Vân Canh: Hướng đến giảm nghèo bền vững
7:0', 6/10/ 2010 (GMT+7)

Những năm qua, thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc, Huyện ủy Vân Canh đã xây dựng chương trình hành động và chỉ đạo thực hiện tốt chương trình phát triển kinh tế - xã hội miền núi gắn với xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2001-2005, 2006- 2010 và chương trình giảm nghèo nhanh, bền vững theo Nghị quyết 30a/2008 của Chính phủ.

 

Kinh tế phát triển tạo động lực cho Vân Canh đầu tư phát triển văn hóa xã hội. Ảnh: N.Sương

 

* Chuyển đổi cơ cấu kinh tế đúng hướng

Về Canh Hòa - một xã vùng sâu của huyện Vân Canh với hơn 80% dân số là đồng bào Chăm và Bana - vào những ngày này, điều dễ nhận thấy nhất là những con đường trải nhựa bóng láng. Giờ đây, 100% đường giao thông ở các làng trong xã đã được trải bê tông, 100% số hộ đã có nhà ngói, nhiều nhà xây dựng khang trang trị giá cả trăm triệu đồng. 50% số hộ đã có xe máy, điện thoại, và gần 100% số hộ có ti vi, đầu đĩa VCD để cập nhật thông tin và giải trí. Toàn xã, với tỉ lệ hộ nghèo chiếm hơn 80% vào năm 2005, nay chỉ còn 50%. Ông Đoàn Văn Môn, Chủ tịch UBND xã Canh Hòa, rất tự hào khi nói về sự “thay da đổi thịt” ở địa phương mình: “Đó là nhờ bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất chuyên canh tập trung, tạo ra sản phẩm hàng hóa phục vụ tiêu dùng và cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến nông, lâm sản. Từ đây, tỉ lệ bò lai, diện tích cây mì, cây nguyên liệu giấy và diện tích vườn đồi tăng nhanh, góp phần khai thác triệt để tiềm năng đất đồi của xã. Mặt khác, cơ sở hạ tầng của xã được đầu tư xây dựng cũng tạo nhiều thuận lợi cho phát triển sản xuất và nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc trong xã. Khi đường giao thông đi lại dễ dàng, sản phẩm làm ra không những không bị tư thương ép giá, mà một số hộ còn tự mình đem nông sản đi bán tận các nhà máy chế biến”.

 

Kinh tế vườn đồi là thế mạnh của Vân Canh. - Trong ảnh: Mua bán chuối tại chợ chuối Canh Vinh. Ảnh: N.Sương

 

Những chuyển biến đáng kể trên lĩnh vực nông, lâm nghiệp ở Vân Canh đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Chị Võ Thị Hiệp, cán bộ chuyên trách xóa đói giảm nghèo xã Canh Thuận, nhận xét: “So với 5 năm trước, đời sống của đồng bào xã Canh Thuận đã khá hơn rất nhiều. Qua tập huấn kỹ thuật, bà con biết đưa cây mía cao sản, mì cao sản, bắp lai, lúa lai vào sản xuất. Trong chăn nuôi bà con chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh và áp dụng khoa học kỹ thuật, tăng giá trị vật nuôi; khai hoang mở rộng diện tích đất trồng cây nguyên liệu giấy, cây mì, làm kinh tế vườn đồi, kinh tế trang trại. Nhờ vậy, tỉ lệ hộ nghèo của xã mỗi năm giảm 7 - 8%”.

* Tăng hộ giàu, giảm hộ nghèo

Huyện miền núi Vân Canh có 3 xã và 13 thôn, làng đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư của Chương trình 135; 43% dân số của huyện là đồng bào dân tộc thiểu số và chủ yếu là lao động nông nghiệp. Từ phương châm chỉ đạo “Tập trung huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội” của lãnh đạo huyện, bộ mặt nông thôn miền núi Vân Canh đã có nhiều thay đổi đáng kể.

Trong 5 năm gần đây, huyện đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng xây dựng các công trình trọng điểm: Điện sinh hoạt, đường giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, công trình nước sạch, xây nhà, hỗ trợ vốn và kiến thức sản xuất cho hộ nghèo… Như tại xã vùng cao Canh Liên, trước đây chưa được sử dụng điện lưới quốc gia, lại thường bị cách trở giao thông trong mùa mưa, vừa qua đã được đầu tư hàng tỉ đồng làm đường giao thông về trung tâm xã và đưa điện lưới quốc gia về 4/8 làng. Đời sống của người dân trong huyện được cải thiện đáng kể, số hộ giàu tăng, số hộ nghèo còn trên 38%, giảm hơn 25% so năm 2005.

 

Phát triển kinh tế trang trại vườn rừng là hướng đi đúng của Vân Canh để giảm nghèo bền vững. - Trong ảnh: Thu hoạch ổi tại trang trại tổng hợp của ông Nguyễn Hữu Thiện ở xã Canh Hiển. Ảnh: N.Sương

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở Vân Canh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức bởi kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỉ lệ hộ cận nghèo còn lớn, số hộ tái nghèo hàng năm còn cao. Mặt khác, tư tưởng bảo thủ, trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước vẫn tồn tại trong một số cán bộ và đồng bào các dân tộc. Ở một số địa phương, nhiều người thậm chí không muốn thoát nghèo để được hưởng chế độ chính sách ưu tiên của Nhà nước…

Điều kiện tự nhiên, địa lý không thuận lợi; khí hậu khắc nghiệt cộng với các chính sách hỗ trợ thoát nghèo chỉ trong thời gian ngắn chính là nguyên nhân khiến việc giảm nghèo ở Vân Canh chưa đạt được kết quả như mong muốn. Ngoài ra, do trình độ dân trí thấp nên người nghèo không phát huy được hiệu quả của các dự án, chương trình hỗ trợ.

Về điều này, bà La Mai Ngọc Bích, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, cho biết: Huyện đã xây dựng phương hướng thực hiện công tác dân tộc từ nay đến năm 2020 gồm 10 nội dung chính, tập trung vào việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đặc biệt khó khăn, củng cố nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số.

Những giải pháp trên nếu được thực hiện một cách đồng bộ, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào các dân tộc thiểu số ở Vân Canh nỗ lực thoát nghèo.

  • Hạnh Phúc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri huyện Tây Sơn  (05/10/2010)
Chỗ dựa vững chắc cho người dân  (05/10/2010)
Hội nghị sơ kết 5 năm công tác phòng không nhân dân  (05/10/2010)
Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri Hoài Nhơn  (04/10/2010)
Tuyên truyền phòng bệnh sốt xuất huyết  (04/10/2010)
Nhiều nỗ lực đáng ghi nhận   (04/10/2010)
Mới biết nói đã đọc thông viết thạo  (04/10/2010)
Khó cho những gia đình khó   (04/10/2010)
Một học sinh nhận học bổng của ĐH Cambridge  (04/10/2010)
Toàn tỉnh có 13.785 hộ dân nằm trong vùng nguy cơ thiên tai  (03/10/2010)
Tạo việc làm mới cho 17.500 lao động  (03/10/2010)
Khẳng định “thương hiệu” dân quân Nhơn Tân  (03/10/2010)
Đời sống phụ nữ ngày càng ổn định  (02/10/2010)
Liên hoan y tế cơ sở phòng, chống cúm gia cầm và cúm ở người  (02/10/2010)
Công đoàn Bảo hiểm xã hội tỉnh đoạt giải Nhất  (02/10/2010)