CHẤM DỨT “ĐỌC- CHÉP”:
Dễ hay khó?
9:5', 22/9/ 2009 (GMT+7)

Năm học 2009-2010, Bộ GD-ĐT tuyên bố: “Trong vòng 2 năm, bắt đầu từ năm học 2009-2010, chấm dứt việc dạy học chủ yếu qua “đọc- chép” ở THCS và THPT”. Tuy nhiên, thực tế đã trả lời: không hề đơn giản…

 

Muốn chấm dứt “đọc-chép” phải có sự cải cách đồng bộ từ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị... đến cách ra đề kiểm tra, đánh giá. - Trong ảnh: Giáo viên và học sinh Trường THCS Canh Vinh (Vân Canh). Ảnh: N.Q

 

* Hiểu thế nào là “đọc- chép”?

Lâu nay, trong các trường phổ thông, lối dạy phổ biến vẫn là giáo viên (GV) giảng bài rồi đọc cho học sinh (HS) ghi chép lại những nội dung kiến thức chính trong bài giảng.

Tùy theo năng lực của từng GV mà việc “đọc- chép” trở nên khô khan hay sinh động. GV giỏi, tâm huyết với nghề, có phương pháp tốt, thì cố gắng phân tích, minh họa, giảng giải sao cho những kiến thức trọng tâm ấy trở nên dễ hiểu, dễ nhớ. GV chuyên môn kém, lười suy nghĩ, sợ giảng sai, thì bê nguyên xi giáo án mà “đọc- chép”, sự giảng giải không nhiều làm cho HS ít hiểu bài. Trên cơ sở những ý chính ghi được, HS về nhà ôn lại bài, cố gắng khắc sâu kiến thức đã được học. N.T.Thảo, một HS Trường THPT Quốc học Quy Nhơn, cho biết: “Cho dù thầy cô giảng bài rất hay, nhưng nếu không ghi chép vào vở, tôi không thể nào nhớ được bài, mà như vậy, khi kiểm tra hay thi, việc làm bài sẽ không tốt…”.

Theo các chuyên gia giáo dục, trên thực tế, trí nhớ của con người là có hạn. Việc ghi chép trên lớp sẽ giúp HS khắc phục được những giới hạn của trí nhớ. Bên cạnh đó, việc chủ động ghi chép những điểm trọng tâm của bài giảng sẽ giúp HS tập trung tốt hơn, tăng cường hiệu quả của việc nghe, từ đó giúp các em nắm bắt và vận dụng kiến thức dễ dàng hơn. Hơn nữa, có ghi chép và nắm bắt được trọng tâm của bài giảng, người học mới có thể tham gia thảo luận, trao đổi với HS khác hay với cả GV của mình.

Thầy Trương Hoài Phương, GV Lịch sử, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn cho biết: “Dạy môn Lịch sử, nếu GV chỉ “đọc- chép” cho HS những sự kiện, những con số về thời gian thì giờ học sẽ trở nên nhàm chán vô cùng. Trên cơ sở cung cấp cho HS những kiến thức cơ bản nhất, tôi đã giúp các em hiểu về nội dung sự kiện, làm cho sự kiện “sống lại” bằng những kiến thức, tài liệu, hình ảnh và phương pháp mà mình chắt lọc được qua nhiều năm giảng dạy”.

Như vậy, xóa bỏ “đọc- chép”, có thể được hiểu rằng, đó chính là quá trình đổi mới phương pháp dạy học. Mỗi GV, bằng tài năng sư phạm và tâm huyết của mình, tổ chức quá trình “tiếp thu tri thức” sao cho HS hiểu được kiến thức và biết vận dụng kiến thức một cách hiệu quả nhất.

* Chấm dứt “đọc - chép”: không đơn giản

Hiện nay, chủ trương đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính chủ động, tích cực của HS được “phát” khá mạnh trong các trường học. Tuy nhiên, nhiều trường vẫn khó “động” vì thiếu cơ sở vật chất và những trang thiết bị dạy học. Ngay như ở TP Quy Nhơn, những trường có phòng học bộ môn và được trang bị máy tính, đèn chiếu vẫn không nhiều. Hơn nữa, đa số GV vẫn chưa đủ kiến thức tin học, trình độ công nghệ thông tin để thiết kế và giảng dạy bằng giáo án điện tử. Một GV kể chuyện: Có lần, tham gia chấm thi GV dạy giỏi tại một huyện nọ, thí sinh dự thi đã rất cố gắng trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng. Tuy nhiên, khi giám khảo góp ý nên thay đổi một số hình ảnh, âm thanh trong thiết kế giáo án thì GV nọ đã lúng túng, không thao tác được. Điều này, chỉ có thể giải thích, GV này đã “copy” giáo án điện tử của một ai đó… Do đó, xóa bỏ “đọc- chép” mà GV không chịu đầu tư, đổi mới được phương pháp dạy học thì sẽ dẫn đến xu hướng sao chép hoặc lạm dụng quá nhiều tư liệu “mạng”.

Để đổi mới cách dạy học, hàng năm, Sở GD-ĐT đã có kế hoạch tổ chức bồi dưỡng cho GV. Tuy nhiên, việc tiếp thu phương pháp dạy học mới đối với nhiều GV vẫn chưa thật sự nhuần nhuyễn. Điều này đòi hỏi, ngay từ “cỗ máy cái”- là nơi đào tạo GV- cũng cần phải trang bị cho người học những phương pháp dạy học thoát ly việc “đọc- chép”.

Một điều nữa là chương trình, sách giáo khoa mới hiện nay được biên soạn theo hướng giảm tải, nhưng thực tế lại chẳng giảm tải được bao nhiêu. Cấu trúc nội dung, chương trình sách giáo khoa nhiều chương, môn chưa phù hợp, làm ảnh hưởng đến việc triển khai dạy học theo phương pháp mới. Mặt khác, muốn đổi mới cách dạy và học, thoát ly việc “đọc- chép” thì phải đổi mới ngay từ khâu đánh giá, thi cử. Một khi, việc ra đề thi, đáp án vẫn cứ coi trọng việc ghi nhớ hay học thuộc lòng của HS, thì xóa bỏ “đọc- chép” sẽ khó thành hiện thực.

  • Ngọc Quỳnh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ban hành Kế hoạch tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 39 của Bộ Chính trị  (22/09/2009)
Tạm đóng cửa các trường học ở huyện An Nhơn vì cúm A/H1N1  (22/09/2009)
Đỡ đầu 2 học sinh mồ côi  (21/09/2009)
Các doanh nghiệp chế biến gỗ thiếu gần 2.000 công nhân  (21/09/2009)
Kỷ niệm 95 năm ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng  (21/09/2009)
Dịch cúm A/H1N1 xuất hiện ở Hoài Ân, Hoài Nhơn và An Nhơn  (21/09/2009)
Không chỉ là “cuộc dạo chơi”  (20/09/2009)
Trên 700 người đến tham gia phiên giao dịch việc làm  (20/09/2009)
Kỷ niệm 44 năm Chiến thắng Thuận Ninh  (20/09/2009)
3.805 hộ nghèo sẽ được hỗ trợ về nhà ở  (20/09/2009)
Lễ ra quân hưởng ứng chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn  (19/09/2009)
Luật BHYT chính thức có hiệu lực  (19/09/2009)
Triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng chống cúm A/H1N1  (19/09/2009)
Gần 10 triệu USD cải thiện năng lực y tế các tuyến  (18/09/2009)
Nhiệm vụ chính của toàn hệ thống chính trị  (18/09/2009)