1. Đầu năm học đi họp phụ huynh cho con. Nhân dịp cô giáo chưa đến, hội “các bà mẹ hay tám” có dịp hàn huyên. Một bà rỉ tai: “Cách đây hai tuần, con bé đi học về kể: Hôm nay cô giáo ném vở các bạn xuống đất. Hỏi thêm thì con bé nói rằng, vì cô giáo giận một số bạn không nộp vở đúng theo yêu cầu nên quăng vở xuống sàn nhà rồi bắt các bạn ấy nộp lại cho ngay ngắn”. Nghe xong, các bà mẹ đều ngẩn ngơ: Sao cô lại làm thế nhỉ? Dù gì các cháu cũng chỉ mới học lớp 2 thôi mà.
|
Con trẻ rất cần một môi trường giáo dục lành mạnh để hoàn thiện nhân cách (ảnh chỉ có tính minh họa). |
Cũng đầu năm học, một bà mẹ trẻ bức xúc gọi điện cho nhà báo: “Con tôi học lớp 4. Cháu nghịch phá trong lớp nên cô giáo đánh đòn. Phát một, hai roi cho cháu sợ thì chẳng có gì, đằng này, cô đánh cháu đến bầm tím cả người. Sự việc xảy ra, nhà trường biết, học sinh trong lớp đều biết cả. Tôi chờ mãi một lời trần tình, xin lỗi của cô mà không thấy…”. Vài hôm sau, vị phụ huynh này lại gọi điện thông báo: “Cô giáo đã gặp gia đình nhận lỗi. Thôi thì mình cũng thể tất cho cô, làm căng quá lại e con mình khổ…”.
2. Cũng mới hôm qua thôi, tôi “hóng hớt” từ một cô bạn khác về chuyện ở nhà trẻ. Một học sinh mới học lớp mầm nhưng “quậy” quá mức, làm ảnh hưởng đến các bạn xung quanh, nên nhà trường đã vận động phụ huynh “chuyển trường” cho bé. “Cạy cục mãi mới xin được cháu vào trường này, giờ trường lại muốn cháu chuyển trường, tôi chẳng biết đường nào mà lần. Bởi cháu nó nghịch, quấy, muốn được cô giáo rèn cho cháu vào quy củ nên tôi mới cố xin vào trường “đỉnh”, học phí cao chứ…” - bà mẹ trẻ ấm ức.
3. Bạn bè tôi - những giáo viên - vẫn thường tự trào rằng mình là “cô nuôi dạy hổ”, chứ không phải là “cô nuôi dạy trẻ”. Cháu càng nhỏ, chưa biết vâng lời, cô lại càng khổ nhiều hơn. Lại nữa, một lớp chỉ có một, hai cô quản đến mấy mươi cháu, sẽ khó tránh khỏi những lúc bực bội, không kiềm chế được nên la mắng hoặc phát một, hai roi vào mông là chuyện hoàn toàn có thể cảm thông được. Song, nếu hành xử thái quá thì phụ huynh khó mà chấp nhận.
|