Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) viết: “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức”.
Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội năm 2011-2020 đã xác định quan điểm phát triển: “Phải phát triển bền vững về kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh kinh tế. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, coi chất lượng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh là ưu tiên hàng đầu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, phát triển kinh tế tri thức…”.
Nhận thức nội hàm, vị trí và ý nghĩa vô cùng to lớn của kinh tế tri thức, Đại hội IX của Đảng đã chỉ rõ nhiệm vụ: “Từng bước phát triển kinh tế tri thức. Phát huy nguồn lực trí tuệ và sức mạnh tinh thần của người Việt Nam”. Nghị quyết Đại hội X của Đảng nêu quyết tâm: “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức”.
|
Kinh tế tri thức là cơ hội lớn để các nước đang phát triển rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển.
- Trong ảnh: Cán bộ Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN Bình Định kiểm tra mô hình cấy mô. Ảnh: Văn Lưu |
Nhìn lại lịch sử phát triển kinh tế của nhân loại, chúng ta thấy có 3 giai đoạn:
Một là, nền kinh tế đầu tiên là kinh tế nông nghiệp chủ yếu dựa vào lao động thủ công, đất đai và kéo dài khoảng 6.000 - 7.000 năm sau thời kỳ nguyên thủy.
Hai là, cuộc cách mạng kỹ thuật lần thứ nhất cách đây hơn hai thế kỷ đã dẫn tới sự chuyển hóa từ kinh tế nông nghiệp sang kinh tế công nghiệp chủ yếu dựa vào cơ khí và tài nguyên thiên nhiên.
Ba là, từ thập kỷ 80 của thế kỷ 20, do tác động của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu, công nghệ năng lượng, nền kinh tế công nghiệp đã chuyển sang kinh tế tri thức, nền văn minh loài người chuyển từ văn minh công nghiệp sang văn minh trí tuệ. Cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại thường được gọi là cách mạng tri thức.
Các nền kinh tế truyền thống ít hay nhiều đều phải dựa vào tri thức, nhưng ở trình độ thấp hay cao mà thôi.
Trong thời đại cách mạng tri thức thì tri thức đã trở thành một yếu tố sản xuất quan trọng hơn cả tài nguyên và vốn. Kinh tế tri thức là kinh tế dựa chủ yếu vào tri thức, tri thức chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản phẩm xã hội.
Theo Giáo sư - Viện sĩ Đặng Hữu, kinh tế tri thức là nền kinh tế trong đó sự sản sinh ra, phổ cập và sử dụng tri thức giữ vai trò quyết định nhất đối với sự phát triển kinh tế, tạo ra của cải, nâng cao chất lượng cuộc sống” (1).
Kinh tế tri thức phản ánh trình độ phát triển cao của lực lượng sản xuất xã hội, theo đó, trong từng sản phẩm và trong tổng sản phẩm quốc dân thì hàm lượng lao động cơ bắp, hao phí lao động cơ bắp giảm đi rất nhiều trong khi hàm lượng tri thức, hao phí lao động tri thức tăng lên vô cùng lớn. Những ngành kinh tế dựa vào tri thức, dựa vào những thành tựu mới nhất của khoa học, công nghệ là những ngành có tác động to lớn tới sự phát triển kinh tế của đất nước.
Nghiên cứu những đặc trưng của nền kinh tế tri thức, chúng ta thấy:
- Vốn quý nhất trong nền kinh tế tri thức là tri thức. Tri thức là nguồn lực hàng đầu tạo nên sự tăng trưởng cao; của cải được tạo ra dựa vào tri thức nhiều hơn dựa vào tài nguyên thiên nhiên và sức lao động cơ bắp. Công nghệ cao, đặc biệt công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi. Khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Tổng sản phẩm tăng nhanh, nhưng tổng tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu… không tăng bao nhiêu, và số lượng lao động trong khu vực sản xuất hàng hóa ngày càng ít đi rõ rệt.
- Sự sáng tạo, đổi mới thường xuyên là động lực chủ yếu nhất thúc đẩy sự phát triển. Kinh tế phát triển là do sáng tạo, đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm. Sáng tạo là linh hồn của sự đổi mới. Trước đây, người ta coi trọng những công nghệ đã chín muồi, còn bây giờ là những công nghệ mới, bởi lẽ, cái chín muồi là cái sắp tiêu vong.
