Năm nay, Hội Khuyến học (KH) sẽ tổ chức Ngày KH Việt Nam (2.10) lần thứ 2 và Tháng 9 KH đầu tiên, với nhiều hoạt động phong phú, sôi nổi. Ông Huỳnh Đăng Khanh, Chủ tịch Hội KH tỉnh, đã trả lời phỏng vấn PV Báo Bình Định về những định hướng và hoạt động cụ thể của Hội nhân các sự kiện này.
|
Công ty TNHH một thành viên Phân bón và Hóa chất dầu khí miền Trung trao 10 suất học bổng cho HS Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Ảnh: Ngọc Quỳnh
|
* Ông có thể nói về ý nghĩa của Tháng 9 KH đầu tiên trong cả nước?
- Từ những điểm nhấn này, về lâu dài, Hội KH các cấp sẽ cùng phối hợp với lãnh đạo Đảng và chính quyền địa phương các cấp và toàn xã hội tạo nên một truyền thống tốt đẹp về việc tổ chức Ngày KH Việt Nam (2.10) và Tháng 9 KH như một sinh hoạt văn hóa thường kỳ, hàng năm trong nhân dân và trong tổ chức Hội.
Việc tổ chức Ngày KH Việt Nam và Tháng 9 KH nhằm nâng cao ý thức của nhân dân đối với việc học tập suốt đời, phát huy mạnh mẽ truyền thống hiếu học của dân tộc, tích cực tham gia vào sự nghiệp xây dựng cả nước thành một xã hội học tập; đồng thời, huy động tối đa các nguồn lực của gia đình và xã hội để cùng thực hiện tốt “Ngày Toàn dân đưa trẻ đến trường”…
* Hội sẽ có những hoạt động cụ thể gì trong Tháng 9 KH, thưa ông?
- Các hoạt động của Tháng 9 KH sẽ được triển khai trong 3 tháng (trước tháng 9, trong tháng 9 và sau tháng 9). Đối với gia đình, trước tháng 9, cần động viên con, cháu chuẩn bị tâm thế bước vào năm học mới, nhất là đối với học sinh (HS) có học lực yếu, kém; tiết kiệm chi tiêu để lập quỹ KH gia đình và dùng số tiền dành dụm được để mua sách vở, dụng cụ học tập cho con, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về vật chất và tinh thần cho con, cháu; có biện pháp cụ thể động viên con, cháu đến trường trong ngày khai giảng và đi học chuyên cần.
Đối với Hội KH cơ sở, cần tập trung vào việc tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về mục đích, ý nghĩa của việc tổ chức mô hình Tháng 9 KH, nhất là tập trung vào các hoạt động nhằm vận động tối đa HS ra các lớp đầu cấp (lớp 1, lớp 6, lớp 10), không để HS bỏ học sau hè; phối hợp với nhà trường chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho HS bước vào năm học mới. Sau ngày 5.9, tiếp tục phối hợp với nhà trường rà soát, đối chiếu số HS đến lớp với số trẻ trong độ tuổi trên địa bàn để xác định đúng đối tượng HS chưa đến lớp, tìm nguyên nhân và có cách giúp đỡ ngay. Đồng thời, tổ chức hội thảo, tọa đàm về truyền thống hiếu học của quê hương; các chủ trương KH, khuyến tài của Đảng và Nhà nước…
Các cơ quan, đoàn thể tổ chức biểu dương, khen thưởng con em trong đơn vị với những hình thức phù hợp như trao học bổng KH, khuyến tài; cùng với ngành GD-ĐT tham gia tổ chức thật tốt lễ khai giảng năm học mới như ngày hội lớn đưa trẻ đến trường. Hội cũng đã chủ trương mỗi huyện chọn một xã, thị trấn làm điểm để rút kinh nghiệm ngay sau ngày 15.10 này...
* Các hoạt động KH, khuyến tài đã khá sôi nổi, rầm rộ trong dịp khai giảng năm học mới 2009-2010 vừa qua. Nhân Ngày KH Việt Nam, ông có nhắn gởi gì đến những người đang quan tâm đến sự nghiệp KH và toàn xã hội?
- Tôi mong sao mỗi người đều nhận thức được quyền và trách nhiệm của mình trong việc học tập. Ngày trước, việc học có hai “trụ cột” là học để biết và học để làm. Còn ngày nay, trong thời buổi hội nhập với thế giới, việc học đã có bốn “trụ cột”: học để biết, học để làm việc, học để chung sống và học để làm người. Không học sẽ không hòa nhập được với thế giới, không tiếp cận được với những kiến thức khoa học đang phát triển hàng ngày, hàng giờ… Tôi mong muốn những người có điều kiện giúp người chưa đủ điều kiện đi học và học tập suốt đời để xây dựng xã hội học tập.
Đồng thời, tôi cũng mong các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân… quan tâm nhiều hơn nữa đến KH, khuyến tài, các đối tượng HS nghèo thông qua Hội KH các cấp hoặc các tổ chức khác, sao cho HS giỏi được khuyến khích học tập, HS nghèo có cơ hội được đến trường… Muốn vậy, phải tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các gương học tập; gương tạo điều kiện ủng hộ, hỗ trợ cho người khác học tập…
Muốn làm tốt công tác KH, Hội phải có sự phối hợp với các tổ chức đoàn thể như Hội Phụ nữ, Thanh niên, Nông dân, Cựu chiến binh… để vận động và tạo điều kiện cho tất cả mọi người được đi học. Phải có biện pháp cụ thể hỗ trợ, tạo điều kiện cho HS nghèo học tập như mở nhiều lớp học ở các địa bàn; mở rộng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng để tuyên truyền, hướng dẫn người dân nắm được những kiến thức cần thiết phục vụ cuộc sống…
* Cảm ơn ông!
|