Thời gian gần đây, số vụ tự tử tại huyện Vĩnh Thạnh có dấu hiệu tăng nhanh. Năm 2008, cả huyện có 7 vụ; năm 2009, có 9 vụ và từ đầu năm 2010 đến nay, đã có 10 người chết vì tự tử. Làm gì để ngăn chặn tệ nạn tự tử ở Vĩnh Thạnh?
|
Công an huyện Vĩnh Thạnh nắm bắt tình hình ở làng Kon-lokpok (thị trấn Vĩnh Thạnh). Ảnh: Long Vũ |
* Mâu thuẫn gia đình + rượu = tự tử
Mâu thuẫn gia đình được xác định là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ tự tử ở Vĩnh Thạnh. Trong 9 vụ xảy ra trong năm 2009, có đến 7 vụ xuất phát từ mâu thuẫn gia đình. Trong 14 vụ tự tử xảy ra trong 5 tháng đầu năm 2010, cũng có đến 12 người tìm đến cái chết do không giải quyết được những “trục trặc” trong quan hệ với người thân. Thêm vào đó, người miền núi có tính tự ái, tự ti, ít chia sẻ, tâm sự với người khác, mâu thuẫn tích tụ lâu ngày dễ dẫn đến hành động bộc phát.
Song, cũng có không ít vụ tự tử bắt nguồn từ những chuyện “lãng xẹt”. Ông Tô Thành Việt, Phó Ban Dân vận Huyện ủy Vĩnh Thạnh kể: Ông Huỳnh Nguyên ở làng L7 (xã Vĩnh Hảo) thông gia với ông K ở làng K93 (xã Vĩnh Kim). Một lần, gia đình ông K sang thăm nhà ông Nguyên, được ông này đãi bia. Đến khi gia đình ông Nguyên sang nhà ông K thăm đáp lễ, vì hoàn cảnh khó khăn, nhà ông K chỉ tiếp khách bằng rượu. Sau đó ít ngày, người làng có lời ra tiếng vào, chê bai ông K hà tiện. Vài hôm sau, ông K thắt cổ tự tử. Dự đám tang ông K về, nghĩ vì mình mà ông K chết, thế là ông Nguyên cũng thắt cổ chết theo.
Thời gian gần đây, do tác động của yếu tố xã hội, nhiều thanh thiếu niên người dân tộc thiểu số có xu hướng đua đòi, ăn chơi. Một học sinh lớp 12 ở xã Vĩnh Thuận nằng nặc đòi cha mẹ mua xe máy để “bằng bạn bằng bè” mà không nghĩ đến tình cảnh gia đình đang túng thiếu. Cha mẹ không đáp ứng, em này liền thắt cổ tự tử.
Trong khi mâu thuẫn gia đình là nguyên nhân chủ yếu, thì rượu bia được xác định là tác nhân chính ảnh hưởng đến hành vi tự tìm đến cái chết. 70% số đối tượng trước khi tìm đến cái chết đều uống nhiều rượu. Rượu với đồng bào các dân tộc miền núi bây giờ không chỉ có trong những dịp lễ hội hay những sinh hoạt truyền thống của mỗi bản làng. Mỗi lần họp mặt, cúng kiếng đều không thể thiếu rượu bia. Rượu vào, không làm chủ hành vi ứng xử trong quan hệ gia đình và xã hội, không tự giải tỏa được mâu thuẫn dẫn đến ức chế, tự tử.
|
Để đẩy lùi nạn tự tử, cần hạn chế tình trạng lạm dụng rượu bia trong cộng đồng dân tộc thiểu số. Ảnh: Long Vũ |
* Để bản làng bình yên
Theo những người có uy tín trong cộng đồng, từ xa xưa trong đồng bào dân tộc thiểu số đã có hiện tượng tự tử, song số vụ không nhiều, thường rơi vào những trường hợp người già neo đơn, bệnh tật. Những năm gần đây, tự tử như một loại dịch bệnh, lây lan khá nhanh.
Hầu hết những trường hợp tự tử đều ở trong độ tuổi lao động, có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Những người làm cha mẹ khi chết đi bỏ con cái bơ vơ, trở thành gánh nặng của xã hội. Năm 2009, chị Đinh Thị Thêm (sinh năm 1977, ở xã Vĩnh Sơn) vì giận chồng rượu chè bê tha, khuyên mãi không được nên thắt cổ tự tử. Gần một năm sau, người chồng cũng tự tử. Cha mẹ không còn, 2 đứa con nhỏ của vợ chồng chị Thêm đã bỏ học, lêu lổng.
Trước diễn biến phức tạp của nạn tự tử, Ban Dân vận Huyện ủy Vĩnh Thạnh đã đề ra Kế hoạch tổ chức vận động, tuyên truyền chuyên đề về tình trạng tự tử, trong đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, việc thực hiện kế hoạch này gặp không ít khó khăn. “Đây là một vấn đề mang tính nhạy cảm, thiên về yếu tố tâm lý. Do đó, cách tiếp cận, điều tra vấn đề phải hết sức khéo léo. Các đoàn vận động chỉ mới xuống đến cấp xã, gặp gỡ cán bộ thôn, bản, chứ chưa thể tiếp cận đến từng gia đình được”- ông Việt tâm sự.
Theo thống kê của Ban Dân vận Tỉnh ủy, từ đầu năm 2009 đến giữa năm 2010, tại 2 huyện miền núi An Lão và Vĩnh Thạnh đã xảy ra 41 vụ tự tử. Trong đó, có 25 vụ dẫn tới tử vong và 16 vụ nhờ phát hiện kịp thời nên nạn nhân được cứu sống. Đối tượng tự tử chủ yếu là người các dân tộc Bana và Hrê. Trước thực trạng đó, ngày 25.8.2010 UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 2934/UBND-DTMN về việc ngăn chặn tình trạng tự tử, tự sát vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng bào dân tộc, miền núi hãy biết quý trọng tính mạng, cuộc sống của bản thân và mọi người xung quanh. |
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động giáo dục tại các địa phương có nhiều cố gắng, nhưng chưa có giải pháp hay để ngăn chặn, từ đó tình hình tự tử không giảm mà càng tăng.
Để thực hiện có hiệu quả các biện pháp ngăn chặn tình trạng tự tử trên địa bàn Vĩnh Thạnh nói riêng, toàn tỉnh nói chung, vấn đề đặt ra là cần hiểu kỹ đặc tính tâm lý của người dân tộc thiểu số, từ đó có những tác động phù hợp để điều chỉnh những dấu hiệu lệch lạc. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần có kế hoạch phối hợp với các nhà khoa học chuyên ngành tâm lý học, các nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc thiểu số để tiến hành những công trình nghiên cứu nghiêm túc về vấn đề này.
Trong khi chờ đợi những kế hoạch dài hơi, trước mắt, chính quyền địa phương cần khai thác triệt để mặt tích cực của luật tục ở khía cạnh hòa giải các mối quan hệ cộng đồng, quan hệ hôn nhân và gia đình, các mâu thuẫn và xung đột ở mức không nghiêm trọng. Ngoài ra, cần có chính sách động viên, hướng dẫn và phát huy vai trò của những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển lực lượng nòng cốt trong công tác vận động bà con hạn chế sử dụng rượu bia...
|