Mồ côi tội lắm ai ơi!
8:32', 28/8/ 2009 (GMT+7)

Tôi đã nghe câu hát ru này nhiều lần, nhưng chỉ đến khi tiếp xúc với những đứa trẻ bị bỏ rơi, trẻ mồ côi ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh, thì mới cảm nhận hết nỗi bất hạnh của trẻ mồ côi...

 

Cô Dương Thị Hường: “Cứ thấy các cháu bị bỏ rơi, bị bệnh tật tôi thương lắm”.

 

* Nghịch cảnh

Hôm đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh, chúng tôi được nghe mấy chị cán bộ trong Trung tâm kể lại chuyện họ vừa làm thủ tục tiếp nhận mấy em nhỏ bị bỏ rơi ngay trước cổng Trung tâm. Em da bọc xương, chân tay cong quắp, được quấn trong một chiếc mền; em khác bị bỏ trước cổng Trung tâm.

Bùi Gia Lai, cậu bé khoảng 12 tuổi bị bệnh đao, cứ xán lại gần, ôm choàng qua người chúng tôi, mân mê tay áo, lật giở từng trang cuốn sổ ghi chép… rồi ngước lên nhìn chúng tôi với một nụ cười ngờ nghệch. Chừng như, cậu đang khát khao tình thương, tình người… Thấy có khách vào nhà trẻ, Bùi Thảo Hiền, cô bé bị liệt hai chân và một tay, hẹp sọ não, đang ngồi trên chiếc ghế chuyên dụng cứ vừa khóc vừa vẫy tay gọi: “Mẹ ẵm con đi!”, “Mẹ ơi! Bé chơi với mẹ, mẹ ơi!...”. Theo các cô bảo mẫu, Hiền được đưa vào Trung tâm từ năm ngoái. Khi mới vào, cô bé cứ khóc vì lạ, không chịu ăn, đến một tuần sau mới thích nghi… Còn Bùi Châu Loan, bị bỏ rơi trước cổng Trung tâm năm 2005, lúc mới vào khóc dữ lắm. Giờ thì Loan đang nằm ngủ ngon lành, gương mặt nhẹ nhõm như bao đứa trẻ bình thường khác…

Ở Trung tâm này, những đứa trẻ mới đến đều mang họ Bùi, do không có gốc gác nên trong quá trình làm thủ tục tiếp nhận, chúng đều được lấy họ của ông Trưởng phòng Chính sách xã hội (Sở LĐ-TB&XH). Bùi Trung Hưng là tên của một cậu bé 11 tháng tuổi. Mẹ của Hưng, một phụ nữ khoảng 35-36 tuổi, bị nặng tai, không nói được tiếng Việt, đi lang thang và trong lúc mang bầu được đưa về Trung tâm Giáo dục - Lao động - Xã hội, đến khi sinh được chuyển về đây. Vậy là Trung tâm vừa nuôi con, vừa nuôi mẹ. Cậu bé bụ bẫm đang nằm ngủ ngon lành trong nôi kia, chưa biết được số phận trớ trêu của bản thân mình, nên cứ “hay ăn, chóng lớn”; trong khi người mẹ cũng không nhớ được gốc gác của bản thân, nên cũng chẳng có băn khoăn nào về tương lai. Họ cứ dựa vào Trung tâm mà sống…

Mang cùng họ và cùng bị bỏ rơi, không nơi nương tựa, nhưng nghịch cảnh của mỗi em nhỏ có khác nhau. Cô bé Đặng Cát Tân bị bỏ rơi, người bám đầy kiến tại một đám mía ở xã Cát Tân (Phù Cát) năm 2001; Nguyễn Phương Danh bị bỏ rơi ở chợ Phương Danh, thị trấn Đập Đá (An Nhơn); Nguyễn Chánh Tín, cậu bé 3 tuổi, nhanh nhẹn, hoạt bát và bình thường nhất trong số trẻ đang được nuôi dưỡng tại nhà trẻ này có mẹ mới mất vì HIV. Lúc mới vào, người Tín đầy ghẻ lở, mụn chốc, bụng phình to, lãnh đạo Trung tâm đưa em đi xét nghiệm HIV 3 lần, thì may mắn là cả 3 lần Tín đều “âm tính”. Bây giờ, trông Tín đã trắng trẻo và nói rất nhiều, đặc biệt là biết nghe lời và khéo “nịnh” các mẹ (bảo mẫu) ở Trung tâm.

 

Cùng họ, cùng bị bỏ rơi nhưng nghịch cảnh của mỗi đứa trẻ đều khác nhau...

 

* Trăn trở của người nuôi dưỡng

Ông Nguyễn Thanh Châu, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh, cho biết: “Từ năm 1994 đến nay, Trung tâm đã nhận 20 trẻ mồ côi, bị bỏ rơi vào nuôi dưỡng. Hầu hết các cháu đều bị tàn tật nặng như bại não, hẹp sọ não, đao… Nuôi một đứa trẻ bình thường đã khó, huống chi là trẻ bệnh tật. Vì thế, với những người đang ngày đêm chăm sóc và nuôi nấng các cháu, nếu không có tình thương, không yêu công tác xã hội, thì có lẽ, không thể gắn bó lâu dài ở đây được”.

