ĐƯA LAO ĐỘNG SANG LÀO:
Còn nhiều trở ngại
9:7', 27/8/ 2009 (GMT+7)

Việc hợp tác đầu tư sang Lào của các doanh nghiệp ở Bình Định đang phát triển mạnh mẽ, dự kiến nhu cầu sử dụng lao động (LĐ) cho các dự án này trong thời gian tới rất lớn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chính sách, chế độ chưa thật sự khuyến khích LĐ tìm đến thị trường Lào.

 

Công nhân Công ty BIDIPHAR đang hướng dẫn lao động Lào cách chăm sóc cây cao su giống. Ảnh: BIDIPHAR

 

* Nhu cầu LĐ lớn

Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện có 150 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế ở Việt Nam đầu tư và trúng thầu các dự án lớn tại Lào. Nhiều dự án đang triển khai thực hiện đã kéo số LĐ và cán bộ kỹ thuật làm việc thường xuyên lên trên 20 ngàn người.

Với các doanh nghiệp ở Bình Định, Tổng Công ty Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (BIDIPHAR) đã liên doanh với Lào thành lập Công ty Cao su Hữu nghị Lào - Việt, với tổng vốn đầu tư 10 triệu USD (BIDIPHAR góp 80% vốn, Lào góp 20% vốn) trồng cao su và cà phê tại tỉnh Champasak và tỉnh Sekong. Hiện nay đã trồng được 3.000 ha cao su và 200 ha cà phê, giải quyết được 160 LĐ Việt Nam và 500 LĐ là người dân địa phương, có thời điểm lên đến 1 ngàn LĐ.

Tổng Công ty Sản xuất – Đầu tư và Dịch vụ Xuất nhập khẩu Bình Định (PISICO) liên doanh với Công ty cổ phần Đường Bình Định thành lập Công ty cổ phần Kinh doanh Công Nông nghiệp Bình Định (BIDINA), đầu tư hơn 12,5 triệu USD để trồng 10 ngàn ha cây cao su, cây nguyên liệu gỗ và một số loại cây công nghiệp tại tỉnh Sekong. Đến thời điểm này, BIDINA đã trồng được 2.300 ha cây cao su, tạo việc làm cho 92 LĐ Việt Nam và 500 LĐ của Lào.

Công ty TNHH Tân Đức Duy (Khu công nghiệp Phú Tài), liên doanh với một doanh nghiệp Lào, đã đầu tư một nhà máy cưa xẻ gỗ tại tỉnh Attapư, giải quyết được 40 LĐ Việt Nam và 30 LĐ Lào. Hiện tại, hai bên liên doanh đang triển khai trồng rừng nguyên liệu và xúc tiến xây dựng một nhà máy chế biến gỗ tại tỉnh Attapư, khi đi vào hoạt động, sẽ tạo việc làm cho 300 LĐ.

Ngoài ra, còn hàng chục doanh nghiệp khác ở Bình Định cũng đang hoặc chuẩn bị đầu tư sang Lào sẽ cần một lượng lớn LĐ người Việt đưa sang.

* Còn nhiều trở ngại

Kể từ năm 1999 đến nay, chính phủ hai nước Việt Nam và Lào đã có nhiều ký kết thỏa thuận về hợp tác, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội… Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào đã có nhiều ký kết hợp tác, tạo điều kiện cho LĐ Việt Nam. Nhưng thực tế các thủ tục liên quan đến LĐ ở cấp Bộ Ngoại giao, An ninh, cấp tỉnh thành, địa phương của Lào vẫn còn nhiều trở ngại.

Theo ông Nguyễn Văn Ninh, Phó Tổng Giám đốc BIDIPHAR, kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Cao su BIDIPHAR, hiện người LĐ Việt Nam sang Lào chỉ đi dưới dạng du lịch, hàng tháng phải về cửa khẩu 2 nước để làm thủ tục nhập cảnh; thủ tục tạm trú LĐ còn nhiều phiền hà, tốn kém, khó khăn đi lại… Theo quy định của Lào, Việt Nam chỉ được phép sử dụng 10% LĐ người Việt tại các dự án, không được đưa LĐ dưới dạng hợp đồng thời vụ. Mặt khác, hiện phía Việt Nam cũng chưa có những hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện chính sách LĐ Việt Nam tại Lào, nên người LĐ chưa yên tâm. Các loại bảo hiểm LĐ, tai nạn cho người LĐ tại Lào hiện chưa được Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn cụ thể…

Ông Nguyễn Duy Hùng, Giám đốc Công ty Cao su Hữu nghị Lào - Việt, cho biết: “Những bất cập về chính sách LĐ trên đã trở thành rào cản trong việc doanh nghiệp đưa LĐ sang Lào làm việc. Khi mới đi vào hoạt động, trước tình hình thiếu nhân công, BIDIPHAR đã đưa một lực lượng lớn LĐ của Công ty, đồng thời phối hợp với huyện Phù Mỹ tuyển được 150 LĐ là bộ đội xuất ngũ đưa sang làm việc tại Lào. Do gặp trở ngại, số LĐ này dần dần phải về nước chỉ còn lại cán bộ quản lý và kỹ thuật. Thời gian tới, doanh nghiệp đi vào khai thác mủ cao su sẽ cần số lượng lớn LĐ, trong khi LĐ của Lào lại không đáp ứng về số lượng cũng như trình độ, nên nếu không sớm cải thiện sẽ rất khó”.

Trước tình hình trên, giữa tháng 8.2009, tại Đà Nẵng, Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào đã tổ chức Hội nghị bộ trưởng về hợp tác LĐ. Có hơn 100 đại biểu đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan của hai nước tham dự. Tại hội nghị hai bên đều khẳng định, sẽ tháo gỡ những vướng mắc, tiếp tục thỏa thuận và tạo mọi điều kiện cho LĐ sang Lào làm việc thuận lợi hơn, nhất là tại các dự án Việt Nam đầu tư sang Lào. Đây là tín hiệu khả quan để các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp ở Bình Định nói riêng, đưa LĐ phổ thông cũng như LĐ có trình độ chuyên môn sang Lào làm việc.

  • Nguyễn Phúc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Một cách thu hút người học nghề  (27/08/2009)
Ban hành Kế hoạch tổ chức Lễ Kỷ niệm 64 năm Quốc khánh 2.9, 40 năm thực hiện Di chúc của Bác và 100 năm Bác Hồ đến Bình Định  (27/08/2009)
Lên phương án lập Bệnh viện dã chiến  (27/08/2009)
Tặng quà cho người nghèo huyện Vân Canh  (26/08/2009)
Hỗ trợ thêm gần 1,5 tỉ đồng đào tạo nghề miễn phí cho công nhân  (26/08/2009)
Gần 30 ngàn sinh viên, học sinh được vay vốn học tập  (26/08/2009)
Hoàn tất việc thống kê và công bố thủ tục hành chính  (26/08/2009)
Mở trường dạy chữa bệnh bằng trường sinh học  (26/08/2009)
Được hưởng ứng tích cực và đồng bộ…  (26/08/2009)
Muốn chấm dứt “đọc- chép” phải dạy học sinh cách tự học  (25/08/2009)
Chống “cúm” ở các trường mầm non  (25/08/2009)
Dịch cúm A/H1N1 đã lây lan nhanh  (24/08/2009)
Thống nhất ba vấn đề căn bản về sự kiện Nguyễn Tất Thành ở Bình Định  (24/08/2009)
Cứu sống 30 người trong cơn hiểm nghèo   (23/08/2009)
Báo Thanh Niên trao tiền giúp người nghèo   (23/08/2009)