|
HS vùng cao đến lớp còn nhiều khó khăn. Ảnh: Quỳnh Nguyên |
Đi học… vui - đó là câu trả lời của nhiều học sinh (HS) là người dân tộc thiểu số mà chúng tôi gặp ở huyện Vân Canh khi được hỏi: “Đi học có vui không?”. Nhưng để theo đuổi con chữ một cách “có chất lượng”, đối với trẻ vùng cao vẫn còn nhiều rào cản.
Trường Tiểu học xã Canh Hòa có 100% số HS là người dân tộc thiểu số. Cùng với cả tỉnh, từ ngày 17.8, HS của Trường đã bắt đầu năm học mới. Tiếng trống khai giảng chưa điểm, nên không khí học những ngày đầu năm còn có vẻ trầm lắng…
Theo chân Nguyễn Hữu Khang, HS lớp 1, người dân tộc Chăm ở làng Canh Thành, về ngôi nhà của em ở ngay đầu làng, chúng tôi đã gặp mẹ em đang lúi húi sửa lại mấy bao củi khô trong góc bếp. Chị Võ Thị Hữu, mẹ của Khang cho biết: “Trường ở gần nhà, anh trai nó đang học lớp 3 cùng trường nên hai anh em dắt nhau đi học thôi…”. Khang có vẻ lầm lì, ít nói, có lẽ vốn “tiếng Việt” của em chưa nhiều lắm.
Chúng tôi năn nỉ hồi lâu, Khang mới lấy cho xem quyển vở tập viết. Những nét chữ đầu tiên của cậu bé viết bằng bút chì chưa tròn đều, cuốn vở vẫn chưa được bao bìa, dán nhãn, nên góc vở đã quăn… Chị Hữu nói: “Anh em nó đi học được trường cho mượn sách, sách rách lắm nhưng phải học thôi, chứ không có tiền mua sách đâu. Quần áo thì được Nhà nước cho vải, chỉ tốn tiền công may… Vậy mà, vợ chồng tui đã phải bán mấy bao mì để có 150 ngàn đồng mua sắm cho con đi học đấy…”.
Cha mẹ bé Khang chỉ làm rẫy, hái củi, đốt than, lúc rảnh thì đi trồng rừng, làm thuê như hầu hết các cặp vợ chồng người dân tộc thiểu số ở đây, nên chuyện học hành cho con cái khó mà được chu toàn. Ngoài ngôi nhà sàn cũ kỹ đã được sử dụng làm nhà bếp, cha mẹ Khang còn được Nhà nước xây cho một căn nhà kiên cố hơn (theo chương trình xóa nhà tạm cho hộ nghèo), nhưng trong nhà vẫn chưa có “góc học tập”. Cặp sách đi học về mấy cậu bé ném ngay ở góc nhà, còn khi học bài, viết bài thì “trải chiếu xuống thềm xi măng nằm học”- cậu bé An, anh trai của Khang, thật thà kể.
Năm học 2009-2010, huyện Vân Canh có 2.303 HS tiểu học (128 lớp), trong đó, HS người dân tộc thiểu số có 1.048 em. Riêng trẻ vào lớp 1 có 440 em, trong đó có 195 HS là người dân tộc thiểu số, chủ yếu ở các xã Canh Hòa, Canh Thuận, Canh Liên, Thị trấn Vân Canh… Để tạo không khí phấn khởi cho HS bước vào năm học mới, nhất là đối với trẻ vào lớp 1, ngành GD-ĐT huyện Vân Canh đã đầu tư để sửa sang trường, lớp. HS người dân tộc thiểu số đi học được mượn một bộ sách giáo khoa, ngoài ra, các em còn được hỗ trợ tiền mua vở, bút (HS mẫu giáo được hỗ trợ 70 ngàn đồng/HS/tháng; HS tiểu học, THCS được hỗ trợ 140 ngàn đồng/HS/tháng…)
Tuy nhiên, điều kiện đi học của HS người dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn. Do HS ở các làng vùng cao quá ít, không đủ để tổ chức lớp riêng, nên HS vẫn còn phải học lớp ghép. Năm nay, toàn huyện Vân Canh có 27 lớp ghép, trong đó có những lớp ghép đến 3 chương trình như lớp 1-2-3 ở các làng Canh Giao ( xã Canh Hiển); Cà Bưng, Hà Văn (xã Canh Thuận) đã ghép 3 lớp mà cũng chỉ có 10-15 HS… Ông Nguyễn Văn Chấn, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Vân Canh, cho biết: “Để tổ chức lớp ghép, Phòng GD-ĐT đã phải lựa chọn những giáo viên có năng lực và tổ chức tập huấn cách dạy lớp ghép cho giáo viên. Tuy nhiên, trong cùng một thời gian mà phải dạy đến 2-3 chương trình cho HS các trình độ khác nhau, nên chất lượng học tập của HS ở các lớp ghép còn nhiều hạn chế”.
Trước đây, HS người dân tộc thiểu số ở huyện Vân Canh vào lớp 1 rất khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức vì các em chưa nói được tiếng Việt. Để hạn chế nhược điểm này, những năm gần đây, ngành GD-ĐT Vân Canh đã đầu tư cho mẫu giáo, đặc biệt là mẫu giáo 5 tuổi. Đến nay, hệ thống trường, lớp mẫu giáo đã phát triển ở khắp các thôn, làng. Nhiều phòng học mẫu giáo cũng đã được đầu tư xây dựng khang trang, đúng quy cách hơn. Năm học này, toàn huyện có 85% HS từ 3-5 tuổi, trong đó có 100% trẻ 5 tuổi được đi học mẫu giáo (221 HS người dân tộc thiểu số) để tạo “nền” cho các em trước khi “tiếp cận” chương trình lớp 1.
|