Từ đầu năm đến nay, công tác đào tạo nghề gặp nhiều khó khăn do số lượng người đăng ký học nghề giảm. Trước tình hình đó, các trung tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã chủ động mở cơ sở đào tạo lưu động tại các địa phương để thu hút lao động học nghề.
|
Một lớp dạy nghề may lưu động tại xã Phước Sơn (Tuy Phước) do Trung tâm Dạy nghề – Giới thiệu việc làm Thanh niên tổ chức. Ảnh: N.Phúc
|
Trung tâm Giới thiệu việc làm Bình Định mở cơ sở dạy nghề lưu động tại huyện Vĩnh Thạnh và Vân Canh, đã thu hút được một lượng lớn lao động nông thôn, nhất là lao động người dân tộc thiểu số đến học các nghề may công nghiệp, thú y, điện. Theo ông Đỗ Thành Sơn, Giám đốc Trung tâm, nếu cứ ngồi đợi lao động đến trung tâm đăng ký học nghề thì chắc chắn con số này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngay từ đầu năm, Trung tâm đã cử cán bộ đến các địa phương vùng sâu, vùng xa, cũng như tổ chức các phiên giao dịch việc làm để thông tin, tư vấn việc học nghề cho người lao động. Nhờ đó mà đầu năm đến nay, Trung tâm đã đào tạo được hơn 400 lao động có tay nghề, tìm việc làm ổn định.
Trung tâm cũng đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền để thu hút số thanh niên thi trượt cao đẳng, đại học năm 2009 vào học nghề. Trước đó, ngày 22.8, Trung tâm đã đến Sư đoàn 2, đóng quân tại An Khê (Gia Lai) tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm cũng các ngành nghề đào tạo, cho khoảng 200 quân nhân chuẩn bị xuất ngũ cuối tháng 8 này, để họ tìm việc, chọn nghề học phù hợp.
Từ đầu năm đến nay, các cơ sở đào tạo nghề đã tuyển sinh đào tạo 12.446 người; trong đó, đào tạo tại cơ sở dạy nghề có hỗ trợ kinh phí 2.579 người, hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nghề cho 2.070 người, tập huấn nghề cho 4.600 người, đào tạo từ các cơ sở nghề khác cho 3.197 người. |
Còn Trung tâm Dạy nghề - Giới thiệu việc làm Thanh niên cũng đang liên kết với một số trường nghề, trường đại học mở thêm một số ngành học để đón số thí sinh thi trượt đại học, cao đẳng vào học nghề. Ông Trần Hữu Hiệu, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm, cho biết: “Nhờ đưa nghề về đào tạo tại địa phương nên số lượng người tìm đến học nghề tăng hơn so với tổ chức dạy tại Trung tâm. Hiện nay, Trung tâm đã mở cơ sở dạy nghề lưu động tại xã Phước Sơn (Tuy Phước), xã Tây Giang (Tây Sơn) dạy nghề may; tại xã Nhơn Hậu (An Nhơn) dạy nghề mộc mỹ nghệ và hiện đang tiến hành mở các lớp nghề điện tại Phù Mỹ…
Theo bà Phạm Thị Thu Hồng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, trước những khó khăn của công tác đào tạo nghề, tỉnh đã quan tâm đầu tư ngân sách cho đào tạo nghề trong năm 2009. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề được đầu tư; công tác dạy nghề đã chú trọng đào tạo nghề ở trình độ cao như nâng tỉ lệ đào tạo nghề ở trình độ trung cấp và cao đẳng; chú trọng đào tạo đội ngũ lao động ở các ngành có hàm lượng công nghệ cao như cơ khí, công nghiệp đóng tàu thủy, hàn, tự động hóa…
|