sơn, Phú Phong và Trung tâm Y tế huyện, thành phố sẵn sàng tiếp nhận, điều trị các bệnh nhân nghi ngờ và mắc cúm A/H1N1 ở mức độ nhẹ.

Ngay sau khi có văn bản này, chiều 24.8, BVĐK TP Quy Nhơn là cơ sở y tế tuyến huyện đầu tiên trong tỉnh tiếp nhận và điều trị cách ly 6 trường hợp nghi nhiễm cúm A/H1N1 của Trường THCS Trần Hưng Đạo và Trường Tiểu học Lê Lợi. Bác sĩ Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc BV, cho biết: “Hiện khu cách ly có 12 giường bệnh dành riêng cho các bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm cúm A/H1N1. BV đã triển khai khu tiếp đón và phòng khám riêng cho bệnh nhân; đội ngũ trực tiếp điều trị gồm 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng và 1 hộ lý”. 

Trong khi đó, các BV khác cũng đã trong tư thế sẵn sàng. BVĐK khu vực Phú Phong đã lên phương án “giãn” bệnh nhân ở Khoa Truyền nhiễm về điều trị ở Khoa Nội, Nhi, để dành 28 giường bệnh ở đây cho bệnh nhân cúm A/H1N1. Theo bác sĩ Trương Quang Đạt, Giám đốc BV, trong trường hợp có ca nghi nhiễm cúm A/H1N1 thì sẽ có một phòng khám riêng cho bệnh nhân đặt ngay trong Khoa Truyền nhiễm, nhằm đảm bảo việc điều trị cách ly.

Sáng 25.8, Sở Y tế cũng đã tập huấn “nhắc lại” về điều trị, cách ly bệnh nhân cho lãnh đạo và nhân viên y tế các BV tuyến huyện. Ông Lê Quang Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế, khẳng định: “Đến thời điểm này các BV của tỉnh hoàn toàn đủ khả năng để thu dung, điều trị bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1. Bởi ngoài việc đã được tập huấn về chuyên môn, các BV cũng được đầu tư máy thở, monitoring… Hiện nay, chúng ta chưa thể có một khu cách ly điều trị bệnh chỉn chu như các nước hiện đại (có khu đệm dành cho bệnh nhân nghi ngờ), nên điều quan trọng để tránh làm bệnh lây lan là ý thức tuân thủ các hướng dẫn điều trị và cách ly của người bệnh”.

Theo chủ trương của Sở Y tế, các BVĐK khu vực và BV tuyến huyện chủ động tiếp nhận, điều trị những ca bệnh nhẹ, còn những trường hợp có nguy cơ cao, như: trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ có thai, bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính, hoặc đe dọa có biến chứng thì phải chuyển về BVĐK tỉnh.

* Thành lập BV dã chiến cấp I

Hiện đại dịch cúm A/H1N1 đã lây lan nhanh tại cộng đồng và khó xác định nguồn lây. Dự báo của Tổ chức Y tế Thế giới, sẽ có 20-30% dân số bị nhiễm cúm A/H1N1. Với tình hình này, chắc chắn số người mắc bệnh tại tỉnh ta sẽ còn tiếp tục gia tăng, đặc biệt ở các xí nghiệp, trường học, nơi tập trung đông người. Do đó, việc thành lập BV dã chiến cấp I được xem là phương án ưu tiên. Ngày 24.8, trong cuộc họp do Sở Y tế tổ chức, UBND tỉnh đã chỉ đạo về vấn đề này.

Thạc sĩ Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, cho biết: vi-rút cúm A/H1N1 có thể tồn tại trong vài giờ đến vài ngày trong điều kiện môi trường các bề mặt ẩm, nhiệt độ dưới 280C. Do đó, khi vệ sinh nhà cửa thông thoáng, trường học, công sở, nơi làm việc được tẩy trùng sạch sẽ thì vi-rút này sẽ bị tiêu diệt.

Theo đó, “BV dã chiến” cấp I sẽ được thiết lập khi có ít nhất 20 người mắc cúm, nghi ngờ mắc cúm hoặc tiếp xúc gần với trường hợp xác định mắc cúm trong cơ sở tập trung người như trường học, nhà máy, xí nghiệp, công sở và những cơ sở tập trung đông người.

