Bão số 9 gây thiệt hại nghiêm trọng
13:56', 30/9/ 2009 (GMT+7)

* 3 người chết, 3 người mất tích, thiệt hại ước tính 67 tỉ đồng

Do ảnh hưởng của bão số 9, trong 2 ngày qua trên địa bàn tỉnh có mưa kèm theo gió lớn, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.

 

Hàng loạt cây xanh bị bão cuốn ngã. Ảnh: Văn Lưu

 

* Nhiều thiệt hại về người và tài sản

Do ảnh hưởng của bão số 9, trong 2 ngày 28 và 29.9, trên khu vực tỉnh ta có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, gió bão cấp 7, cấp 8, giật cấp 9 làm cho nhiều cây xanh bị ngã đổ, hàng ngàn ngôi nhà bị sập và tốc mái. Lượng mưa đo được trên địa bàn toàn tỉnh dao động từ 117 đến 224 mm. Trong đó, An Hòa (An Lão) 212 mm, Bồng Sơn (Hoài Nhơn) 160 mm, Hoài Ân 139 mm, Phù Mỹ 169 mm, Phù Cát 178 mm, Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh) 187 mm, Bình Tường 117 mm, Thạnh Hòa 224 mm, Vân Canh 153 mm, TP Quy Nhơn 136 mm. Mưa lớn đã làm cho mực nước các sông dâng cao khá nhanh, trong đó mực nước trên sông Côn tại Thạnh Hòa là 5,95m, tương đương báo động 1. Mưa to kèm theo gió lớn đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.

Tại TP Quy Nhơn, từ 0 giờ ngày 29.9, bão số 9 với sức gió cấp 9, giật cấp 10 đã làm cho 1.350 cây xanh bị ngã đổ, 150 bộ đèn chiếu sáng và đèn trang trí bị hư hỏng, 2 trụ điện bị gãy, đứt 200 mét dây điện, nhiều khu phố bị mất điện nhiều giờ đồng hồ. Trụ ăng-ten cao 30 m của Đài Truyền thanh xã Nhơn Hội cũng đã bị gió quật ngã, cắt đứt thông tin về tình hình diễn biến của bão số 9 đến với người dân.

 

Nhiều cây xanh ngã đổ bật gốc trên đường Hùng Vương (TP Quy Nhơn). Ảnh: N.Hân

 

Tại huyện Hoài Nhơn, mưa lớn kết hợp với mực nước sông Lại Giang và nước biển dâng cao đã gây ngập úng hàng trăm ha lúa, hoa màu; nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập chìm trong nước. Hầu hết người dân ở các xã khu Đông huyện đều phải đóng kín cửa, mọi hoạt động đi lại, mua bán… đều bị ngừng trệ. Nhiều hộ dân tất bật với việc neo tàu thuyền, chèn chống nhà cửa, có hộ phải di chuyển nơi ở khác vì nước vào nhà.

Riêng ở xã Hoài Hải, nhiều đoạn đường liên thôn đã bị ngập chìm trong nước, khiến cho việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Đây là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng do cơn bão số 9. Tính đến trưa ngày 29.9, xã Hoài Hải đã có 1 người mất tích, 1 người bị thương do bão gây ra; 20% số hộ dân có nhà bị tốc mái; 13 ha tôm nuôi bị ngập chìm mất trắng; khoảng 200 hộ dân bị nước vào nhà. Ông Nguyễn Bá Chính, Phó Chủ tịch UBND xã Hoài Hải cho biết: “Hầu hết, ngư dân đã cho tàu thuyền tìm nơi trú tránh bão. Xã đang huy động lực lượng thanh niên xung kích hỗ trợ nhân dân chèn chống nhà cửa và di dời 120 hộ dân sinh sống ở khu vực gần biển đến nơi ở an toàn. Đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra.”