Hiện nhà trẻ có 5 cô giáo, thay phiên nhau trực 24/24 giờ. Có cô mới làm được 1 năm, nhưng cũng có người đã gắn bó với những số phận bất hạnh này đến mười mấy năm rồi.

Vốn dĩ là giáo viên mầm non của một trường tư thục, cô Dương Thị Hường xin chuyển về Trung tâm làm việc đã 1 năm. Công việc luôn tay, cô đành gửi con gái 2 tuổi cho bà cố và cha mẹ chồng chăm sóc. Cô Hường tâm sự: “Ngày trước ở trường tư thục chỉ mỗi việc dạy cho các cháu; còn vào đây, cô giáo phải lo tất, từ chuyện ăn uống, vệ sinh cá nhân… Nhưng cứ thấy các cháu bị bỏ rơi, rồi phải sống trong bệnh tật thì thương lắm”.

Gắn bó với các cháu đã 15 năm nay, cô Hà Thị Hiếu biết rõ “tính cách” của từng cháu. Châu Loan chỉ duy nhất “mẹ” Hiếu cho ăn được, còn Nhật Minh cũng chỉ có cô Nga, cô Mười… Chăm bẵm từng miếng ăn, giấc ngủ, nên mỗi ánh mắt nhìn, mỗi cái huơ tay của cháu, các cô đều hiểu “các con” của mình đang cần gì.

Trong mấy năm gần đây, cùng với sự quan tâm của Nhà nước và tổ chức từ thiện xã hội, cuộc sống vật chất dành cho trẻ mồ côi ở Trung tâm đã được cải thiện nhiều. Nhưng ông Nguyễn Thanh Châu vẫn trăn trở: “Đưa các cháu vào nuôi dưỡng, Trung tâm đều cố gắng đi tìm gốc gác cho các cháu, nhưng hầu hết đều vô vọng. Mới đây, chúng tôi đã tìm được gia đình của Nguyễn Văn Cường, bị bỏ rơi cách đây khoảng 6-7 năm ở Cát Thắng (Phù Cát). Nhưng đến nơi, thấy cảnh nhà quá nghèo, một mình người cha đang phải nuôi 3 đứa em (của Cường) nhỏ dại, nheo nhóc… nên cán bộ Trung tâm lại đưa Cường về Trung tâm”…

Rồi ông tâm sự: thời gian gần đây, không hiểu sao các cháu bị bỏ rơi ngày càng nhiều. Biết rằng, khó khăn lắm người ta mới bỏ “núm ruột” của mình, nhưng chúng tôi vẫn thấy các cháu buồn lắm. Ở Trung tâm có nuôi dưỡng các cháu tốt đến cỡ nào chăng nữa, thì cũng không bằng người thân của các cháu. Điều kiện vật chất có thể hơn ở nhà, nhưng những lúc ốm đau, bệnh tật, “nửa đêm gà gáy”, các cô không thể thay thế hoàn toàn tình cảm của cha mẹ ruột được. Ông Châu cũng mong những vòng tay nhân ái của cộng đồng, giúp sức cùng Trung tâm chăm lo cho các cháu.

  • Hoa Hiền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Lãnh đạo tỉnh thăm các gia đình chính sách  (28/08/2009)
Kiện toàn, củng cố, phát triển hệ thống trung tâm giới thiệu việc làm  (27/08/2009)
Giao lưu với các tân thủ khoa  (27/08/2009)
Kỷ luật cảnh cáo Hiệu trưởng Trường TH Đống Đa (Quy Nhơn)  (27/08/2009)
Còn nhiều trở ngại  (27/08/2009)
Một cách thu hút người học nghề  (27/08/2009)
Ban hành Kế hoạch tổ chức Lễ Kỷ niệm 64 năm Quốc khánh 2.9, 40 năm thực hiện Di chúc của Bác và 100 năm Bác Hồ đến Bình Định  (27/08/2009)
Lên phương án lập Bệnh viện dã chiến  (27/08/2009)
Tặng quà cho người nghèo huyện Vân Canh  (26/08/2009)
Hỗ trợ thêm gần 1,5 tỉ đồng đào tạo nghề miễn phí cho công nhân  (26/08/2009)
Gần 30 ngàn sinh viên, học sinh được vay vốn học tập  (26/08/2009)
Hoàn tất việc thống kê và công bố thủ tục hành chính  (26/08/2009)
Mở trường dạy chữa bệnh bằng trường sinh học  (26/08/2009)
Được hưởng ứng tích cực và đồng bộ…  (26/08/2009)
Muốn chấm dứt “đọc- chép” phải dạy học sinh cách tự học  (25/08/2009)