Sau khi các trường THPT: Trần Cao Vân, Chu Văn An (TP Quy Nhơn) phải tạm đóng cửa, đến chiều qua (ngày 15.9), lại có thêm 3 trường học trên địa bàn TP Quy Nhơn phải cho học sinh nghỉ học vì cúm A/H1N1 là các trường: THPT Trưng Vương, THPT Nguyễn Thái Học và THCS Lê Lợi. Số học sinh nhập viện theo dõi và cách ly điều trị tại các bệnh viện tiếp tục tăng nhanh.
|
Đến ngày 15.9, đã có nhiều học sinh ở các trường trên địa bàn TP Quy Nhơn nhập viện vì cúm A/H1N1.
|
* Nhiều trường có học sinh nhiễm cúm
Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh, những trường hợp học sinh, sinh viên nhiễm cúm A/H1N1 này đều tập trung ở các trường học trên địa bàn TP Quy Nhơn.
Ngày 14.9, 2 chùm ca bệnh xuất hiện ở Trường THPT Trần Cao Vân và THPT Chu Văn An. Ông Mai Thành Đông, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Cao Vân, cho biết: Vào lúc 13 giờ kém 15 phút, khi vào tiết học đầu tiên của buổi học chiều 14.9, một số học sinh ở lớp 11 A12 có triệu chứng sốt, ho và được báo cáo lên Ban giám thị nhà trường. Qua khám ban đầu, nhân viên y tế của Trường nghi ngờ các em bị nhiễm cúm A/H1N1. Nhà trường đã thông báo tình hình với lực lượng Y tế dự phòng của tỉnh và TP Quy Nhơn. Ngay lập tức, 7 học sinh của lớp này được đưa vào khu điều trị cách ly của Bệnh viện Đa khoa tỉnh theo đề nghị của ngành Y tế.
Tiếp đó, nhà trường đã lấy danh sách, khoanh vùng học sinh bị nghi nhiễm cúm và lên sơ đồ lớp. Giáo viên chủ nhiệm của lớp cũng có dấu hiệu sốt, đau đầu; nhưng kết quả khám cho thấy, chỉ là sốt cảm nắng thông thường, nên được cho về và tiếp tục theo dõi bệnh tại nhà. Sau khi tạm đóng cửa Trường, chiều 14.9, ngành Y tế đã tiến hành phun hóa chất xử lý vệ sinh toàn trường.
Như vậy, đến thời điểm này, sau Trường THCS Trần Hưng Đạo và Trường Tiểu học Lê Lợi, nhiều trường học khác trên địa bàn TP Quy Nhơn đã xuất hiện chùm ca bệnh. Trường Đại học Quang Trung cũng đã ghi nhận có sinh viên nhiễm cúm A/H1N1. Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Oanh, Phó Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: Đến tối 14.9, Khoa đã có 7 trường hợp dương tính và 45 ca nghi nhiễm cúm A/H1N1, chủ yếu là học sinh. Các em nhập viện trong tình trạng nhẹ với các triệu chứng: sốt nhẹ, ho, đau rát họng nhưng vẫn đi lại, hoạt động bình thường. Hiện Khoa Bệnh nhiệt đới đã rơi vào quá tải, dù trước đó, Khoa đã di tản toàn bộ bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm về các khoa điều trị khác.
Vậy là chỉ sau một tháng xuất hiện ca bệnh, đã diễn ra tình trạng lây lan dịch bệnh cúm A/H1N1 ở nơi tập trung đông người như trường học đúng như sự lo ngại của các nhà chuyên môn và cơ quan quản lý. Phân tích theo dịch tễ, đến thời điểm này, dịch cúm A/H1N1 xuất hiện chủ yếu ở lứa tuổi trẻ, khác hẳn với cúm mùa tập trung chủ yếu ở người già. Mặt khác, học sinh đi học, ngồi chung lớp, khoảng cách rất gần, nên chỉ cần một học sinh bị mắc bệnh thì lập tức sẽ lây lan nhanh.
