Chuyển dịch lao động ở các vùng biển
8:4', 2/10/ 2010 (GMT+7)

Ở các vùng ven biển, đa phần lao động (LĐ) làm nghề biển. Tuy nhiên, thời gian gần đây, LĐ nghề biển đang có chiều hướng giảm dần. Ngược lại, số LĐ trong các ngành công nghiệp ngày càng tăng nhanh…

 

Nhiều lao động ở các vùng ven biển được nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp chế biến gỗ.

 

* Ngư dân giảm, công nhân tăng

Trên đường “công nghiệp hóa-hiện đại hóa” nền kinh tế, các cụm công nghiệp, khu công nghiệp mọc lên ngày càng nhiều. Đi liền với nó, nhu cầu phát triển công nhân ngày càng cao; từ đó, vấn đề việc làm cho LĐ vùng biển cũng được giải quyết phần nào. Ở huyện Hoài Nhơn, sự ra đời của Cụm công nghiệp Tam Quan với sự đầu tư mạnh tay của Tổng công ty may Nhà Bè, cùng sự phát triển nhanh của một số doanh nghiệp đã tạo cơ hội việc làm cho hàng ngàn LĐ các xã ven biển như Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam, Hoài Thanh...

Ở TP Quy Nhơn, các xã ven biển như Nhơn Hội, Nhơn Hải, Nhơn Lý đều có sự chuyển dịch cơ cấu LĐ theo hướng giảm LĐ nghề biển, tăng số công nhân khá rõ. Ở Nhơn Hội, mặc dù LĐ nghề biển vẫn chiếm đa số với 263 người, nhưng số LĐ làm việc tại 2 khu công nghiệp Nhơn Hội và Phú Tài cũng đã lên đến 127 người.

Đến thời điểm này, Nhơn Lý đã có khoảng 500 công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, trong đó chủ yếu là công nhân nữ. Ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý, cho biết: “Vào mùa biển động, hay khi hết mùa biển, lực lượng LĐ nam cũng có thể lên bờ tham gia làm công nhân thời vụ tại các doanh nghiệp”.

Theo thống kê của UBND xã Nhơn Hải, đến cuối tháng 8.2010, toàn xã có hơn 350 công nhân. Công nhân nam làm các công việc như khai thác titan, lót gạch block, phụ xây dựng; công nhân nữ chủ yếu làm cho các doanh nghiệp gỗ, may. “Hiện nay, trong cơ cấu LĐ của xã Nhơn Hải, có đến 79% LĐ làm nghề biển. Chúng tôi đã đặt ra mục tiêu đến năm 2015, số ngư dân chỉ còn 55% dân số. Tỉ lệ LĐ ngư nghiệp giảm, nhưng chất lượng LĐ sẽ ngày càng nâng cao” - ông Nguyễn Đức Tình, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, cho biết.

 

Ngày càng có ít người dân Nhơn Hải gắn bó với nghề biển.

 

* Vừa mừng, vừa lo

Trước đây, ở những gia đình ngư dân, khi người đàn ông ra khơi, phụ nữ chỉ ở nhà lo cơm nước và chăm con cái. Nhàn rỗi, nhiều người còn nảy sinh tệ đỏ đen. Những người đàn ông làng chài hết mùa biển cũng thất nghiệp, tụ tập đánh bạc, rượu chè. Nhưng những năm gần đây, trước nhu cầu LĐ của các doanh nghiệp gỗ, may… vấn nạn thất nghiệp của LĐ miền biển đã được giải quyết phần nào.

Ở một phương diện khác, số LĐ ở các xã ven biển, nhất là thế hệ trẻ đi làm công nhân cho các công ty, xí nghiệp ngày càng nhiều. Đó là sự chuyển dịch cơ cấu LĐ theo hướng tích cực, vì so với nghề biển nhiều rủi ro, thu nhập của công nhân gỗ, công nhân may ổn định hơn. Cuộc sống của họ vì thế cũng không còn bấp bênh như trước.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo ngại xung quanh việc tuyển LĐ ở các xã ven biển của các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp tiến hành tuyển LĐ khá sơ sài với những thủ tục đơn giản. Thậm chí, không ít LĐ được nhận làm công nhân thông qua “thỏa thuận miệng”. Ông Nguyễn Đức Tình, chia sẻ: “Giữa NLĐ và người sử dụng LĐ không có các văn bản pháp lý ràng buộc, nên khi NLĐ bị tai nạn lao động, doanh nghiệp không mặn mà với việc giải quyết chế độ cho NLĐ thì chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn khi bảo vệ quyền lợi cho họ. Dù không phải trách nhiệm của mình, nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền an toàn lao động cho NLĐ, đồng thời hợp tác với các doanh nghiệp có uy tín, đảm bảo quy trình tuyển dụng LĐ đúng pháp luật, bảo vệ quyền lợi cho NLĐ”.

Thực tế cho thấy, đa phần công nhân ở các vùng biển trình độ học vấn thấp, chưa được trang bị kỹ năng nghề nghiệp nên rất dễ bị tai nạn lao động. Ông Nguyễn Thành Danh cho rằng: “Khi nhận LĐ vào làm việc, các doanh nghiệp nên chú trọng hơn đến công tác đào tạo nghề ban đầu, thay đổi thói quen làm việc tự do của LĐ vùng biển”.

  • Nguyễn Văn Trang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phát động thi đua “Hướng về cội nguồn”  (01/10/2010)
Hội thảo xây dựng kế hoạch phát triển dân tộc thiểu số và giới  (01/10/2010)
Tổng điều tra hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chuẩn mới  (01/10/2010)
Triển khai dự án Trung tâm Quốc tế gặp gỡ khoa học đa ngành  (01/10/2010)
Góp phần thúc đẩy nhanh sự tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội  (01/10/2010)
12 đại biểu tham gia chương trình “Thăng Long - Hồn thiêng sông núi”  (01/10/2010)
Cấp hàng dự án DRR do Nauy tài trợ  (30/09/2010)
Ký quy chế phối hợp bảo vệ an ninh trên lĩnh vực TT-TT  (30/09/2010)
96 học sinh Hải Minh được đưa đón đi học miễn phí  (30/09/2010)
606 trường hợp được nhận trợ cấp thất nghiệp  (30/09/2010)
Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành  (30/09/2010)
Bảo đảm an toàn cho trẻ em vùng sông nước  (30/09/2010)
Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc đại diện Mặt trận và các tổ chức thành viên  (30/09/2010)
Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XIII   (29/09/2010)
Cần sự liên kết phát triển giữa thành thị và nông thôn   (29/09/2010)