Khác với các cơ quan nhà nước khác, các cơ quan tư pháp có tính độc lập rất cao trong tổ chức và hoạt động. Công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án là các lĩnh vực hoạt động nặng về chuyên môn, nên hoạt động của các cơ quan này ít chịu sự ràng buộc và kiểm soát từ các cơ quan bên ngoài mà chỉ chịu sự kiểm tra về chuyên môn của ngành dọc cấp trên.
|
Ở cấp tỉnh, huyện, các cơ quan tư pháp chịu sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và giám sát của HĐND cùng cấp. - Trong ảnh: Chất vấn tại kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa X. Ảnh: Văn Lưu
|
Ở cấp tỉnh, huyện, các cơ quan tư pháp chỉ chịu sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và giám sát của HĐND cùng cấp. Cấp ủy Đảng nắm thông tin chủ yếu do các cơ quan này cung cấp qua các buổi giao ban hàng tháng. Cấp ủy Đảng chỉ định hướng cho các cơ quan tư pháp thực hiện những vấn đề chung nhất. Riêng HĐND, nguồn thông tin để thực hiện giám sát phong phú hơn, có thể qua tiếp xúc cử tri hoặc trực tiếp giám sát chuyên đề trước, trong và sau các kỳ họp. Tuy nhiên, trong thực tế, vì nhiều lý do khác nhau, nhất là về cơ chế giám sát và năng lực chuyên môn của một số đại biểu, khiến không thể phân tích sâu hơn về những tồn tại, hạn chế trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, để rồi chính cơ quan được xem là quyền lực cao nhất ở địa phương đã tạo ra một khoảng trống trong lĩnh vực giám sát thực thi pháp luật.
Các kỳ họp của HĐND cấp huyện, việc ban hành nghị quyết hầu như chỉ chú trọng lĩnh vực kinh tế - xã hội. Ở huyện Hoài Nhơn, việc ra nghị quyết HĐND trong lĩnh vực tư pháp mới chỉ được thực hiện trong 2 kỳ họp cuối năm 2007, 2008.
Tại buổi thảo luận kỳ họp cuối năm 2007 để ra nghị quyết thực thi trong năm 2008, đồng chí chủ trì gợi ý việc ban hành nghị quyết giảm 10% số vụ phạm pháp hình sự; 10% số vụ, số người chết, bị thương do tai nạn giao thông gây ra và đặt chỉ tiêu 17/17 xã, thị trấn không để xảy ra trọng án, thì một số đại biểu tỏ ra băn khoăn, thậm chí có ý kiến phản đối. Đại biểu ngành Công an cho rằng: Nếu đưa các chỉ tiêu trên vào nghị quyết thì sẽ đặt trên vai ngành này một gánh nặng, bởi chỉ mỗi một ngành thì không thể thực hiện được.
Tuy nhiên, qua thảo luận, hội nghị cho rằng, thời gian qua, Công an huyện và Mặt trận, các đoàn thể đã ký kết rất nhiều nghị quyết liên tịch trong phối hợp, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm và vi phạm pháp luật, nên các chỉ tiêu trong lĩnh vực trật tự, an toàn xã hội có phần trách nhiệm của các hội, đoàn thể có tham gia ký kết các nghị quyết liên tịch.
Nghị quyết của HĐND huyện được tổ chức thực hiện, tuy kết quả không như mong muốn nhưng tình hình trật tự an toàn - xã hội trên địa bàn huyện đã được cải thiện đáng kể. Năm 2008, số vụ phạm pháp hình sự giảm 17%, số vụ tai nạn giao thông giảm 18,2% so với năm 2007. Riêng 6 tháng đầu năm 2009, tai nạn giao thông trên địa bàn Hoài Nhơn giảm trên cả ba mặt so cùng kỳ. Các chỉ tiêu về giảm số người bị thương do tai nạn giao thông năm 2007, 2008 tuy không đạt được, song cái được lớn nhất là qua việc ban hành nghị quyết trong lĩnh vực tư pháp đã tạo dần cho các đại biểu một sự nhận thức, lấp dần khoảng trống trong lĩnh vực giám sát thực thi pháp luật.
Ngoài ra, các chỉ tiêu mà các ngành nội chính thường dùng để bình xét thi đua cuối năm như: giảm tỷ lệ án bị hủy và cải sửa, án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì thiếu chứng cứ hoặc những vấn đề liên quan đến những bức xúc của cử tri như số vụ án đã có hiệu lực pháp luật nhưng không tổ chức thi hành được dẫn đến khiếu kiện vượt cấp, kéo dài… nghị quyết của HĐND các cấp phải đề cập.
Luật Tổ chức HĐND và UBND; Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị đã quy định vấn đề này như một cơ sở pháp lý để HĐND ra nghị quyết trong lĩnh vực tư pháp. Nếu giám sát của HĐND mà kết quả không được thể hiện bằng một nghị quyết để các ngành, các cấp thấy được trách nhiệm của mình, nhất là trước tình hình tội phạm và tai nạn giao thông gia tăng, thì chính HĐND đã để lại một khoảng trống trong giám sát thực thi pháp luật ở địa phương.
Có một thực tế là nhiều cuộc giám sát của HĐND đúng, kiến nghị trúng, nhưng cuối cùng chưa được các cơ quan tư pháp thực hiện nghiêm túc. Theo chúng tôi, không ai khác, HĐND địa phương phải chịu trách nhiệm trước tình hình thực thi pháp luật ở địa phương. Đơn thư khiếu nại vượt cấp gia tăng, số lượt người đến phòng tiếp dân ngày càng đông, chủ yếu là khiếu nại trong lĩnh vực đất đai và thi hành pháp luật. Vậy tại sao không mạnh dạn ban hành nghị quyết trong lĩnh vực tư pháp để cải thiện tình hình?
|