Những năm gần đây, các doanh nghiệp, xưởng may gia công mọc lên khá nhiều trên địa bàn tỉnh, thu hút hàng ngàn lao động nữ. Do nhu cầu phát triển của ngành may mặc ngày càng lớn, nên các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này thường xuyên đối mặt với tình trạng thiếu lao động.
|
Các lao động nữ học nghề may tại Trung tâm Dạy nghề- Giới thiệu việc làm Thanh niên. Ảnh: N.P
|
* Thiếu lao động
Đầu năm đến nay, thông qua các trung tâm giới thiệu việc làm trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp may mặc trong và ngoài tỉnh thông báo tuyển dụng với số lượng lớn công nhân may, nhưng không có lao động để đáp ứng.
Theo ông Trần Hữu Hiệu, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm Thanh niên, hiện Trung tâm đang có hàng chục đơn hàng có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn công nhân may cho các doanh nghiệp trong tỉnh và các tỉnh phía Nam, trong khi chỉ tiêu giao đào tạo nghề may của Trung tâm mỗi năm chỉ 250 người. Một số doanh nghiệp may mặc ở các tỉnh phía Nam đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để thu hút lao động, như: mức thu nhập tương đối cao, hỗ trợ tiền nhà trọ, hỗ trợ tiền vé xe vào nơi làm việc... nhưng cũng không tìm được lao động.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Giám đốc Nhà máy May Phù Mỹ, cho biết: “Hiện nay, Nhà máy có tất cả 14 chuyền may, nhưng thực tế chỉ hoạt động có 11 chuyền, với 450 công nhân. Gần đây, lại có nhiều công nhân xin nghỉ việc, chuyển sang làm các ngành nghề khác, nên tình trạng thiếu lao động lại càng căng thẳng hơn. Nhà máy liên tục thông báo tuyển lao động, nhưng số lượng người đến đăng ký cũng rất ít. Thậm chí Nhà máy chấp nhận tuyển lao động phổ thông vào để đào tạo và trong thời gian học nghề, Nhà máy hỗ trợ 2 tháng lương đầu tiên, với mức 600 ngàn đồng/người/tháng, hỗ trợ tiền ăn trưa 5.000 đồng/người/ngày, nếu lao động ở xa hỗ trợ tiền nhà trọ 30.000 đồng/người/tháng, thế mà vẫn không có người để tuyển”.
Trước tình trạng thiếu công nhân, các doanh nghiệp may đã phải hạ bớt những tiêu chuẩn tuyển dụng lao động xuống mức thấp nhất. Hiện nay, những điều kiện về tay nghề, trình độ văn hóa… các doanh nghiệp không quan tâm nữa, mà chỉ yêu cầu có sức khoẻ. Không tuyển được công nhân có tay nghề nên thời gian qua, Công ty cổ phần May Bình Định cũng áp dụng cách tuyển lao động phổ thông vào để đào tạo nghề. Với cách làm này, phần nào Công ty đã bù đắp được số lượng công nhân bị thiếu hụt để ổn định sản xuất.
Ông Trần Hữu Hiệu cho biết, hiện nay, không những thiếu công nhân may có tay nghề mà các cơ sở đào tạo nghề cũng rất khó khăn trong việc tuyển sinh học nghề may, dù việc học nghề hoàn toàn miễn phí, các đối tượng chính sách còn được hỗ trợ tiền học nghề hàng tháng. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng công nhân may ngày càng lớn, lao động không có để cung ứng, nên tình trạng khủng hoảng lao động ngành may mặc sẽ còn kéo dài.
* Thu nhập thấp, lao động không mặn mà
Nguyên nhân khiến người lao động không mặn mà với ngành may là mức thu nhập thấp. Bên cạnh đó, hoạt động của ngành may mặc không ổn định mà luôn chịu ảnh hưởng nhiều từ biến động của thị trường: lúc hàng nhiều thì làm liên tục, lúc không có hàng công nhân phải nghỉ . Thời gian làm việc rất khắt khe, kéo dài, người lao động không có thời gian để chăm lo cho gia đình. Hầu hết các doanh nghiệp may đều trả lương công nhân theo sản phẩm, tức là làm được bao nhiêu ăn bấy nhiêu, nên mức lương trung bình của công nhân may chỉ dao động từ 900 ngàn đến 1,5 triệu đồng/tháng.
Theo ông Bùi Văn Nhạ, Phó phòng Tổ chức-Hành chính kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần May Bình Định, để thu hút lao động vào làm việc trong ngành may, việc đầu tiên cần làm là tăng lương và đổi mới điều kiện làm việc. Để làm được điều này, các doanh nghiệp phải đầu tư trang thiết bị công nghệ, cải tiến phương thức quản lý sao cho lao động đạt năng suất cao nhất và giảm các chi phí trung gian. Trong những năm gần đây, Công ty cổ phần May Bình Định có nhiều cố gắng trong việc cải thiện điều kiện làm việc, thời gian làm việc đã giảm xuống đáng kể, mức thu nhập của người lao động ngày càng được nâng cao, nên tình trạng công nhân bỏ việc đã giảm.
|