TRUNG TÂM HỌC TẬP CỘNG ĐỒNG:
“Lượng” đảm bảo, “chất” chưa đều
21:44', 11/10/ 2010 (GMT+7)

Trung tâm Học tập cộng đồng (TTHTCĐ) là mô hình lý tưởng để phát triển giáo dục ngoài nhà trường, là công cụ thiết yếu để xây dựng xã hội học tập từ cơ sở. Ở tỉnh ta, TTHTCĐ đã được “phủ sóng” khá rộng, tuy nhiên hiệu quả hoạt động lại chưa cao…

* “Lượng” đảm bảo, “chất” chưa đều

Ngày 27.2.2004, TTHTCĐ xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước) được thành lập đầu tiên. Từ đó đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 129 TTHTCĐ, đạt 81,13% số xã, phường, thị trấn. TP Quy Nhơn, các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Tuy Phước, An Nhơn, Vĩnh Thạnh có 100% số xã, phường, thị trấn thành lập TTHTCĐ. So với mặt bằng chung của cả nước, tỉ lệ TTHTCĐ ở tỉnh ta khá cao.

 

Nhiều hoạt động của các TTHTCĐ chưa thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân.

- Trong ảnh: Buổi tuyên truyền phòng chống dịch cúm H5N1 tại một TTHTCĐ ở ngoại thành Quy Nhơn chỉ có hơn 20 người tham dự. Ảnh: Nguyễn Văn Trang

 

Theo đánh giá của Hội Khuyến học tỉnh, các TTHTCĐ đã góp phần củng cố kết quả xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học; nâng cao nhận thức về Hiến pháp và pháp luật; giúp người lao động biết cách xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, phấn đấu làm giàu chính đáng thông qua việc truyền nghề và dạy nghề ngắn hạn; thúc đẩy việc thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”… TTHTCĐ cũng là nơi diễn ra các hoạt động chính trị - xã hội của nhân dân địa phương.

Để đáp ứng nhu cầu học tập của mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn, từ năm 2007, TTHTCĐ thị trấn Bồng Sơn (Hoài Nhơn) ra đời. Đến nay, TT phối hợp với các ngành liên quan mở được 22 lớp tập huấn kỹ thuật nông nghiệp, chăn nuôi, phổ biến giáo dục pháp luật, bổ túc văn hóa… thu hút 4.251 lượt người đến học tập, nghiên cứu. Ngoài việc tổ chức các hoạt động cơ bản, TT còn liên kết với Phòng VH-TT-DL huyện mở 5 lớp năng khiếu TDTT hè. Nhiều học sinh từ các xã lân cận như: Hoài Đức, Hoài Tân, Hoài Xuân… cũng đến đăng ký tham gia học tập, rèn luyện.

TTHTCĐ xã Hoài Hương được biết đến là nơi tổ chức nhiều lớp học phù hợp với nhu cầu của người dân ven biển. Ông Lê Văn Đành, Phó Ban quản lý TT cho biết: “Mỗi năm chúng tôi tổ chức 3-4 lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng do giảng viên Trường ĐH Thủy sản Nha Trang đứng lớp. Mặc dù phải đóng học phí nhưng các lớp này vẫn thu hút rất đông người học từ các xã lân cận và huyện Phù Mỹ”.

Tại TP Quy Nhơn, TTHTCĐ phường Nguyễn Văn Cừ thành lập từ năm 2005 cũng được đánh giá cao, góp phần quan trọng vào việc đẩy mạnh sự nghiệp khuyến học ở địa phương.

Tuy nhiên, số TTHTCĐ hoạt động hiệu quả như vậy chưa nhiều. Từ ngày đầu thành lập đến cuối năm 2009, các TTHTCĐ trong toàn tỉnh tổ chức được 9.389 lớp, thu hút hơn 891.960 lượt người học. Số lượng người học tập tại các TTHTCĐ còn thấp so với chỉ tiêu Đề án Xây dựng xã hội học tập triển khai thực hiện từ năm 2003 đặt ra. Qua kiểm tra tại thời điểm cuối năm 2007, chỉ có 45/114 TTHTCĐ hoạt động thường xuyên, chiếm tỉ lệ hơn 39%. Tại nhiều TT, các hoạt động có biểu hiện “làm cho có”, chưa thu hút được sự quan tâm của đông đảo nhân dân.