Trước tình hình này, Sở Y tế đã “tung” lực lượng nhân viên y tế ở các trạm y tế phường xã và Đội Y tế dự phòng TP Quy Nhơn, phối hợp cùng các trường, thực hiện việc giám sát chặt chẽ tình trạng sức khỏe của học sinh để có báo cáo kịp thời cho cơ quan y tế. Ngoài ra, tùy theo từng thời điểm, ngành Y tế sẽ tiếp tục có sự điều phối lực lượng. Đây được xem sự thay đổi giải pháp chiến lược trong phòng chống đại dịch cúm A/H1N1, trong tình thế lực lượng y tế dự phòng và y tế học đường mỏng.
|
Sau Trường THPT Trần Cao Vân và Chu Văn An, đến chiều 15.9, đã có thêm 3 trường nữa có bảng thông báo cho học sinh tạm nghỉ học vì dịch cúm A/H1N1.
|
* Sẽ phải học bù
Để tránh ảnh hưởng đến chương trình học của học sinh, khi dịch cúm A/H1N1 xảy ra ở Bình Định, ngành GD-ĐT đã chỉ đạo các trường chuẩn bị sẵn sàng phương án dạy và học. Theo đó, mỗi trường đều có phương án học bù riêng.
Ông Mai Thành Đông cho biết: “Trong trường hợp có thông báo nghỉ đột xuất như thế này, nhà trường đã chuẩn bị kế hoạch cho học sinh học bù sau khi học sinh đi học trở lại. Cũng may, trước thông tin dịch cúm A/H1N1 hồi đầu mùa dịch, Trường cũng đã chủ động lên phương án, nên giờ không lúng túng, cứ thế mà triển khai”.
Giải pháp dạy bù được các trường lựa chọn ở thời điểm này là tăng giờ học trong quỹ thời gian của chương trình học, sắp xếp lịch học vào thứ Bảy và Chủ nhật. Tuy nhiên, lãnh đạo các trường cũng lo ngại, nếu tình hình dịch vẫn tiếp tục diễn tiến phức tạp, thì sẽ ảnh hưởng đến việc dạy và học.
ĐIỀU TRỊ CÁCH LY BỆNH NHÂN CÚM A/H1N1:
Quá khó !
Bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 đi lại ngoài phòng bệnh điều trị, thậm chí… về nhà, đi công viên chơi… Trong khi đó, do quá tải lượng bệnh nhân và công việc, nên việc quản lý bệnh nhân đã trở nên quá khó đối với nhân viên y tế…
|
Hiện nay, việc cách ly bệnh nhân nghi nhiễm và nhiễm cúm A/H1N1 là vấn đề khó khăn với các cơ sở y tế. Ảnh: Thu Hiền
|
* Lo “sốt vó” vì học sinh vô tư
Đó là tình trạng rất đáng lo ngại tại khu điều trị cách ly bệnh nhân nghi ngờ và nhiễm cúm A/H1N1 của Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Bệnh nhân hầu hết là học sinh, phần do hiếu động, phần do chưa thật sự ý thức hết sự nguy hiểm của dịch cúm A/H1N1, nên các em khá vô tư và hồn nhiên trước khuyến cáo của nhân viên y tế.
Theo ghi nhận của chúng tôi tại khu điều trị cách ly của Bệnh viện vào sáng qua (15.9), các phòng bệnh ở khu truyền nhiễm 1 được dành cho bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1. Với các trường hợp này, mỗi bệnh nhân nằm một giường. Còn lại là dành cho bệnh nhân nghi nhiễm. Và tùy theo tình hình số lượng bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 nhiều hay ít, mà sẽ có sự co giãn cần thiết. Khoa Bệnh nhiệt đới cũng bố trí phòng bệnh riêng dành cho nam và nữ. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, số bệnh nhân là học sinh thường không tuân thủ quy định này.
Nhiều học sinh ở khu truyền nhiễm 1 dồn lên khu truyền nhiễm 2 và ngược lại. Một số học sinh nữ ở Trường THPT Nguyễn Thái Học, được nhập viện hôm 12.9, đang đánh bài, cho biết: “Ban đầu mới vào, tụi em ở dưới tầng trệt, không có bạn cùng lớp nên buồn lắm. Ở một, hai ngày, không những chỉ có bạn cùng lớp, cùng trường mà tụi em còn kết thêm nhiều bạn ở các trường khác nữa, nên giờ không thấy buồn nữa”.
