Nhớ những lần được gặp Bác Hồ
8:51', 2/9/ 2009 (GMT+7)

Bà Đinh Thị Minh Kết (SN 1946), là người dân tộc H’rê đầu tiên ở tỉnh ta được tuyển chọn ra Bắc học tập để sau này về phục vụ quê hương. Trong những năm sống và học tập tại miền Bắc, cô bé Kết đã vinh dự được gặp Bác Hồ 4 lần tại Trường Dân tộc Trung ương (Mễ Trì, Hà Nội). Khắc ghi lời dạy của Người, bà Đinh Thị Minh Kết đã cố gắng vượt qua mọi khó khăn, ra sức học tập và cống hiến cho sự nghiệp xóa nạn mù chữ, xóa đói nghèo cho đồng bào ở huyện An Lão.

 

Bà Kết (nữ, đứng đầu tiên, bên phải) chụp ảnh lưu niệm với đồng chí Đỗ Mười và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Phủ Chủ tịch. Ảnh do nhân vật cung cấp

 

Năm 1956, bà Đinh Thị Minh Kết, khi đó còn là cô bé Kết, cùng 9 thiếu niên khác trong tỉnh rời gia đình ra Bắc học tập. Cuộc hành trình bằng đường bộ gần 7 tháng đối với bà chỉ là thử thách đầu tiên trong cuộc đời. Ngôi trường của bà học liên tục phải thay đổi địa điểm, từ Hà Nội đến Hòa Bình rồi Lạng Sơn… để tránh sự đánh phá của kẻ thù. Bà đã bắt đầu học tiếng Kinh và cách sống tự lập trong môi trường tập thể “cơ động” như vậy.

Năm 1960, bà Kết lần đầu tiên được gặp Bác Hồ. Giờ đây, khi đã gần 60 tuổi, bà vẫn còn nhớ như in cái ngày ấy. Bà kể:

“Tờ mờ sáng, một hồi kẻng đã vang lên giục học sinh dậy tập thể dục, ăn sáng sớm. Thầy cô căn dặn học sinh mặc quần áo đẹp để đón tiếp lãnh đạo. Khi tập trung ở sân trường chuẩn bị chào cờ, thì mọi người bất ngờ thấy Bác Hồ đang ở giữa sân trường. Chẳng ai bảo ai, các bạn ùa lại bao xung quanh Bác. Bạn thì nắm tay, bạn sờ râu rồi ôm chân Bác. Bác vừa cười, vừa nói: “Các cháu có biết tại sao vào học ở đây không?”. Lập tức, các bạn giơ tay thật cao để tranh nhau giành quyền trả lời. Tôi thật sung sướng và may mắn được đứng gần Bác. Bác âu yếm vuốt nhẹ lên mái tóc tôi. Tôi ngước lên nhìn Bác. Chòm râu dài bạc trắng, mắt Bác sáng ngời, vầng trán rộng. Bác quay qua, hỏi thăm tôi: “Năm vừa qua, thành tích học tập của cháu như thế nào?”. Tôi mạnh dạn trả lời Bác: “Dạ thưa Bác, cháu đạt học sinh giỏi ạ!”. Bác căn dặn chúng tôi: “Phải chăm học, ngoan ngoãn để lớn lên có ích cho nước nhà”. Lời Bác mãi mãi khắc sâu trong tâm trí tôi giúp chúng tôi vượt qua khó khăn học tập để ba mẹ đang chiến đấu ở miền Nam yên tâm”.

Đến dịp Tết Trung thu năm 1962, Bác lại đến thăm học sinh của Trường Dân tộc Trung ương. Bác vẫn mặc bộ quần áo kaki như lần trước. Song trên tay Bác Hồ có rất nhiều kẹo. Bác xoa đầu và trao kẹo cho từng bạn một. Dù đã được gặp Bác một lần, nhưng cô bé Kết cũng không khỏi bồi hồi xúc động trong lần thứ hai đón Bác này. “Người ân cần hỏi han về cuộc sống của chúng tôi, hỏi chúng tôi có gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hay không, có nhớ nhà nhiều không… rồi dặn dò chúng tôi cố gắng học tập tốt để giúp ích cho nước nhà. Cách nói chuyện thân tình và cởi mở của Bác làm chúng tôi xúc động vô cùng” - bà Kết bùi ngùi nhớ lại.