* Giải quyết khó khăn, nâng cao hiệu quả 

Theo phản ánh của nhiều cán bộ quản lý TTHTCĐ, có nhiều nguyên nhân làm cho các TTHTCĐ hoạt động chưa hiệu quả. Nhận thức về vị trí, vai trò, tác dụng của TTHTCĐ đối với việc nâng cao dân trí và phát triển cộng đồng xã hội của nhiều cấp lãnh đạo còn hạn chế; từ đó, không chú trọng tạo dựng những điều kiện cần thiết tối thiểu để hoạt động và đảm bảo chất lượng giáo dục cho TT. Cơ sở vật chất của các TTHTCĐ còn nghèo nàn, thiếu phương tiện quản lý, thiếu đồ dùng dạy học và tài liệu học tập, nhất là đối với các xã miền núi đặc biệt khó khăn. Mặt khác, cán bộ quản lý TTHTCĐ chủ yếu là cán bộ UBND xã, phường, thị trấn kiêm nhiệm chưa thể toàn tâm toàn ý với nhiệm vụ. 

Theo ông Huỳnh Đăng Khanh, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, một trong những khó khăn hàng đầu đối với các TTHTCĐ là thiếu kinh phí. Ông Khanh cho biết: “Sau khi có Thông tư 96 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho các TTHTCĐ, UBND tỉnh đã có Công văn số 4908/UBND-VX ngày 15.12.2008 về việc triển khai thực hiện thông tư này. Tại công văn này, UBND tỉnh quy định: “Giao cho UBND các huyện, TP bố trí dự toán năm 2009 từ nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục đào tạo và dạy nghề để chi theo các nội dung quy định tại Thông tư 96”. Tuy nhiên, đến cuối năm 2009, chỉ có một số rất ít huyện triển khai thực hiện Thông tư 96, nhưng cũng chưa đúng các quy định. Tại Vĩnh Thạnh, mỗi TTHTCĐ được cấp 25 triệu đồng, còn huyện An Lão thì giao cho xã cân đối ngân sách xã chi cho hoạt động thường xuyên của TT. Nhiều huyện chưa có chính sách cụ thể về tài chính cho TTHTCĐ”.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các TTHTCĐ, các ngành chức năng cần sớm giải quyết những vướng mắc trong việc thi hành các quy định liên quan, quan tâm hơn vấn đề nhân lực, kinh phí. Các TTHTCĐ cũng cần năng động hơn trong tổ chức, triển khai hoạt động, nhất là chủ động huy động kinh phí từ nhiều nguồn; điều tra nhu cầu thực tế của người dân để xây dựng nội dung hoạt động phù hợp…

  • Nguyễn Văn Trang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử ĐBQH và Luật bầu cử ĐB HĐND  (11/10/2010)
Các cụm CN và làng nghề giải quyết việc làm 2.500 lao động   (11/10/2010)
Họp mặt cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn BB 50  (11/10/2010)
Củng cố pháp luật, hoàn thiện hành lang pháp lý cho kinh tế thị trường  (11/10/2010)
Gần 40.000 người có công được hưởng trợ cấp hàng tháng  (11/10/2010)
Chăm sóc mắt miễn phí cho cộng đồng  (10/10/2010)
TỪ ĐẠI HỘI ĐẾN ĐẠI HỘI  (10/10/2010)
Xây dựng Đảng vững mạnh về tổ chức  (10/10/2010)
Lễ tuyên thệ, ra mắt hai đơn vị mới  (10/10/2010)
19 học sinh được cử tuyển học đại học Y, Dược   (09/10/2010)
Làm gì để ngăn chặn nạn tự tử ở Vĩnh Thạnh ?  (09/10/2010)
2.519 hộ dân trong vùng nguy cơ bão lũ cần phải di dời  (09/10/2010)
Bàn giao 6 “Nhà nhân ái”  (10/10/2010)
Còn nhiều bất cập  (08/10/2010)
Cấp áo phao cho học sinh vùng lũ Vân Canh  (08/10/2010)