|
Trần Văn Lạc nhận giải Khuyến khích tại Hội thi Tin học trẻ tỉnh Bình Định năm 2009. |
Cách đây 10 năm, có hai người đàn ông đem một bé trai khoảng một tháng tuổi vào gởi tại Trung tâm Y tế huyện An Nhơn rồi bỏ đi mất dạng. Đứa bé mặt mũi khôi ngô sáng láng, nhưng khi cởi bỏ bao tay, bao chân ra, mọi người đều bàng hoàng khi thấy tứ chi của em đều bị cụt...
Trong túi quần áo bỏ lại cùng đứa bé, người ta đã tìm được lá thư viết nguệch ngoạc, với lời lẽ dằn vặt, đau khổ của người mẹ: “Tôi là người làm thuê cuốc mướn lại sống xa quê hương, ngày qua ngày cũng chỉ đủ ăn. Còn cha nó đã bỏ nó và bây giờ không biết ở đâu… Tôi nuôi cháu được đến ngày hôm nay là nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, hàng xóm. Tôi xin đặt tên cho cháu là Trần Văn Lạc”. Sau đó, lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện An Nhơn đã phân công các hộ lý quan tâm chăm sóc đặc biệt và làm thủ tục cho Trần Văn Lạc được chuyển đến nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh (thị trấn Bình Định, huyện An Nhơn).
Ông Nguyễn Thanh Châu, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, kể lại: “Lúc đó, chúng tôi chưa từng tiếp nhận một trường hợp nào có hoàn cảnh bất hạnh như Trần Văn Lạc, nên cán bộ nhân viên của Trung tâm rất thương yêu và quan tâm chăm sóc em. Khi Lạc đủ tuổi, chúng tôi đến đặt vấn đề cho Lạc học ở một trường mẫu giáo dân lập, thì bị cô giáo từ chối. Chúng tôi cố thuyết phục và sau khi tiếp nhận, thấy Lạc luôn nỗ lực học tập và hòa nhập tốt với bạn bè, cô giáo đã dành nhiều tình thương hơn cho em…”.
Gặp Lạc ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, tôi đã rất ấn tượng bởi hình vóc mạnh khỏe và đôi mắt rất sáng, song em lại bị cụt mất bàn tay và gần nửa bàn chân phải, cùng nửa cánh tay và một bàn chân trái. Với một cơ thể khuyết tật nặng như vậy, nhưng nhờ sự động viên, chỉ dẫn tận tình của các cô giáo cùng sự nỗ lực rất lớn của bản thân, Trần Văn Lạc đã luyện tập viết chữ cho bằng được. Lạc dùng cùi tay phải dựa vào khuỷu tay trái để giữ cây viết nằm, rồi lấy phần cụt ngắn ngủn còn lại của tay trái để tì vào đầu bút bi mà viết. Không biết Lạc đã tốn bao nhiêu mồ hôi và công sức rèn luyện để hiện tại chữ viết của em khá đẹp.
Ông Nguyễn Thanh Châu cho biết: “Lạc rất có ý chí vuợt khó để rèn luyện mình ngày càng tiến bộ trong học tập. 4 năm học vừa qua, Lạc luôn giữ vững thành tích học sinh tiên tiến ở Trường Tiểu học số 1 thị trấn Bình Định. Đặc biệt, trong lần đầu tiên tham dự Hội thi Tin học trẻ tỉnh Bình Định năm 2009, Lạc đã đoạt giải Khuyến khích…”.
Trò chuyện với chúng tôi, Lạc không hề thể hiện một sự rụt rè, mặc cảm nào. Về chuyện buồn vui trong cuộc sống, Lạc hồn nhiên: “Em ngày nào cũng thấy vui. Chỉ buồn khi học thi mà không đạt kết quả tốt, hoặc những lúc bị các mẹ ở Trung tâm la vì đến giờ ăn mà còn ham chơi…”. Nhìn Lạc nhún nhún đôi chân hay vẫy vẫy đôi tay trong không khí để hát, múa hồn nhiên, tôi thấy thương Lạc đến rơi nước mắt.
|