Khi những người chơi tennis bắt đầu ra sân, cũng là lúc những người nhặt bóng có mặt ở sân tập, nhặt những quả bóng lăn ra tứ phía...
|
Nhặt bóng tennis phải chịu khó quan sát, chạy và nhặt cho nhanh. - Trong ảnh: Tuấn (người đứng trước) được nhiều người kêu nhặt bóng vì chịu khó.
|
* “Xuân tóc đỏ” thời hiện tại
Đã cuối tháng 9, nhưng nắng chiều vẫn xiên xối xả một góc sân Olympic của CLB Quần vợt (Trung tâm Thể dục Thể thao). Những quả bóng tennis lăn ra tứ phía, ở bên kia lưới, theo mỗi lần phát bóng của người mới tập chơi. Bên này sân, một cậu bé người thấp, đen đúa, dùng một cái hốt rác dồn bóng rồi đổ vào chiếc xe di động. Người đi trước, xe theo sau, cứ vậy, nhặt những quả bóng xanh nằm rải rác từ đầu sân đến cuối sân.
Hỏi chuyện, tôi được biết em tên là Hoàng Văn Gàng, 17 tuổi. Gàng kể, gia đình em làm muối ở KV 4, phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn. Ruộng muối ít, đã vậy, năm nay lại mất mùa, nên gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Cha Gàng chuyển qua làm thợ hồ, còn em được người quen giới thiệu xuống sân quần vợt làm. Gàng làm cả ngày, hết nhặt bóng tennis thì lau dọn quán, từ 5 giờ sáng đến gần 10 giờ đêm mới xong việc. Mỗi tháng, em được trả lương 1 triệu đồng, bao ăn sáng và ăn trưa. “Hồi mới xuống làm còn lớ ngớ, nhặt không kịp, nên bị khách la hoài. Đã vậy, da chân mòn đến gần chảy máu, vì suốt ngày chạy chân trần trên nền xi măng nóng bỏng. Nay, em quen rồi, còn biết tạt bóng nữa. Lúc không có người chơi, khách gọi lại tạt”- Gàng nói.
Cách nhau chỉ tấm lưới, bên kia sân là địa bàn do Linh, sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Quy Nhơn, phụ trách. Linh cho biết, sân này khách thưa, mỗi tuần chỉ đánh vài trận nên thu nhập trên dưới 300 ngàn đồng/tháng.
Hiện, mỗi sân quần vợt ở TP Quy Nhơn có khoảng 2 người nhặt bóng thường trực như vậy, do người quản lý sân thuê trực tiếp hoặc người chơi, người dạy thuê. Tiền công nhặt bóng mỗi “độ” (khoảng nửa tiếng) là 4-5 ngàn đồng. Một đêm nhặt bóng cho 3-4 “độ” được khoảng 20-30 ngàn đồng, chưa kể tiền “boa” của khách. Làm công việc này chủ yếu là thanh, thiếu niên nam, coi đó như là nguồn thu nhập thêm, phụ với gia đình.
Em Nguyễn Văn Nghiệm, 18 tuổi, trước nhặt bóng ở sân Nhà khách UBND tỉnh (đường Nguyễn Huệ) kể: Năm học lớp 6, em vào trong đó chơi, người ta kêu lại nhặt bóng giúp. Từ đó, nhặt luôn đến năm lớp 12. Ban đầu, Nghiệm được trả 2 ngàn đồng/trận, sau tăng lên 4 ngàn đồng. Sáng đi học, 4 giờ chiều phải có mặt ở sân cho đến lúc hết khách. Tiền công một tháng được mấy trăm ngàn đồng, đủ mua sách vở và đóng học phí. “Buổi trưa phải ăn cho thiệt no, nếu không chừng cỡ 8 giờ tối… khó nhặt bóng lắm, vì đói mà...” - Nghiệm nói. Kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua, Nghiệm đã đỗ 3 trường đại học.
|
Gàng quét dọn quán khi chưa có khách đến chơi.
|
* Những cuộc đời sau quả bóng
Tại sân quần vợt Công ty Quản lý đường sắt Nghĩa Bình, tôi gặp Võ Văn Tuấn, 31 tuổi. Trông anh “không được bình thường, lanh lợi như những người khác”- đó là nhận xét chung của những người quen biết Tuấn. Áo thun, chân mang giày thể thao, trông Tuấn có vẻ “bảnh” hơn những người nhặt bóng khác. Tuấn làm việc rất “pờ rồ”, chịu khó quan sát, bóng lăn đến đâu lập tức đi nhặt ngay.
Anh Võ Văn Minh, chuyên đi dạy tennis cho người mới tập, cho biết, cách đây 10 năm, anh gặp Tuấn nhặt bóng ở sân tennis của Khách sạn Hải Âu. Từ đó, anh nhận Tuấn làm “đệ tử”. Dạy ở sân nào, anh giới thiệu Tuấn đến đó nhặt bóng. Mỗi tháng, Tuấn nhận khoảng 300 ngàn đồng/sô dạy, do người chơi trả. Thứ 2, 4, 6, Tuấn nhặt banh cho “thầy Minh” ở sân do Ngân hàng NN&PTNT thuê; thứ 3, 5, 7 qua sân Công ty Quản lý Đường sắt Nghĩa Bình. Hiện Tuấn “thường trực” cả ngày tại Công ty này, lúc nhặt bóng, khi lại chạy đám cưới… hoặc làm chân “lon ton”, ai sai gì làm nấy. “Nó hiền lắm, ai đưa bao nhiêu nhận bấy nhiêu, không đòi hỏi gì cả. Ở đây, cho cơm miễn phí, nhưng cũng phải nhắc chừng nó ăn uống thường xuyên”- những nhân viên nơi này nói vậy. Làm được bao nhiêu, Tuấn chỉ giữ lại cho mình một ít tiêu vặt, còn lại đưa cho má cất giữ.
Người đi nhặt bóng, thu nhập không chỉ có lương, mà đôi khi còn được khoản “boa” của khách - bằng tiền, hoặc bia hay được mời vào ngồi cùng bàn nhậu chung. Cuối năm, được các khách quen “lì xì” thêm vài ba chục ngàn đồng. Tuy vậy, với họ, công việc này chỉ là “bước chuyển tạm thời”. Linh, Hiếu (cùng làm với Tuấn) đều là sinh viên năm thứ hai, Trường Cao đẳng Nghề Quy Nhơn; Nghiệm đang học Khoa Kinh tế, Trường Đại học Quy Nhơn và được một “Mạnh Thường Quân” hứa sắp xếp cho công việc bán thời gian phù hợp. Ngay cả Gàng, dù không biết chữ, cũng hy vọng nay mai mình sẽ kiếm được công việc khác phù hợp hơn. Chỉ trừ có Tuấn…
Anh Minh cho biết, nhiều năm đi dạy tennis, anh nhận thấy một số trẻ nhặt bóng thực sự có “năng khiếu”. Nếu được đào tạo bài bản, chúng sẽ có cơ hội phát triển, nhưng chẳng ai quan tâm mà bồi dưỡng. Trước đây, bản thân anh anh cũng từng là đứa trẻ nhặt bóng thuê ở Sân vận động Quy Nhơn, nhờ có chút năng khiếu mà tự học, tự tập, rồi làm “thầy” như hiện nay. “Tuấn mà như những em khác thì biết tạt, đánh ngon lành rồi. Nhưng với Tuấn, có lẽ, cả đời chỉ biết chạy theo bóng thôi”- anh thở dài “tiếc” dùm cho “đệ tử”.
|