 

Ngư dân huyện Hoài Nhơn neo đậu tàu thuyền trú tránh bão số 9 tại khu neo đậu tàu thuyền Tam Quan Bắc. Ảnh: T.Sỹ

Bão số 9 cũng gây nhiều thiệt hại cho nhiều địa phương trên địa bàn huyện Hoài Nhơn. Theo số liệu thống kê của Ban chỉ huy PCLB-TKCN huyện Hoài Nhơn, đến trưa ngày 29.9, trên địa bàn huyện có 1 người chết, 1 người mất tích, 5 người bị thương, 1 tàu cá bị chìm, 3.148 ha lúa vụ 3 bị đổ ngã và ngập nước, hơn 680 ha đậu phộng, bắp, mì bị hư hỏng, 32,3 ha tôm nuôi chưa thu hoạch bị mất trắng; nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở, 108 ngôi nhà bị tốc mái… Thiệt hại ước tính gần 40 tỉ đồng.

Còn tại huyện Phù Mỹ, bão số 9 cũng đã làm cho gần 2.000 ha lúa, 100 ha hoa màu các loại bị ngã đổ và bị ngập; 37 tàu thuyền ở các xã Mỹ Thắng, Mỹ Thành, Mỹ Thọ, Mỹ An bị chìm; 5 căn nhà bị sập hoàn toàn, 20 căn nhà bị sập 50% và tốc mái; nhiều công trình thủy lợi, giao thông bị sạt lở. Đáng chú ý, vào lúc 7 giờ 30 ngày 29.9, bà Trương Thị Xưa (SN 1962) và bà Lê Thị Khen (SN 1960) là hai chị em dâu đều trú thôn Chánh Khoan Đông, xã Mỹ Lợi, trong lúc đi đánh cá trên đầm Trà Ổ đã bị sóng lớn đánh chìm ghe làm hai bà mất tích, đến chiều qua (29.9) vẫn chưa tìm được xác.

Ở huyện Phù Cát, tính đến 11 giờ ngày 29.9, bão số 9 đã làm 2 người chết và 2 người bị thương (đều ở xã Cát Sơn). Hệ thống điện chiếu sáng và điện thoại tại các địa phương bị hư hỏng nặng, đặc biệt là ở các xã: Cát Thành, Cát Khánh, Cát Hải, Cát Tiến. 3.900 ha lúa Mùa đang trổ bị đổ ngã và ngập nước có khả năng mất trắng; 8 nhà sập hoàn toàn; 700 cây hoa màu bị đổ ngã, ngập úng. Riêng ở thôn Tân Thanh và Tân Thắng (Cát Hải) đã xảy ra lốc xoáy làm hàng chục trụ điện hạ thế bị gãy, 1 ngôi nhà sập hoàn toàn, nhiều ngôi nhà tốc mái…

 

Trụ ăng ten ở Tuy Phước bị gãy. Ảnh: C.T

 

* Khẩn trương khắc phục hậu quả

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 9, từ ngày 27.9, Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh đã có 3 công điện khẩn gửi các địa phương, các ban ngành của tỉnh yêu cầu tăng cường chỉ đạo công tác đối phó với bão số 9. Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão số 9 gây ra, các địa phương trong tỉnh đã chủ động di dời dân sinh sống ở các khu vực nguy hiểm đến nơi ở an toàn và chuẩn bị các điều kiện cần thiết sẵn sàng ứng phó khi bão số 9 vào bờ. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã chỉ đạo cho các trường học cho học sinh tạm nghỉ học.

Sáng ngày 29.9, thời điểm bão đang tiến dần vào bờ, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đến các huyện Hoài Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ… trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 9. Tại huyện Hoài Nhơn, sau khi kiểm tra tình hình thực tế công tác phòng chống bão tại các địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Vũ Hoàng Hà đã chỉ đạo: Chính quyền các địa phương phải tổ chức thăm hỏi, trích ngân sách hỗ trợ cho các hộ gia đình có người bị chết, bị thương; ngăn cấm không cho tàu thuyền ra khơi, không để người dân ở trên tàu hoặc ở những vùng nguy hiểm. Tại các tuyến đường bị ngập nước phải có người túc trực, không để người dân qua lại và cần đề phòng nước lũ dâng cao. Chính quyền địa phương phải huy động lực lượng giúp dân khắc phục hậu quả do bão số 9 gây ra; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xử lý môi trường, ngăn chặn các loại dịch bệnh có thể phát sinh…

 

Gió mạnh làm sập ngôi nhà tại thị trấn Diêu Trì (Tuy Phước). Ảnh: Văn Lưu

 

Tại các huyện Phù Cát, Tuy Phước, Phù Mỹ… các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo chính quyền các địa phương thống kê thiệt hại, hỗ trợ tiền cho các gia đình có người bị chết, bị thương do mưa lũ. Bên cạnh đó, có giải pháp cụ thể khắc phục hậu quả bão số 9 và tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống bão lũ có thể xảy ra. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng chuẩn bị phương tiện, lực lượng sẵn sàng ứng cứu nhân dân khi có lệnh. Sở NN-PTNT, Sở LĐ-TB-XH, Sở Y tế và Hội Chữ thập đỏ đảm bảo an toàn các hồ chứa, chuẩn bị lương thực, thực phẩm, thuốc men sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra.

