Năm học mới đã bắt đầu được nửa tháng, nhưng với những phụ huynh học sinh (HS) mà cả hai vợ chồng đều đi làm, lại không nhờ được ông bà trông con, trong khi nhiều trường tiểu học không có bán trú, thì xem ra, việc gởi con buổi còn lại ở đâu vẫn còn quá căng thẳng…
|
Năm nay, nhiều trường tiểu học ở TP Quy Nhơn không tổ chức được “bán trú” cho HS ở lớp 1, đã gây căng thẳng cho nhiều phụ huynh. Ảnh: N.Q
|
* Gởi con bán trú: “tít mù rồi lại vòng quanh”
Trưa ngày 14.9, có mặt tại Trường Tiểu học Lê Lợi (Quy Nhơn), chúng tôi đã ghi nhận được khá nhiều ý kiến của các phụ huynh HS khi nghe tin trường này năm nay không mở đủ bán trú cho tất cả HS các khối như mọi năm. Anh Việt, có con đang học lớp 2, cho biết: “Ngày hôm qua đi họp phụ huynh, nghe trường thông báo năm nay có bán trú cho 2 khối lớp hai và ba mà tôi nhẹ cả người, dù nghe đâu đến đầu tháng 10 mới triển khai. Nếu không có bán trú, chúng tôi chẳng biết làm thế nào…”.
“Không biết hoặc chưa biết làm thế nào…” là tâm trạng của khá đông phụ huynh HS có con học lớp một, lớp bốn và lớp năm tại trường này hiện nay khi biết rằng năm nay, con mình không được học bán trú như mọi năm. Chị P.T.V.V, có con học lớp một, bức xúc: “Từ hôm khai giảng đến giờ, ngày nào tôi cũng phải “bớt” giờ cơ quan để về đón con sớm”. Còn nhiều phụ huynh khác lại cho biết từ hôm khai giảng đến nay, vì Trường chưa có bán trú, nên họ cứ một hôm gởi con nhà nội, hôm sau nhà dì, mốt lại ở nhà cô, rồi cứ thế xoay tua…
Nhu cầu học bán trú ngày càng tăng trong khi điều kiện cơ sở vật chất có hạn nên nhiều trường tiểu học ở Quy Nhơn đã không mở được bán trú cho HS. Trước tình hình khan hiếm bán trú như vậy, nên ngay từ đầu hè, không ít phụ huynh đã phải chạy đôn chạy đáo xin chuyển con vào các trường có bán trú. Chị họ tôi, có hộ khẩu ở phường Trần Phú, nhưng đã xin chuyển hộ khẩu của con sang phường Ngô Mây, với hy vọng con được học bán trú. Nhưng năm nay Trường Tiểu học Ngô Mây lại không mở bán trú cho HS lớp 1, trong khi, Trường Tiểu học Trần Phú lại có bán trú. Đến nước này, chị chỉ biết… giẫm chân kêu trời…
* Dịch vụ giữ học sinh tại nhà
Chị M.H, ở đường Trần Thị Kỷ, nguyên là bảo mẫu của Trường Tiểu học Ngô Mây. Những năm trước đây, thấy chị nhanh nhẹn, tận tâm với HS, một số phụ huynh làm ăn buôn bán phải đi sớm về khuya đã nhờ chị giữ hộ con tại nhà từ sau 17 giờ, khi các cháu đã kết thúc ngày học tại trường. Năm nay, ngay từ khi Trường Tiểu học Ngô Mây thông báo không mở bán trú cho khối lớp 1, nhiều phụ huynh đã quáng quàng lên tìm chị M.H, xin được gởi con buổi chiều. Nhu cầu quá lớn trong khi nhà thì chật, chị M.H chỉ dám nhận giữ khoảng 10 HS và xin nghỉ làm bảo mẫu ở trường để tập trung chăm lo cho các cháu. Chị M.H cũng đã hợp đồng xe lam đón HS từ trường về nhà mình và bắt đầu “giữ trẻ” từ 10 giờ 30 phút cho đến 17-18 giờ. Trong khoảng thời gian này, chị tổ chức cho HS ăn một bữa trưa, một bữa xế. Buổi chiều ngủ dậy, chị chỉ nhắc nhở các cháu đem bài vở buổi sáng cô giáo cho ở trường ra ôn lại (vì không có nghiệp vụ sư phạm), quản lý các cháu chơi, nô đùa… Công việc này cũng khá vất vả vì HS nhỏ tuổi luôn hiếu động.
Chị M.H cho biết: “Mỗi tháng, phụ huynh HS gởi tôi 400 ngàn đồng/HS. Tiền ăn, tiền xe lam đưa đón… đã chiếm phần lớn. Với tôi, việc giữ trẻ cũng chỉ “lấy công làm lời”, nhưng công việc này đối với tôi đã quá quen thuộc, thiếu vắng trẻ tôi cứ thấy thiêu thiếu một cái gì đó…”.
Mấy năm nay, anh Nguyễn Minh Châu, một người khuyết tật, ở đối diện với Trường Tiểu học Lê Lợi, cũng nhận giữ HS kiểu như vậy. Trưa, các cháu về nhà anh ăn, ngủ; rồi chiều vào lớp học tiếp. Có em ở nhà anh đến tối mới về. “Gởi con chỗ tôi đa phần là các gia đình nghèo, không đủ tiền gởi con bán trú ở trường. Năm ngoái, một bữa ăn tôi tính chỉ 4 ngàn đồng, năm nay, giá có thể lên chút đỉnh vì cái gì cũng tăng cả”- anh Châu cho biết.
Vừa hay tin Trường Tiểu học Lê Lợi không có bán trú cho HS lớp một, bốn và năm, một số gia đình ở phía sau hông của Trường (ở đường Trần Bình Trọng) đã nhận gởi trẻ ở bán trú. Chị chủ nhà sách Thu Hương cho biết, gia đình chị đang nhận giữ 2 HS lớp một và 1 HS lớp bốn, hầu hết nhà các em đều ở xa. Gia đình chị cho các cháu ăn bữa trưa, bữa xế và nhắc nhở các cháu học bài, một tháng thu 300 ngàn đồng/HS.
Trước tình hình gởi con bán trú khó khăn, nhiều phụ huynh HS còn nhờ chính giáo viên dạy con ở trường buổi sáng tiếp tục chăm lo cho con luôn buổi chiều. Con học ở trường, trưa về nhà cô ăn, ngủ, học bài, chiều tối cha mẹ đến đón về. Giải pháp này xem ra “tiện cả đôi đường”, vì cô giáo thì có thể vừa dạy thêm, vừa quản lý. Tuy nhiên, không phải giáo viên nào cũng muốn làm “bảo mẫu”, nên việc gởi con nhà cô chưa thể đáp ứng hết nhu cầu của các phụ huynh.
Vậy là chuyện gởi con “bán trú” vẫn là nỗi bức xúc thường trực của phụ huynh, cho dù bằng cách này hay cách khác, họ cũng đã và đang lo cho con mình được “tạm ổn”.
|