- Công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực, mạng thông tin phủ khắp nước và trên thế giới liên kết các tổ chức, gia đình và quốc gia. Mạng thông tin trở thành cơ sở hạ tầng quan trọng bậc nhất trong nền kinh tế.
- Kinh tế tri thức là nền kinh tế học tập. Giáo dục và đào tạo được đầu tư cao hơn hẳn so với các dự án đầu tư về cơ sở vật chất (nhà máy, công trường…). Mọi người có điều kiện thuận lợi để học tập, không ngừng phát triển tri thức, nâng cao kỹ năng, phát triển sức sáng tạo, thúc đẩy đổi mới. Xã hội học tập là nền tảng của kinh tế tri thức.
- Kinh tế tri thức là nền kinh tế toàn cầu hóa. Quá trình phát triển kinh tế đi liền với quá trình kinh tế thị trường, phát triển thương mại thế giới và quá trình toàn cầu hóa, tác động qua lại và thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển. Các sản phẩm và thị trường ngày càng có tính toàn cầu. Người ta thường gọi kinh tế tri thức là nền kinh tế toàn cầu hóa nối mạng, hay là nền kinh tế toàn cầu dựa vào tri thức.
- Kinh tế tri thức là nền kinh tế phát triển bền vững, trong đó, các công nghệ sạch, tiêu hao ít nguyên liệu, năng lượng, chất thải công nghiệp ít hơn, hạn chế ảnh hưởng làm ô nhiễm môi trường, bảo đảm được yêu cầu phát triển bền vững.
Các nước phát triển đi tới kinh tế tri thức là một quá trình tự nhiên. Các nước đang phát triển như Việt Nam ta mới bắt đầu công nghiệp hóa, không thể một lúc chuyển ngay sang kinh tế tri thức, mà phải chuyển hướng chính sách sang dựa nhiều hơn vào tri thức, từng bước phát triển kinh tế tri thức để đẩy nhanh quá trình phát triển. Kinh tế tri thức là cơ hội lớn để các nước đang phát triển rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển.
Hội nhập vào nền kinh tế thế giới, nước ta phải nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở phát huy năng lực nội sinh về khoa học công nghệ của Việt Nam, bắt kịp và làm chủ công nghệ hiện đại, đi nhanh, đi tắt vào kinh tế tri thức.
Muốn phát triển kinh tế tri thức, phải có giải pháp chiến lược mang tính đột phá. Đó là tập trung sức phát triển giáo dục và đào tạo, nhất là ở bậc đại học và dạy nghề, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, những nhà khoa học, công nghệ đầu đàn, những doanh nhân tầm cỡ và lao động lành nghề. Đồng thời, phải trí thức hóa giai cấp công nhân, nông dân, nâng cao dân trí trong toàn xã hội. Cơ sở vật chất và các trang thiết bị cho nghiên cứu khoa học phải được triển khai cùng với những chủ trương, chính sách khác để tập trung vào một số lĩnh vực có chọn lọc mà chúng ta thường nói là “đi trước đón đầu”.
Mặt khác, cần có chiến lược đúng đắn về nhân tài trong tổng thể chiến lược con người trong suốt thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo khuyến cáo của Viện Ngân hàng Thế giới (WBI): “Một quốc gia muốn chuyển sang nền kinh tế tri thức cần hình thành bốn trụ cột: Lực lượng lao động có giáo dục và có kỹ năng; hệ thống sáng tạo hiệu quả; cơ sở hạ tầng thông tin (ICT) hiện đại; hệ thống thể chế về kinh tế được cập nhật” (2).
Kết hợp công nghiệp hóa với hiện đại hóa, kết hợp quá trình phát triển tuần tự với “đi tắt đón đầu”, từng bước phát triển kinh tế tri thức nhằm mục tiêu vừa phát triển nhanh và bền vững, vừa rút ngắn khoảng cách với các nước trong khu vực và thế giới.
(1) Tạp chí Khoa học phổ thông, số 533, tháng 8.2000.
(2) Báo Tuổi Trẻ, ngày 19.7.2008. |