Dù được gói ghém trong hai mệnh đề thật đơn giản: xin của người này để cho người khác, nhưng thực tế cho thấy, công tác nhân đạo - từ thiện là một công việc không hề dễ. Ở đồng bằng, làm công tác này đã khó, ở miền núi còn khó hơn. Thế nhưng những tình nguyện viên chữ thập đỏ (TNV CTĐ) ở huyện Vân Canh vẫn tìm được câu trả lời, từ hiệu quả hoạt động thực tiễn của họ.
|
Điểm khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền do Đội TNV CTĐ Vân Canh xây dựng. Ảnh tư liệu Hội CTĐ Vân Canh
|
* Thành công bước đầu
Cách đây hơn 2 năm, vào tháng 6.2007, Đội TNV CTĐ Vân Canh được thành lập để tham gia trợ giúp các hoạt động CTĐ. Đây cũng là đội TNV CTĐ ra đời sớm nhất trong tỉnh. Lúc cao điểm, đội có 40 đội viên, gồm 3 thế hệ, từ người lớn tuổi đến thanh niên CTĐ xung kích và thiếu niên CTĐ xung kích, trong đó có nhiều người là cán bộ hưu trí, người dân tộc thiểu số. Từ đó đến nay, Đội TNV CTĐ Vân Canh đã không ngừng cố gắng trong mọi mặt hoạt động, từ vận động, quyên góp giúp đỡ người nghèo, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đến cứu trợ đột xuất.
Về công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng, trong 2 năm qua, điểm khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền do Đội xây dựng đã khám, chữa bệnh cho 1.200 lượt người, sơ cấp cứu miễn phí cho 70 lượt người.
Sau 2 năm hoạt động, Đội cũng đã vận động các nhà tài trợ trong và ngoài tỉnh được 93,8 triệu đồng. Ngoài giúp tiền, có người còn giúp cả tấn gạo, có đơn vị giúp xây dựng nhà tình thương. Có người tài trợ vốn cho trại hòm nhân đạo của Đội hoạt động… Từ nguồn tài trợ này, Đội TNV CTĐ Vân Canh đã đẩy mạnh và đa dạng hóa các hoạt động nhân đạo từ thiện. Ngoài việc cứu trợ gần 400 hộ nghèo ở thị trấn Vân Canh và các xã Canh Hòa, Canh Hiệp, tặng quà cho các gia đình chính sách nhân ngày 27.7, Đội còn cứu trợ đột xuất cho các trường hợp gặp khó khăn hoạn nạn. Đơn cử như trường hợp chị Đức, ở thị trấn Vân Canh. Chồng chết, các con còn nhỏ, bản thân chị lại đau ốm, gặp lúc ngặt nghèo, Đội đã đến thăm và tặng quà. Anh Dĩnh ở Canh Hòa bị sét đánh chết, Đội cũng kịp thời đến thăm và hỗ trợ một ít tiền. Bên cạnh đó, Đội cũng hỗ trợ cho hai hộ gia đình khó khăn khác xây dựng nhà tình thương với tổng số tiền là 32 triệu đồng.
Ngoài ra, Đội TNV CTĐ Vân Canh còn tổ chức nấu “nồi cháo tình thương” phục vụ bệnh nhân điều trị tại Trung tâm Y tế huyện 1 lần/tuần, trại hòm CTĐ của Đội hỗ trợ 10% chi phí mua và tiền chuyên chở cho những gia đình khó khăn có người thân qua đời. Ngoài ra, lực lượng TNV còn tham gia các hoạt động giúp đỡ các đoàn đến cứu trợ, phục vụ hiến máu nhân đạo, lắp ráp xe lăn…
Bà Nguyễn Thị Mỹ, thành viên tổ nấu cháo tình thương, cho biết: Nhóm nữ TNV nấu cháo có 5 người, thay nhau chịu trách nhiệm nấu chính, những người còn lại thì phục vụ. Cháo phục vụ vào sáng thứ Hai, nên chiều Chủ nhật phải chuẩn bị đầy đủ thịt, đậu, gạo, rau củ để sáng hôm sau nấu sớm và mang đến bệnh viện lúc 5 giờ 30 phút. Bà Mỹ tâm sự: “Tôi cũng hơn 60 tuổi rồi, nhưng còn sức ngày nào thì tham gia công tác xã hội từ thiện ngày đó, cho vui tuổi già”.
