Từ giữa tháng 9.2010, Ngân hàng Chính sách xã hội (NH CSXH) Việt Nam thực hiện điều chỉnh cho vay đối với học sinh, sinh viên (HSSV) theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc họp về Chương trình tín dụng đối với HSSV vào cuối tháng 8.2010. Trong đó, điều chỉnh việc cho vay đối với HSSV gia đình gặp khó khăn về tài chính….
* Vay 1 lần, tối đa 12 tháng
Nếu trước đây, HSSV thuộc diện gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, do thiên tai hỏa hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học có xác nhận của chính quyền địa phương (theo khoản 3, Điều 2 của QĐ số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27.9.2007 về tín dụng đối với HSSV), được vay vốn trong suốt cả quá trình học tập tại các trường CĐ, ĐH, thì bắt đầu từ năm 2010 này, chỉ được vay một lần, tối đa không quá 12 tháng. Mức vay cụ thể căn cứ vào thời hạn HSSV theo học tại trường, học phí của từng trường, nhu cầu của người vay, nhưng không vượt quá số tiền quy định cho vay tối đa đối với mỗi HSSV là 860 ngàn đồng/tháng.
|
Chương trình tín dụng HSSV đã góp phần tạo điều kiện cho các gia đình khó khăn cho con học CĐ-ĐH.
- Trong ảnh: Người dân vay vốn tại Ngân hàng CSXH. Ảnh: Viết Hiền |
Quy định này khiến nhiều gia đình không thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, nhưng đang vay tiền cho con đi học ĐH - CĐ gặp không ít khó khăn. Mới đây, trong một cuộc tiếp xúc đại biểu Quốc hội, một cử tri ở thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ, ý kiến: “Nếu đưa những hộ khó khăn nhưng không phải hộ nghèo hoặc cận nghèo thuộc diện cho vay thì sai với quy định. Nhưng thực sự ở thôn quê, nhà có 2,3 con đi học, nếu không được vay tiền, thì sẽ rất khó khăn. Quy định mới chỉ vay được 1 lần, tối đa không quá 12 tháng thì cũng chưa giải quyết được vấn đề, vì con họ học đến 3 - 4 năm”.
Xã Mỹ Tài (huyện Phù Mỹ) có 232 hộ đang vay vốn từ chương trình tín dụng cho HSSV của Ngân hàng CSXH, trong đó gồm 36 hộ nghèo, 57 hộ cận nghèo và 139 hộ thuộc diện gia đình khó khăn tài chính. Bà Võ Thị Định, Chủ tịch Hội LHPN xã Mỹ Tài (huyện Phù Mỹ), phụ trách nguồn vốn ủy thác này ở địa phương, nhận xét: “Nếu theo quy định mới thì 139 hộ thuộc diện khó khăn này sẽ rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Nhờ có chương trình này nên nhiều gia đình mới mạnh dạn cho con đi học CĐ - ĐH. Bây giờ không cho họ tiếp tục vay, thì lấy đâu ra tiền tiếp tục cho con đi học. Nguy cơ để con bỏ học giữa chừng hoàn toàn có thể xảy ra”.
Gia đình ông Thân Bá Dũng, 56 tuổi, ở thôn Mỹ Hội 1, hiện đang nuôi 4 con ăn học, trong đó có 2 con đang học cao đẳng ở TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, 2 con đang học THPT. Mỗi tháng gia đình phải gửi 3,5 triệu đồng cho hai con đi học xa. Nhờ vay vốn ngân hàng nên từ 2 năm nay, gia đình ông chỉ phụ thêm ít nhiều cho con ăn học. Ông Dũng nói: “Giờ nghe dừng chủ trương cho vay với những gia đình khó khăn tài chính, thì gia đình tôi khó mà lo nổi cho hai đứa. Nhà nông dành dụm cuối năm mới có khoản dư năm, bảy triệu bạc, chứ mỗi tháng làm gì mà kiếm ra nổi hai, ba triệu đồng lo cho con. Thằng con tôi đang học ở Sài Gòn muốn học liên thông lên đại học, nhưng cái đà này thì e rằng khó mà thành…”.
* Được xác nhận hộ nghèo, cận nghèo thì vẫn được vay
Theo hướng dẫn của Ngân hàng CSXH Việt Nam, đối với những trường hợp đã được giải ngân cho vay vốn trước đây thì ngân hàng sẽ chấm dứt cho vay; đồng thời, thỏa thuận với hộ vay định kỳ hạn trả nợ sau khi HSSV đó đã ra trường. Thời gian chưa trả được nợ thì vẫn tính lãi suất (0,5%/tháng) nhưng thời gian thu hồi vốn lẫn lãi chậm nhất là không quá 12 tháng sau khi HSSV đã kết thúc khóa học. Nếu gia đình nào có điều kiện trả trước thì càng tốt. |
Được biết, hiện Bình Định có 37.458 hộ gia đình đang vay vốn từ Chương trình tín dụng HSSV của Ngân hàng CSXH với tổng dư nợ là trên 556,5 tỉ đồng, tạo điều kiện cho các gia đình tiếp tục cho con học lên CĐ-ĐH. Các huyện cho vay nhiều nhất là Hoài Nhơn (78,4 tỉ đồng), Tuy Phước (74 tỉ đồng), An Nhơn (73,5 tỉ đồng).
Trao đổi với chúng tôi về quy định mới, ông Nguyễn Thúc Diệu, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh Bình Định, cho biết: Chương trình tín dụng cho HSSV thời gian qua đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp chưa làm tốt trách nhiệm trong việc xác nhận, lựa chọn đúng đối tượng; một bộ phận HSSV chưa hiểu hết ý nghĩa của việc sử dụng vốn vay và trách nhiệm hoàn trả cùng gia đình. Bởi vậy, quy định cho vay mới đối với nhóm HSSV có gia đình thuộc diện khó khăn tài chính nhằm chấn chỉnh tình trạng trên.
Về trường hợp những gia đình thực sự khó khăn về tài chính nhưng không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, ông Diệu nói: “Bởi đã là chủ trương nên chúng tôi phải làm đúng. Nhưng nếu gia đình thực sự khó khăn, được chính quyền địa phương xác nhận hộ nghèo hoặc cận nghèo, thì ngân hàng sẵn sàng cho vay”.
|