Từ miệt Cà Mau, Tiền Giang đến Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng… nơi nào tập trung đông dân cư, nhiều quán xá cũng có dấu chân của dân rong Quảng Ngãi. Mỗi người một bảng hàng, với những món đồ rẻ, gọn, nhẹ; họ rong ruổi khắp ngả đường để mưu sinh. Ở TP Quy Nhơn, “đội quân” đi bộ này dễ hơn trăm người…
|
Một dân rong Quảng Ngãi bán hàng trên đường Phạm Hùng. |
* Rong ruổi mưu sinh
Ở TP Quy Nhơn, trục đường Phạm Hùng - Đô đốc Bảo thực sự là “phố cà phê” với hàng chục quán nằm san sát nhau. Đây cũng là địa điểm tập trung nhiều nhất những người bán hàng rong. Sáng cũng như chiều, chỉ cần ngồi dưới tán cây rợp mát chừng mươi phút, bạn sẽ gặp một người, rồi nhiều người, mang một bảng hàng trước ngực với đầy đủ những món hàng thập cẩm như: móc khóa, kính mắt, bông ráy tai, ví da, bật lửa… mời mua với giọng Quảng đặc chất.
Dân rong Quảng Ngãi trên đất Quy Nhơn đa phần là người Sơn Tịnh, đông nhất là các xã Tịnh Bình, Tịnh Sơn, Tịnh Hà, Tịnh Thọ... Người này đi trước, bán được, về rủ người kia đi cùng, cứ thế lần lượt kéo nhau vào, thành một “tập đoàn” bán rong. Buôn có bạn, bán có phường, họ thường ở tập trung từng tốp hai chục người.
Không ai biết rõ, dân rong Sơn Tịnh khởi nghiệp từ khi nào, chỉ biết rằng, Tịnh Thọ được coi là nơi khởi phát.
Khi được hỏi vì sao chọn mặt hàng này để bán, đa số họ đều cho rằng: “Mấy thứ linh tinh này ít vốn, dễ bán. Chỉ cần sức khỏe, chịu khó, mà hai điều ấy dân nhà nông vốn quen “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” có thừa!”. Hôm nào “trúng” có thể lãi 70 – 90 ngàn đồng, ế ẩm thì cũng được 30 - 40 ngàn đồng. Trừ chi phí ăn ở, mỗi tháng họ gửi về nhà gần 1 triệu đồng.
Những người bán hàng rong thường không thống nhất về mặt giá cả. Cùng một chiếc ví da, có người có thể mua đến 15 ngàn đồng, nhưng người khác, cũng mua một chiếc giống như vậy của cùng một người bán, chỉ mất có… 5 ngàn đồng. Anh Thành, quê ở xã Tịnh Bình, huyện Sơn Tịnh, thừa nhận: “Bán loại hàng này thường giá cả rất thất thường, khi mình hô giá mà khách không mặc cả thì lời nhiều, nhưng khi gặp một người khó tính, kì kèo mãi thì lời rất ít, chỉ từ 1 - 2 ngàn đồng”.
|
Bữa tối đạm bạc của dân rong Quảng Ngãi. |
Do đặc điểm của việc bán hàng rong là phải di chuyển nhiều trên những quãng đường ngắn, nên đa phần họ thường đi “ô tô bước”. Bình quân, mỗi ngày một người bán hàng rong thường phải đi bộ hơn mười cây số. Họ lang thang đến tất cả những nơi có thể đến, từ quán cà phê, quán nhậu, nhà ga, bến xe, bệnh viện… cho đến những khu chợ tấp nập người mua, kẻ bán. Bán hàng rong phải mang trên người cái bảng nặng hơn chục kg, lại đi nhiều, cho nên họ cần phải có một đôi chân dẻo dai. Tưởng việc này chỉ hợp với cánh mày râu, nhưng thực tế ngược lại, dân rong đa phần là những chị em chân yếu tay mềm, với lợi thê kiên trì, biết tằn tiện, tích cóp…
* Còn lo nhiều bề…
Đêm xuống. Tôi tìm đến nhà trọ nằm sâu hun hút trong con hẻm số 596 Trần Hưng Đạo. Một căn phòng rộng chừng 25 m2, nhưng có đến 20 người ở trọ. Cạnh vách, những tấm bảng hàng dựng la liệt. Đó là nơi ở của những người bán hàng rong. Các chị kể, cứ 4 người ngủ trên một tấm chiếu rộng 1,6 m, dài 2 m. Khi nóng quá, có người phải ra nằm ngoài đầu hè.
Giữa phòng, hai người phụ nữ đang dùng bữa tối. Bữa tối của họ là một bịch bún tươi, rổ rau má và chén mắm nêm. “Đĩa cơm rẻ nhất giờ cũng đã 7 ngàn đồng, 1 ngàn đồng tiền rau, 5 ngàn đồng bún, vậy là hai chị em đủ no rồi”- chị Hiếu, 40 tuổi, ở xã Tịnh Bình, Sơn Tịnh, cho biết.
|
Sửa soạn bảng hàng cho ngày hôm sau. |
Không tằn tiện sao được, khi trên vai họ còn oằn nặng nỗi lo cơm áo, học hành cho con cái. Chị Liên, ở thôn Đông, xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, chồng mất hơn 17 năm, một mình nuôi 3 con. Cậu con trai lớn vừa bị tai nạn giao thông gãy tay, chân; hai đứa nhỏ, đứa học cao đẳng, đứa học lớp 11. Nhìn chị gầy gò, xanh xao là vậy, nhưng nắng cũng như mưa, chị vẫn mang bảng hàng rong ruổi đến tận Phú Tài, Diêu Trì… “Trời mưa cũng phải đi bán, kiếm được đồng nào hay đồng ấy, chứ nằm nhà trọ cũng phải mất tiền trọ, tiền ăn…”- chị Liên tâm sự.
Cô Bốn, quê ở xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, một người có thâm niên trong nghề, cho biết: “Đi bán hàng rong nhiều lúc cũng cảm thấy nản lắm, có khi đi hết quán này đến quán kia nhưng chẳng bán được đồng nào cả. Nhưng mưa dầm thấm lâu, kiên nhẫn đi nhiều thì sẽ bán được hàng, có còn hơn không”. Song, đối với nhiều dân rong, buồn nhất là thái độ ứng xử của khách hàng. Nhiều người không mua từ chối nhẹ nhàng, lịch sự; song không ít thanh thiếu niên lớn tiếng: “Biến!”. Trước thái độ ấy, nhiều chị chạnh lòng quay đi…
Những người bán rong thường khởi hành lúc trời chưa kịp sáng, đến tối mịt mới về. Tắm rửa, giặt giũ xong, họ lại đi lấy hàng mới, rồi sắp sửa lại bảng hàng, chuẩn bị cho ngày hôm sau. Hết một ngày, cũng là lúc họ được quây quần bên nhau giữa tình đồng hương, cùng san sẻ cho nhau nỗi lo cơm áo mưu sinh. Đang mùa gặt, nhiều người phải thu xếp về lo việc đồng áng. Rồi đến đám cưới, đám giỗ… bao nhiêu thứ mà người phụ nữ, dẫu xa nhà, vẫn phải lo chu toàn…
|