HẠN CHẾ ĐẾN MỨC THẤP NHẤT DỊCH CÚM A/H1N1 LÂY LAN:
Nhiệm vụ chính của toàn hệ thống chính trị
7:45', 18/9/ 2009 (GMT+7)

Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hữu Lộc tại cuộc họp khẩn bàn phương án cấp bách phòng chống dịch cúm A/H1N1, do UBND tỉnh tổ chức vào 16 giờ chiều qua (ngày 17.9).

 

Chiều 17.9, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp khẩn bàn biện pháp phòng chống dịch cúm A/H1N1.

 

* Đã thành lập 2 bệnh viện dã chiến

Báo cáo nhanh của lãnh đạo Sở Y tế cho biết, đến thời điểm này, đã có 2 bệnh viện dã chiến cấp 1 được thành lập tại Trường Quân sự Quân đoàn 3 (huyện Phù Cát) và Trường THPT Quang Trung (huyện Tây Sơn). Đến nay, ổ dịch cúm tại Trường Quân sự Quân đoàn 3 đã có 248 ca nghi ngờ được cách ly điều trị và 9 ca được xác định nhiễm cúm A/H1N1. Trong khi đó, đến chiều 17.9, Trường THPT Quang Trung cũng đã trở thành bệnh viện cấp 1 với 108 học sinh có các biểu hiện nghi ngờ cúm A/H1N1. Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) khu vực Phú Phong đã cử bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên phục vụ và bảo vệ trực; đồng thời, lấy mẫu xét nghiệm 7 trường hợp.

Trong khi đó, số ca nghi nhiễm cúm A/H1N1 vẫn tiếp tục tăng ở các bệnh viện, tập trung chủ yếu ở học sinh. Bác sĩ Trương Quang Đạt, Giám đốc BVĐK khu vực Phú Phong, cho biết: Đến chiều 17.9, Bệnh viện tiếp tục điều trị cách ly 76 trường hợp học sinh nghi nhiễm, nâng số ca nghi nhiễm và dương tính tại đây lên đến 156 ca chỉ sau vài ngày xuất hiện dịch.

Còn ở TP Quy Nhơn, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, đến sáng 17.9, đã có thêm học sinh ở nhiều trường nghi nhiễm cúm A/H1N1. Cụ thể: Trường THCS Ghềnh Ráng 10 ca, THCS Nguyễn Huệ 10 ca, THCS Bùi Thị Xuân 1 ca… Như vậy, đến thời điểm này, TP Quy Nhơn đã có 14 trường có học sinh nghi nhiễm với 203 trường hợp. Ngoài 5 trường: Chu Văn An, Trần Cao Vân, Nguyễn Thái Học, Trưng Vương, Lê Lợi, hôm qua (17.9), UBND TP Quy Nhơn đã quyết định đóng cửa thêm 2 trường: THCS Ngô Văn Sở và THCS Nhơn Bình.

Hiện tại, khoa Bệnh nhiệt đới, BVĐK tỉnh, cũng đang điều trị cách ly 86 trường hợp nghi nhiễm, 15 ca dương tính, trong đó: THPT Chu Văn An 24 ca (5 dương tính), THPT Trưng Vương 10 ca (2 dương tính), THPT Trần Cao Vân 10 ca (4 dương tính), THPT Nguyễn Thái Học 12 ca (3 dương tính), THCS Lê Lợi 10 ca, THCS Ngô Văn Sở 12 ca, THCS Đống Đa 2 ca (1 dương tính), Đại học Quy Nhơn 4 ca, Tiểu học Ngô Mây 1 ca và Công an huyện An Nhơn 1 ca.

Hiện nay, công tác điều trị, xử lý môi trường bằng hóa chất Cloramin B đang được ngành Y tế triển khai tích cực tại các điểm trường có học sinh nghi ngờ và nhiễm cúm A/H1N1. Tuy nhiên, đại diện ngành Y tế cũng nhận định: trong thời gian tới, dịch sẽ còn tiếp tục lây lan mạnh bởi thời tiết mùa Đông mới là đỉnh điểm của dịch.

* Nhiều khó khăn trong chống dịch

Chỉ sau 1 tháng xuất hiện chùm ca bệnh cúm A/H1N1 ở Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP Quy Nhơn), đến nay, dịch đã lây lan nhanh ở nhiều trường học ở TP Quy Nhơn và huyện Tây Sơn. Trước tình hình này, ông Nguyễn Văn Cang, Giám đốc Sở Y tế, cho rằng: ngành GD-ĐT ở các địa phương phải có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế. Với những trường hợp học sinh có các triệu chứng nghi nhiễm cúm A/H1N1, các trường phải cho nghỉ học, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự lây lan dịch. Riêng những trường có nhiều ca nghi nhiễm thì mới thành lập bệnh viện dã chiến cấp 1.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hữu Lộc: Không để thiếu nhân lực, thuốc men phục vụ công tác điều trị

Tại cuộc họp chiều 17.9, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hữu Lộc yêu cầu ngành Y tế đảm bảo việc cách ly, điều trị, không để thiếu nhân lực, thuốc men, trang thiết bị phục vụ công tác điều trị. Các địa phương phải chủ động các khâu hậu cần để chống dịch.