Ông Lê Quang Hùng, cho biết: “BV dã chiến cấp I được hiểu là một cơ sở y tế tạm thời, do ngành y tế phối hợp với cơ sở có xảy ra cúm triển khai, nhằm chăm sóc y tế ban đầu cho bệnh nhân và tránh lây lan trong cộng đồng. BV dã chiến không nặng về y tế mà nặng về khâu tổ chức nên rất cần sự chủ động hợp tác của cơ sở. Hiện Sở Y tế đang chờ UBND tỉnh thông qua kế hoạch BV dã chiến cấp I để tiến hành hội nghị triển khai và tập huấn cho toàn tỉnh”.

Tất nhiên, bên cạnh phương án này, ngành Y tế vẫn tiếp tục chú trọng công tác giám sát, phát hiện, điều trị sớm ca bệnh; đồng thời, tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sở Y tế cũng đã trình UBND tỉnh kinh phí mua 4 máy đo thân nhiệt từ xa.

  • Thu Hiền

Nhiều đối tượng có nguy cơ cao với cúm A/H1N1

Trong số 47 bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Oanh, Phó trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, BVĐK tỉnh, cho biết: hầu hết bệnh nhân vào viện đều ở mức độ nhẹ, sốt vừa, ho, hắt hơi, chảy mũi nước, đau đầu, mỏi mệt. Sau 1-2 ngày điều trị, các triệu chứng trên giảm nhanh, trẻ em hồi phục nhanh hơn người lớn. Chỉ có 1 trường hợp có biểu hiện viêm phế quản vì bệnh nhân này có tiền sử viêm phế quản mạn tính.

Phân biệt cúm A/H1N1 với cúm thường rất khó và chỉ dựa trên 2 yếu tố: cúm A/H1N1 lây rất mạnh, có yếu tố dịch tễ (đi từ vùng có dịch về, tiếp xúc gần với người nhiễm cúm A/H1N1).

* Những bệnh nhân nào có nguy cơ cao với bệnh?

- Những người bị béo phì, phụ nữ có thai, mắc bệnh mạn tính như: bệnh phổi mạn tính, đái tháo đường, tăng huyết áp, người già, trẻ em dưới 5 tuổi; ngoài ra những bệnh nhân sốt cao kéo dài 3 ngày, kèm tức ngực, khó thở, tụt huyết áp, ho khạc đàm đặc, trẻ em lờ đờ không chịu chơi… cần phải nhập viện điều trị.

* Ngày 24.8, TP Hồ Chí Minh đã có một phụ nữ mang thai năm tháng bị nhiễm cúm A/H1N1. Những yếu tố nguy cơ khi phụ nữ mang thai bị nhiễm cúm A/H1N1 và điều trị bằng thuốc Tamiflu?

- Phụ nữ mang thai khi nhiễm cúm A/H1N1 thì bệnh nặng hơn. Ở các nước khác tỉ lệ tử vong ở phụ nữ mang thai nhiễm cúm A/H1N1 khá cao. Khi phụ nữ mang thai có dấu hiệu nghi ngờ mắc cúm phải uống Tamiflu trong vòng 48 giờ đầu mà không cần chờ kết quả xét nghiệm. Hiện chưa thấy công bố nào về ảnh hưởng của thuốc Tamiflu đối với thai nhi, nhưng vì tính mạng của người bệnh, việc điều trị là vô cùng cần thiết.

* Với bệnh nhân có biểu hiện cúm A/H1N1 thì khả năng lây nhiễm là khi nào? 

- Với những bệnh nhân này thì khả năng lây nhiễm đã có từ ngày hôm trước. Do đó, khi bệnh nhân nghi nhiễm vào viện được điều trị ngay Tamiflu, đeo khẩu trang thì sẽ hạn chế rất nhiều sự lây chéo.

* Người dân muốn biết địa chỉ cụ thể khám phát hiện bệnh cúm A/H1N1...

- Hiện nay, các BV trong tỉnh đều có khả năng tiếp nhận và điều trị bệnh nhân. Riêng ở BVĐK tỉnh, người dân sẽ được hướng dẫn khám tại phòng khám truyền nhiễm (P1) ở khoa Khám bệnh.

* Cảm ơn bác sĩ!

  • T.Hiền (Thực hiện)

Khẩu trang phòng cúm

Trong mấy ngày qua, người dân ở địa bàn TP Quy Nhơn đã “đổ xô” mua khẩu trang phòng cúm A/H1N1. Chị Đặng Thị Thúy Hạnh, trú tại phường Nguyễn Văn Cừ, cho biết: “Nghe đài báo nói nhiều về cúm, tôi cũng mua khẩu trang về đeo thường xuyên, nhưng chỉ mua loại khẩu trang thông thường bằng vải, dùng một, hai ngày rồi giặt sạch”.