Theo thống kê ban đầu của Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh, đến 16 giờ chiều ngày 29.9, bão số 9 đã làm 3 người chết, 3 người mất tích, 12 người bị thương. Toàn tỉnh cũng đã có 105 nhà bị sập hoàn toàn, 2.284 ngôi nhà bị tốc mái, 42 tàu thuyền của ngư dân bị chìm, 8.300 ha lúa vụ Thu và vụ Mùa bị ngập, ngã đổ, 735 ha hoa màu bị hư hỏng, 110,3 ha hồ tôm bị ngập nước có khả năng mất trắng. Bão số 9 cũng đã làm đổ, ngã 11 trụ điện, đứt 11,7 km đường dây điện. Tổng thiệt hại ước tính ban đầu 67 tỉ đồng.

Hiện nay, ngành chức năng và chính quyền các địa phương đang triển khai công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 9. Ngay trong ngày 29.9, Công ty TNHH Công viên, cây xanh và chiếu sáng đô thị TP Quy Nhơn đã huy động 450 cán bộ công nhân viên, 6 xe chuyên dụng thu dọn cây xanh, trụ điện bị ngã đổ. Đến chiều qua, đã cơ bản thu gọn xong số cây xanh bị ngã đổ, đảm bảo an toàn giao thông được thông suốt.

Hôm qua, Hội CTĐ tỉnh đã đề nghị T.Ư Hội CTĐ Việt Nam hỗ trợ cho Hội CTĐ tỉnh 105 tấn gạo, 3.500 thùng mì tôm, 10.000 viên thuốc khử trùng, 150 nhà bạt, 1.500 tấm chăn, 1.500 bộ đồ nấu ăn. Ngoài ra, Hội CTĐ tỉnh cũng đang có sẵn trong kho 10 tấn gạo và 600 thùng mì tôm để sẵn sàng cứu trợ cho người dân bị thiệt hại do bão.

Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm tra lại toàn bộ các công trình y tế có thể bị ngập nước, hư hỏng trong các đợt mưa, lũ, lụt để có biện pháp khắc phục; triển khai ngay các phương án bảo vệ hoặc di dời cơ sở y tế tại các vùng có nguy cơ xảy ra mưa bão để đảm bảo hoạt động và an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, nhân viên y tế, thuốc, trang thiết bị y tế. Các ngành chức năng khác, tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình cũng đang triển trai công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 9.

  • Nhóm PV và CTV
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Khẩn trương phòng chống bão số 9   (29/09/2009)
Lãnh đạo tỉnh thăm và chúc thọ các cụ cao tuổi   (29/09/2009)
Kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người của tỉnh  (28/09/2009)
Hiến máu tình nguyện   (27/09/2009)
Trung thu, lại nói chuyện lân…   (27/09/2009)
Chuẩn bị đại hội Đảng bộ các cấp  (26/09/2009)
Tổ chức hoạt động vui Tết Trung thu cho thiếu nhi  (26/09/2009)
Lập bệnh viện dã chiến ở Trường THPT Vân Canh  (26/09/2009)
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thiện thăm các cụ cao tuổi ở TP Quy Nhơn  (26/09/2009)
Cách chức một phó bí thư chi bộ  (25/09/2009)
Một trường hợp nghi nhiễm cúm A/H1N1 có triệu chứng viêm phổi nặng  (25/09/2009)
Gần 92% số vụ khiếu nại, tố cáo được xem xét, giải quyết  (25/09/2009)
Thêm một cán bộ ĐH Quy Nhơn bị khởi tố   (25/09/2009)
Tạm đóng cửa các trường học vì cúm A/H1N1  (24/09/2009)
Việc nhiều, người ít   (24/09/2009)