Năm học lớp 3, lớp 4, bà Kết cũng được gặp Bác nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi và Tết Trung thu. Năm 1964, Trường Dân tộc Trung ương phải chuyển đến Hòa Bình vì miền Bắc xảy ra chiến tranh ác liệt. Từ đó, bà Kết và các bạn không còn được gặp Bác Hồ nữa.

Bà Kết tâm sự: “Đến nay, tuy đã lớn tuổi, nhưng những xúc cảm sung sướng, tự hào được gặp Bác vẫn còn nguyên vẹn. Lời Bác dặn khắc sâu trong tâm trí tôi. Trong gian khổ và thử thách, tôi đã vượt qua và vinh dự được trở thành người đảng viên cộng sản, xứng đáng là thế hệ con cháu Bác Hồ kính yêu”.

Bà Kết đã chăm chỉ học tập và tốt nghiệp khoa Sư phạm Sinh, Trường Đại học Sư phạm miền Bắc. Khi ra trường, bà trở về dạy học ở Trường THPT Trưng Vương (TP Quy Nhơn) rồi Trường Vừa học Vừa làm ở Ân Tường Đông (huyện Hoài Ân). Sau đó, bà đảm nhận các chức vụ Trưởng ban Văn hóa – Giáo dục, Bí thư Huyện Đoàn An Lão, Phó Bí thư Huyện ủy An Lão, rồi Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện An Lão. 

“Được trực tiếp nghe Bác nói, Bác hỏi, Bác căn dặn và chỉ bảo, tôi luôn ghi nhớ và đã nguyện phấn đấu suốt đời thực hiện lời Bác dạy. Học tập và làm theo lời Bác, điều được lớn nhất của tôi là nhận được sự tin yêu, quý mến và sự giúp đỡ của tập thể, dù ở cương vị nào”.

Cả cuộc đời, bà Kết đã cống hiến cho sự nghiệp xóa đói giảm nghèo, xóa nạn mù chữ cho đồng bào dân tộc H’rê, Bana ở huyện An Lão. Về hưu, bà sống cùng đứa cháu nhỏ, song ngoài thời gian chăm sóc cháu, bà lại đi vận động đồng bào bài trừ các tập tục lạc hậu, đấu tranh với cái xấu, đoàn kết xây dựng nếp sống mới… Bà Đinh Thị Minh Kết vừa được tôn vinh là 1 trong 5 già làng có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện An Lão.

  • H.Yến – V.Trang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tư tưởng Hồ Chí Minh soi sáng con đường chúng ta đi  (02/09/2009)
Mít-tinh kỷ niệm 64 năm Quốc khánh 2.9, 40 năm thực hiện Di chúc của Bác và 100 năm Bác Hồ đến Bình Định  (02/09/2009)
Bài học của muôn đời  (01/09/2009)
Thăm, tặng quà các gia đình chính sách tiêu biểu  (01/09/2009)
Nhiều địa phương triển khai nhiệm vụ năm học mới  (01/09/2009)
Trẻ vùng cao vào lớp 1  (01/09/2009)
Giúp sinh viên - học sinh nghèo có điều kiện học tập  (01/09/2009)
Đại hội Hội LHTN Việt Nam tỉnh khóa V  (01/09/2009)
Thăm, tặng quà cho người dân xã Nhơn Châu  (31/08/2009)
1.150 thanh niên sẵn sàng lên đường nhập ngũ đợt 2  (31/08/2009)
Mở rộng mặt trận tập hợp, đoàn kết thanh niên  (31/08/2009)
Khai mạc Đại hội Hội LHTN Việt Nam tỉnh lần thứ V  (31/08/2009)
Lời khẩn cầu từ Tình Giang…   (30/08/2009)
22 tác phẩm được trao giải   (30/08/2009)
Tổ chức các hoạt động thiết thực trong “Tháng An toàn giao thông”   (30/08/2009)