Về vấn đề kinh phí, đồng chí Lê Hữu Lộc yêu cầu các địa phương và Sở Tài chính xuất kinh phí dự phòng hàng năm của địa phương, nhất quyết không được để thiếu kinh phí trong phòng chống dịch.

Ông Trần Văn Quí, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết: Thời gian qua Sở đã chỉ đạo các phòng GD-ĐT và các trường tăng cường công tác tuyên truyền, giám sát kịp thời báo cáo các trường hợp học sinh nghi nhiễm để cơ quan y tế có phương án đối phó. Bắt đầu từ hôm nay (18.9), tất cả học sinh và giáo viên phải mang khẩu trang đi học. “Sở đã chỉ đạo các trường không được giấu dịch, chậm trễ thông báo tình hình và coi đây là một trong những tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các trường và bản thân từng giáo viên” - ông Quí nhấn mạnh thêm.

Đối với phương án thành lập bệnh viện dã chiến, ông Quí băn khoăn vấn đề hậu cần (tắm rửa, nấu ăn, vệ sinh…) của các trường hiện không đảm bảo. Khó khăn này được ông Đỗ Văn Lợt, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, chia sẻ qua thực tế của bệnh viện dã chiến Trường THPT Quang Trung: “Dù đã lấy phòng học của Trường, bổ sung giường xếp; quần áo, mùng màn thì gia đình học sinh tự đưa đến nhưng vẫn rất hạn chế. Trong khi đó, lực lượng y tế cũng thiếu thốn lại phải “căng sức” chia cho bệnh viện”.

Còn bà Phạm Thị Oanh, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh, lại lo ngại tình trạng điều trị cách ly do quá tải tại khoa Bệnh nhiệt đới của Bệnh viện. Hiện nay, Bệnh viện đã bố trí một lượng lớn giường xếp và tận dụng tất cả các phòng trống để bố trí bệnh nhân và đang tiến hành xây dựng quy trình để siết chặt hơn khâu cách ly.

 

Đến chiều 17.9, số ca nghi nhiễm cúm A/H1N1 tiếp tục tăng.

 

* Huy động toàn hệ thống chính trị cùng vào cuộc

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại cuộc họp chiều qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hữu Lộc nhấn mạnh: tốc độ lây lan của dịch cúm A/H1N1 hiện đang rất nhanh, đặc biệt ở TP Quy Nhơn và huyện Tây Sơn. Vì vậy, nhiệm vụ chính hiện nay của các cấp chính quyền, ban, ngành, hội, đoàn thể là phải bằng mọi cách hạn chế đến mức thấp nhất dịch cúm A/H1N1 lây lan. Khi xảy ra dịch thì phải chủ động cách ly, điều trị kịp thời. Phương châm chống dịch lúc này là không hoang mang, lo lắng, nhưng cũng không được chủ quan, lơ là và bị động, lúng túng.

Để thực hiện được những việc trên, đồng chí Lê Hữu Lộc yêu cầu các địa phương, ban ngành phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để mỗi người dân có ý thức tự phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng. Đối với những địa điểm tập trung đông người như trường học, công ty, xí nghiệp, nhà ga, bến xe… phải chú ý công tác giám sát và phát hiện ca bệnh kịp thời. Đặc biệt, kinh nghiệm vừa qua cho thấy, nhiều trường hợp nghi nhiễm vào viện lại có kết quả âm tính. Vì thế, các cơ sở phải tăng cường hơn nữa việc sàng lọc bệnh, tránh quá tải cho các cơ sở y tế. Những nơi có nhiều bệnh nhân phải thành lập bệnh viện dã chiến, chỉ cần điện báo đề xuất cho lãnh đạo UBND tỉnh trước khi có văn bản chính thức.

  • Thu Hiền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Xuất hiện chùm ca bệnh nghi cúm A/H1N1 ở Tây Sơn  (17/09/2009)
WB sẽ tài trợ 700 suất học bổng  (17/09/2009)
Kịp thời cứu 13 ngư dân gặp nạn trên biển  (17/09/2009)
Đồng chí Xa-mản Vi-nha-kệt thăm Trường Đại học Quy Nhơn và huyện Hoài Ân  (17/09/2009)
Căng thẳng gởi con “bán trú”  (16/09/2009)
Một sinh viên đạt 945/990 điểm  (16/09/2009)
Công bố kết quả xét tuyển nguyện vọng 2  (16/09/2009)
Đồng chí Xa-mản Vi-nha-kệt, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, thăm và làm việc tại tỉnh ta  (16/09/2009)
Dịch cúm A/H1N1 lây lan trong trường học  (16/09/2009)
Trao 860 triệu đồng học bổng cho học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn  (15/09/2009)
Người có điều kiện hãy giúp người chưa đủ điều kiện được học  (15/09/2009)
Tạm đóng cửa 2 trường học do cúm A/H1N1  (15/09/2009)
Hỗ trợ 20 trang tin điện tử cho các trường học  (14/09/2009)
Nhiều quy định về BHYT sẽ được thay đổi  (14/09/2009)
“Đội quân” đi bộ   (13/09/2009)