* Giải “thế bí”
Vân Canh là huyện miền núi, có 4 dân tộc thiểu số là Chăm, Bana, Tày, Thái cùng sinh sống. Phần đông dân số sống bằng nghề nông, lâm nghiệp và chăn nuôi, thu nhập thấp. Vì thế, việc giải bài toán tìm nguồn tài trợ để phát triển công tác nhân đạo từ thiện là không hề dễ. Nói như ông Nguyễn Xuân Vịnh, Đội phó Đội TNV CTĐ Vân Canh, thì: “Hoạt động nhân đạo từ thiện không thể chỉ có chữ tâm, lấy tinh thần tự nguyện đương đầu với khó khăn về vật chất. Nó đòi hỏi phải có “Mạnh Thường Quân”, có nhà tài trợ. Nhưng những người như thế ở Vân Canh không nhiều, vì đời sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Mặt khác, một số người chưa thật sự ý thức được tính nhân đạo xã hội, mà còn coi việc làm từ thiện nhân đạo như một sự bố thí”.
Vậy những người làm công tác CTĐ ở Vân Canh đã làm thế nào để gỡ “thế bí” của mình? Ông Phạm Đi, Chủ tịch Hội CTĐ thị trấn Vân Canh, kể về kinh nghiệm của mình: “Muốn giải cái khó này thì trước hết phải tuyên truyền cho hội viên, TNV biết mục đích, ý nghĩa của công tác CTĐ. Sau đó là tuyên truyền trong nhân dân để họ hiểu mục đích của công tác nhân đạo từ thiện. Khi đã hiểu rồi thì họ sẽ vui vẻ đóng góp để giúp đỡ những người khó hơn mình”. Ông Đoàn Bá Phúc, Chủ tịch Hội CTĐ xã Canh Hòa, thì kể cụ thể: “Chúng tôi xác định phải gây quỹ bằng nội lực chứ không trông chờ bên ngoài. Hội viên Hội CTĐ xã đóng góp được 3 triệu, Hội cho 6 hộ vay vốn sản xuất, cuối năm thu hoạch thì trả. Ngoài ra, chúng tôi còn mượn đất dự phòng của xã để trồng 4.600 cây keo, gây quỹ cho Hội”.
Chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của Đội TNV CTĐ Vân Canh, ông Trần Văn Bốn, Đội trưởng, chia sẻ: “Để có nguồn quỹ hoạt động, chúng tôi vận động người thân, bạn bè có điều kiện và kêu gọi họ giúp đỡ. Mặt khác, Đội cũng kết nghĩa với đội TNV CTĐ các địa phương khác để trao đổi kinh nghiệm hoạt động và có điều kiện vận động các nhà hảo tâm trên các địa bàn đó”. Về kế hoạch hoạt động từ nay đến cuối năm, Đội phó Nguyễn Xuân Vịnh cho biết: “Đội sẽ gây quỹ bằng cách vận động mỗi đội viên nuôi 1 con gà tình thương, phát hành thư ngỏ đến các nhà hảo tâm, rồi tổ chức dịch vụ trợ táng, thành lập một điểm sơ cấp cứu tại thị trấn Vân Canh, khảo sát đối tượng dễ bị tổn thương nhất để vận động nhà tài trợ đỡ đầu. Chúng tôi hy vọng sẽ xây dựng được nguồn quỹ ngày càng lớn, để có thể giúp đỡ nhiều người khó khăn hơn”.
Như vậy, biết người, biết mình và vận dụng linh hoạt các phương pháp phù hợp với điều kiện địa phương của mình chính là “chìa khóa” để những TNV CTĐ Vân Canh hóa giải thế bất lợi của mình. Và qua những việc làm của Đội TNV CTĐ Vân Canh, người ta cũng hiểu rằng, chỉ với lòng nhiệt tình thôi thì chưa đủ, mà còn phải có kiến thức, kinh nghiệm, uy tín thì mới làm công tác nhân đạo, từ thiện được.
|