Hiện nay, cán bộ, nhân viên tại một số công sở, trường học đã chủ động mang khẩu trang trong khi làm việc. Đơn cử tại Trường Đại học Quang Trung, nhiều giáo viên lo ngại bệnh cúm lây lan, nên luôn mang khẩu trang trong trường học; thậm chí, một số người còn thay khẩu trang chỉ trong… 1 tiếng đồng hồ.

Khảo sát tại các hiệu thuốc cho thấy chủng loại và giá bán khẩu trang khá… đa dạng. Tại hiệu thuốc Khánh Duy, trên đường Nguyễn Thái Học, có bán khẩu trang làm bằng giấy giá 2 ngàn đồng/cái, khẩu trang than hoạt tính có giá 60 ngàn đồng/cái. Tại hiệu thuốc Ý Nhi, cũng trên đường Nguyễn Thái Học, giá khẩu trang giấy 3 ngàn đồng/cái, còn loại khẩu trang đắt hơn thì không có vì người dân không mua nhiều. Cửa hàng Trang thiết bị Dụng cụ y khoa - Hóa chất xét nghiệm, ở số 450 Bạch Đằng, có bán ba loại khẩu trang, giá cả cũng “mềm” hơn. Cụ thể: khẩu trang than hoạt tính có màng lọc không khí, sử dụng trong vòng 6 tháng giá 40 ngàn đồng/cái; một loại khẩu trang than hoạt tính khác có giá 120 ngàn đồng/cái, mẫu mã đẹp hơn nhưng thời gian sử dụng chỉ có 3 tháng và loại khẩu trang giấy giá 2 ngàn đồng/cái. Trong khi đó, tại hiệu thuốc số 06 đường Chương Dương cũng bán 2 loại khẩu trang bằng vải và giấy đều có giá 4 ngàn đồng/cái.

Ông Lê Quang Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế, lưu ý, với khẩu trang chống dịch, người dân nên đến mua ở các nhà thuốc để đảm bảo chất lượng. Hiện trên thị trường có nhiều loại khẩu trang.  Người dân không nên mua khẩu trang đặc chủng N.95 dành cho nhân viên y tế tiếp xúc trực tiếp, điều trị bệnh nhân. Ngoài ra, một số loại khẩu trang y tế có tiệt trùng, than hoạt tính, khẩu trang thông thường đều dùng được, nhưng phải dùng đúng cách, tốt nhất là nên đeo khẩu trang vải thông thường, thường xuyên giặt sạch, phơi nắng. Người dân không nhất thiết phải dùng khẩu trang y tế (trừ khi vào vùng dịch, tiếp xúc với bệnh nhân) vì loại này chỉ dùng trong một ngày, hoặc phải bỏ ngay sau khi vào vùng dịch.

Ông Hùng cũng khẳng định: Bộ Y tế không cho phép nhà thuốc bán thuốc Tamiflu cho người dân vì thuốc điều trị được miễn phí và Bộ cũng không khuyến khích điều trị dự phòng. Người dân nếu phát hiện có nhà thuốc nào bán Tamiflu thì phải báo ngay cho Thanh tra Sở Y tế để kiểm tra, xử lý.

  • Bảo Nguyên

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tặng quà cho người nghèo huyện Vân Canh  (26/08/2009)
Hỗ trợ thêm gần 1,5 tỉ đồng đào tạo nghề miễn phí cho công nhân  (26/08/2009)
Gần 30 ngàn sinh viên, học sinh được vay vốn học tập  (26/08/2009)
Hoàn tất việc thống kê và công bố thủ tục hành chính  (26/08/2009)
Mở trường dạy chữa bệnh bằng trường sinh học  (26/08/2009)
Được hưởng ứng tích cực và đồng bộ…  (26/08/2009)
Muốn chấm dứt “đọc- chép” phải dạy học sinh cách tự học  (25/08/2009)
Chống “cúm” ở các trường mầm non  (25/08/2009)
Dịch cúm A/H1N1 đã lây lan nhanh  (24/08/2009)
Thống nhất ba vấn đề căn bản về sự kiện Nguyễn Tất Thành ở Bình Định  (24/08/2009)
Cứu sống 30 người trong cơn hiểm nghèo   (23/08/2009)
Báo Thanh Niên trao tiền giúp người nghèo   (23/08/2009)
Ôn lại kiến thức, sẻ chia kinh nghiệm   (23/08/2009)
Nhìn từ thực tiễn  (22/08/2009)
Đã phát hành được hơn 4,6 triệu bản sách  (22/08/2009)