Bình Định là một trong 28 tỉnh, thành trong cả nước được triển khai Đề án kiểm soát dân số (DS) vùng biển, đảo, nhằm tạo cơ sở để công tác này đạt hiệu quả bền vững. Ngày 1.9, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2214/QĐ-CTUBND về việc thực hiện Đề án kiểm soát DS các vùng biển, đảo và ven biển năm 2009.
* Những thách thức, bất cập
Theo thống kê, năm 2009, Bình Định có khoảng 378 ngàn người sống ở các vùng biển, đảo; trong đó, phụ nữ độ tuổi sinh đẻ khoảng 100 ngàn người. Công tác DS, sức khỏe sinh sản-kế hoạch hóa gia đình (SKSS-KHHGĐ) ở khu vực này còn nhiều hạn chế.
|
Khu vực biển, đảo có quy mô dân số cao, nhưng chất lượng dân số thì ngược lại. - Trong ảnh: Khám sức khỏe miễn phí cho người dân Cồn Chim (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước).
|
Năm 2008, tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên của các xã đảo, ven biển là 21,1%; đặc biệt, ở các xã ven biển của huyện Phù Cát, tỉ lệ này lên đến 28,9%, cao hơn mức bình quân của tỉnh (18,5%). Phân tích của cơ quan quản lý cho thấy, năm 2000, DS vùng biển của tỉnh là 368 ngàn người, đến năm 2008 đã vượt lên 378 ngàn người; mật độ DS 586 người/km2, gấp đôi mật độ chung của tỉnh.
Quy mô DS cao, nhưng chất lượng DS ở khu vực này thì ngược lại. Tỉ suất chết mẹ, mang thai ngoài ý muốn, mắc các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục còn cao. Số trẻ em sinh ra bị dị tật, dị dạng và thiểu năng trí tuệ rất đáng lo ngại, trong khi trẻ sơ sinh chưa được phát hiện và can thiệp điều trị sớm các bệnh lý chuyển hóa, di truyền.
Cơ sở vật chất, mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ ở cấp xã còn yếu và thiếu, chưa phù hợp với đặc điểm môi trường và khí hậu biển. Đáng chú ý là hiện vẫn còn một số trạm y tế ở xã ven biển, đảo chưa có bác sĩ. Các hoạt động xây dựng và củng cố hệ thông tin quản lý DS-KHHGĐ chưa được phủ kín, nên các thông tin quản lý DS-KHHGĐ chưa hỗ trợ được cho việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế-xã hội.
Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, bất cập nêu trên là do đặc thù lao động nghề biển luôn phải tiếp xúc với môi trường có độ ẩm cao, thiếu nước ngọt và ô nhiễm; nhu cầu lao động nam giới cao, phải đi làm ăn xa nhà dài ngày, có nhiều rủi ro; tâm lý, tập quán, nhận thức của người dân vùng biển còn hạn chế. Trong khi đó, Chương trình mục tiêu Quốc gia về DS-KHHGĐ, chăm sóc SKSS chưa đủ điều kiện giải quyết các đặc thù, đặc điểm kinh tế- xã hội của người dân vùng biển, đảo.
* Kiểm soát quy mô và chất lượng DS
Theo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, Đề án kiểm soát DS vùng biển, đảo sẽ được triển khai tại 32 xã vùng biển, đảo của TP Quy Nhơn và 4 huyện: Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ và Hoài Nhơn. Kinh phí của Đề án là 1,4 tỉ đồng. Mục tiêu của Đề án là quy mô DS các vùng biển, đảo và ven biển của tỉnh năm 2009 không vượt quá 38 ngàn người; đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, KHHGĐ; nâng cao chất lượng DS; nâng cao nhận thức của người dân ở vùng biển, đảo và ven biển…
Dựa trên mục tiêu này, trong năm 2009, tỉnh tập trung triển khai các hoạt động đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, KHHGĐ thông qua việc tổ chức đội y tế lưu động. Tỉnh sẽ thí điểm xây dựng và hỗ trợ các loại hình cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ, cung cấp bao cao su, thuốc tránh thai cho người làm việc trên biển trước khi xuất bến đi biển dài ngày, khi cập bờ và vào các âu thuyền tại 5 phường, xã ở TP Quy Nhơn là: Nhơn Châu, Hải Cảng, Ghềnh Ráng, Đống Đa và Thị Nại.
Hoạt động nâng cao chất lượng DS khi sinh tại các vùng biển, đảo và ven biển nhằm hỗ trợ chăm sóc sức khỏe bà mẹ khi mang thai, hỗ trợ khi sinh đối với các bà mẹ có nguy cơ cao đến sự mang thai, phát triển bình thường và chất lượng bào thai do tác động của môi trường biển bước đầu sẽ được triển khai tại 6 xã ven biển của huyện Hoài Nhơn là: Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam, Hoài Thanh, Hoài Hương, Hoài Hải và Hoài Mỹ. Đồng thời, ngành Y tế sẽ thí điểm thiết lập và vận hành kho dữ liệu điện tử chuyên ngành ở các xã: Nhơn Hội (TP Quy Nhơn), Phước Thuận (Tuy Phước) và Cát Khánh (Phù Cát).
Với ý nghĩa và tầm quan trọng của Đề án, theo lộ trình từ nay đến năm 2010, vấn đề được ưu tiên hàng đầu là truyền thông để thay đổi thái độ hành vi, phấn đấu đến năm 2010 có 70% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ tại khu vực này thực hiện các biện pháp tránh thai; 60% người dân được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ và giảm 5%/năm số trẻ bị dị dạng, dị tật và thiểu năng trí tuệ do rối loạn chuyển hóa và di truyền. Công tác truyền thông cũng được gắn với hoạt động của các loại hình cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, KHHGĐ tại xã, nhấn mạnh truyền thông tư vấn trực tiếp tại cộng đồng, đặc biệt là tư vấn tại hộ gia đình, nơi làm việc và nơi tập kết của ngư dân.
|