Với các chiến sĩ cách mạng từng bị địch bắt tù đày trong chiến tranh, ngày 2.9 trong tù còn hơn cả một lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh. Đó còn là một dịp để dấy lên phong trào đấu tranh, cổ vũ tinh thần chiến đấu của đồng chí, đồng đội.
|
Đội văn nghệ Trung kiên của nữ tù trại giam Phú Tài trình diễn bài hát “Chị em ơi vùng lên” cho phái đoàn Mặt trận, Chính phủ xem vào tháng 4.1973, sau 2 tháng ra tù. (Bà Trúc đứng hàng đầu, cầm đàn). Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp
|
* Quay mặt về hướng Bắc
Ông Nguyễn Xuân Ái, một cựu tù chính trị cách mạng có 14 năm đón ngày 2.9 trong nhà tù Côn Đảo, kể lại: “Vào tất cả các dịp như 3.2, 19.5, 22.12, chúng tôi đều làm lễ kỷ niệm, nhưng tổ chức trang nghiêm nhất là ngày 2.9”. Dù thời điểm khó khăn nhất là giai đoạn bị nhốt ở xà lim “chuồng cọp”, nhưng điều đó cũng không làm cho những chiến sĩ cách mạng như ông nhụt chí.
Lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh của các chiến sĩ bị nhốt ở chuồng cọp là buổi sáng ngày 2.9, tất cả cùng ngồi nghiêm trang, mặt quay về hướng Bắc - hướng Thủ đô Hà Nội - để mặc niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc, và nhớ đến Bác Hồ - vị cha già kính yêu của dân tộc. Chỉ thế nhưng vô cùng thiêng liêng và tự hào.
Lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh đáng nhớ nhất của ông Ái trong nhà tù Côn Đảo là vào ngày 2.9.1972. Năm ấy, Đảng ủy trại I của ông (trại chống ly khai Đảng Cộng sản) quyết định tổ chức kỷ niệm ngày Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thật quy mô ở cả 10 phòng của trại I. Phòng nào có điều kiện thì làm cả sân khấu, có phông màn hẳn hoi (là các tấm drap trải giường màu trắng vốn được dùng làm chăn đắp). Thế rồi bọn lính phát hiện được và đưa lực lượng đến đàn áp bằng lựu đạn cay, phi tiễn; sau đó, chúng phá sân khấu, bắt đại diện các phòng. Lễ kỷ niệm Quốc khánh năm ấy bị đàn áp nhưng điều đó lại càng cổ vũ, thôi thúc các chiến sĩ cách mạng đang bị tù đày phát huy tinh thần quật khởi của ngày 19.8 và 2.9 để chiến đấu giữ vững vị trí của mình - vị trí của những người tù không ly khai Đảng Cộng sản.
Cũng trong dòng hoài niệm về những ngày 2.9 cách đây 40 năm, ông Lê Đình Phú, cựu tù chính trị cách mạng Phú Quốc, nhớ lại: “Giai đoạn những năm 1968-1969, việc kỷ niệm ngày Quốc khánh được các chiến sĩ cách mạng tổ chức bí mật theo từng nhóm với các hoạt động như ngâm, đọc các bài thơ nói về Đảng, Bác Hồ. Giai đoạn 1969-1971, bọn địch khủng bố ác liệt nên mỗi dịp kỷ niệm chỉ 2-3 người tổ chức với nhau. Đến những năm 1972-1973, lúc này, do tù binh đấu tranh quyết liệt nên bọn địch đã thực hiện quy chế tù binh, chi bộ cũng hoạt động công khai, nên chúng tôi tổ chức kỷ niệm ngày 2.9 rất lớn, với quy mô cho cả phân khu hàng ngàn người cùng tham dự”.
* Tiếng hát át tiếng bom
Ở trại giam nữ tù binh Phú Tài (TP Quy Nhơn), các nữ tù binh cũng tổ chức kỷ niệm ngày Quốc khánh với nhiều nội dung đa đạng và mang đậm dấu ấn của nữ giới. Bà Ngô Thị Thanh Trúc, từng bị địch giam giữ ở trại giam nữ tù binh Phú Tài trong 5 năm (1968-1973), kể: “Vào những ngày lễ lớn của đất nước, Đảng ủy trong tù đều tổ chức quán triệt các nội dung kỷ niệm cho các chi bộ, để sau đó bí thư chi bộ phổ biến cho đảng viên, đoàn viên, đội quyết tử và quần chúng. Cũng có khi Đảng ủy tổ chức kết nạp đảng viên vào ngày 2.9. Và một phong trào không thể không nhắc tới là các hoạt động văn nghệ chào mừng ngày lễ”.
Một buổi văn nghệ như thế thường có vài chục tiết mục, với nhiều thể loại, từ ca, múa, kịch, ngâm thơ, hò đến vũ kịch, với những bài như “Chị em ơi vùng lên”, “Phú Tài nổi sóng”… Để chuẩn bị cho buổi biểu diễn, chị em tù binh trong Đội văn nghệ Trung kiên phải tập cả tháng trời, dưới sự canh gác của đội quyết tử. Trang phục biểu diễn là áo dài, váy, xà rông đều được các chị sáng tạo, may, thêu từ chăn, mùng, khăn… của mình. Son phấn để trang điểm khi lên sân khấu là bột gạo và các loại cây, lá có màu đỏ. Ngay cả cây đàn măng-đô-lin do bà Trúc đánh trong các buổi biểu diễn cũng được Má Bảy - một nữ tù người miền Nam - làm từ các loại phế liệu thu lượm được sau những lần đi đổ rác. Mỗi lần biểu diễn, đội quyết tử được phân công canh gác ở phía ngoài, các chị em tù binh thay phiên nhau xem, thỉnh thoảng đi lại trong phòng như bình thường để tránh bị bọn lính phát hiện.
Với những người tù cộng sản, những ngày 2.9 thiếu thốn vật chất nhưng thiêng liêng và tràn đầy tình yêu Tổ quốc như thế đã động viên, củng cố tinh thần, đồng thời thôi thúc họ tiếp tục đấu tranh cho ngày độc lập.
|