Ở phòng bên cạnh, một nhóm học sinh gồm cả nam và nữ cũng tụ tập với nhau để đánh bài và nói chuyện rôm rả. Có em còn không đeo khẩu trang. Khi thấy chúng tôi vào chụp hình, các em đã “trốn” nhưng rồi đâu lại hoàn đấy. Một số học sinh đi lại ngoài hành lang Bệnh viện. Trong khi đó, theo phản ánh, một số học sinh nhiễm cúm A/H1N1 vẫn vô tư về nhà, hay đi chơi ngoài cộng đồng.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Oanh, Phó Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: “Khi bệnh nhân vào Bệnh viện, nhân viên y tế có trách nhiệm nhắc nhở và tuyên truyền bệnh nhân tuân thủ quy định cách ly điều trị. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng ý thức hết được tốc độ lây lan của dịch cúm A/H1N1, nhất là các em học sinh. Các em thích chạy ra ngoài chứ không bao giờ chịu ở yên trong phòng bệnh. Bệnh nhân thì đông, nhân viên y tế ít, khu cách ly lại nằm chung trong Bệnh viện, nên rất khó quản lý được các em”.
Ông Lê Quang Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế, nhấn mạnh: “Đúng là hiện nay, việc cách ly để điều trị bệnh nhân ở cơ sở y tế là một trong những khó khăn với công tác phòng, chống dịch cúm A/H1N1. Nếu không tuân thủ quy trình cách ly thì chính những bệnh nhân này sẽ là nguồn lây lan nhanh dịch bệnh trong cộng đồng. Đó là chưa kể việc tỉnh ta đã có chùm ca bệnh ở các trường học, nên nhiều trường hợp, tuy không có dấu hiệu rõ nét của bệnh, nhưng cũng là nguồn lây bệnh. Thực sự mà nói, hiện nay, việc xác định nguồn lây của dịch rất khó, bởi số bệnh nhân nghi nhiễm và nhiễm cúm A/H1N1 được điều trị trong thời gian qua chỉ là phần nổi của tảng băng chìm”.
* Thông báo về địa phương nếu bệnh nhân... trốn viện
Đó là chỉ đạo của lãnh đạo Sở Y tế đối với các cơ sở y tế trong tỉnh tại cuộc họp khẩn vào tối 14.9, trước tình hình cúm A/H1N1 diễn biến phức tạp.
Theo đó, với những trường hợp nhập viện vì nghi nhiễm hay nhiễm cúm A/H1N1, sau khi phối hợp triển khai nhiều biện pháp, như: phổ biến quy chế, hạn chế tối đa người nhà vào thăm nuôi không cần thiết, nhưng bệnh nhân vẫn không chấp hành nội quy điều trị, trốn viện, thì cơ sở y tế sẽ báo với chính quyền địa phương để thực hiện việc vận động, quản lý.
Song bác sĩ Nguyễn Thị Thu Oanh lại lo rằng: “Với lượng bệnh nhân vào viện đông như hiện nay, nếu các em “né” thời gian thăm khám thì nhân viên y tế cũng không thể biết được em nào về nhà, em nào không về, để báo với chính quyền địa phương”.
Hiện ngành y tế cũng đã chủ động sẵn sàng phương án thành lập bệnh viện dã chiến để cách ly điều trị cho bệnh nhân. Trong điều kiện cơ sở vật chất ở các bệnh viện chưa đảm bảo cho một khu cách ly an toàn, thì việc phối hợp của cả cộng đồng trong việc tuân thủ quy trình cách ly của ngành y tế là cần thiết, chứ không nên chỉ phó thác cho nhân viên y tế. Đặc biệt, ý thức phòng bệnh của các bậc phụ huynh cũng là một tác nhân quan trọng để giáo dục con em mình.
| |