NHÂN NGÀY THỊ GIÁC THẾ GIỚI (14.10):
Ngàn đôi mắt sáng, vạn niềm vui
20:59', 13/10/ 2010 (GMT+7)

Hàng ngàn bệnh nhân mù nghèo đã tìm thấy được ánh sáng, nhiều chương trình phòng chống mù lòa “vì ánh mắt trẻ thơ”, “khúc xạ học đường”... đã được triển khai tại cộng đồng. Những nỗ lực này của hệ thống chăm sóc mắt của ngành Y tế đã đem lại niềm vui cho nhiều người.

* Điều kỳ diệu của cuộc sống

Ánh sáng là điều kỳ diệu mà cuộc sống ban tặng cho mỗi con người. Hiện nay, nhờ sự nỗ lực của hệ thống chăm sóc mắt ngành Y tế, hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ và của cộng đồng, Bình Định đã giảm đáng kể người mù lòa trong cộng đồng.

 

Nhờ nguồn hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ và sự góp sức của cộng đồng, hàng ngàn người mù nghèo trong tỉnh đã được mổ mắt tìm thấy ánh sáng.
 

Đặc biệt, trong 3 năm trở lại đây, Bình Định là một trong những tỉnh đẩy mạnh hoạt động phòng chống mù lòa trong cộng đồng. Bệnh viện Mắt đã đào tạo, củng cố mạng lưới cán bộ, nhân viên y tế ở 3 tuyến; cung cấp dụng cụ đo nhãn áp, kính hiển vi phẫu thuật và nhiều thiết bị khác cho tuyến huyện; truyền thông, vận động nâng cao năng lực chăm sóc mắt tại cộng đồng.

Các hoạt động kiểm soát bệnh mù lòa được triển khai đa dạng. Bình quân mỗi năm tỉnh có hơn 1.000 bệnh nhân đục thủy tinh thể và hàng trăm ca Glaucoma được mổ miễn phí. Từ năm 2009 đến nay, được sự giúp đỡ kinh phí của tổ chức FHF (Australia) và chuyên môn của Bệnh viện Mắt Trung ương, Bệnh viện Mắt Bình Định đã khám sàng lọc và phẫu thuật 190 trường hợp trẻ mắc khuyết tật mắt. Đến thời điểm này, tỉnh cũng đã triển khai chương trình khúc xạ học đường cho 6/11 huyện trong tỉnh: An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân và An Lão. Bác sĩ Nguyễn Thanh Triết, Giám đốc Bệnh viện Mắt Bình Định, cho biết: “Các chương trình này đã giúp các em lấy lại ánh sáng và niềm tin vào cuộc sống”.  

Theo kết quả điều tra, nếu năm 2000 tỉ lệ người mù lòa tại tỉnh ta chiếm 1,25% dân số thì đến năm 2007 tỉ lệ này giảm còn 1%. Điều đáng nói, hiện có khoảng 17.000 người mù cả 2 mắt, trong đó hơn 50% người bị mù do đục thủy tinh thể. Bệnh đục thủy tinh thể là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở Việt Nam. Với bệnh này, để càng lâu thị lực ngày càng giảm và không can thiệp sớm sẽ bị mù vĩnh viễn. Theo các bác sĩ, hầu hết các nguyên nhân chính gây ra chứng mù lòa cho mắt, đều có thể được ngăn chặn bằng cách phát hiện sớm, điều trị kịp thời và dự phòng tích cực. Tuy nhiên, có khoảng 20% bệnh nhân bị đục thủy tinh thể không chấp nhận các giải pháp can thiệp y tế để có đôi mắt sáng. Ngoài ra còn có hàng ngàn người mù và giảm thị lực do tật khúc xạ chưa được chỉnh và cấp kính.

* Không có kinh phí, thiếu cán bộ chuyên khoa mắt

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Triết, vấn đề kinh phí và cán bộ chuyên khoa đặt ra vấn đề cần suy nghĩ và tìm ra giải pháp hữu hiệu để nâng cao hơn nữa chất lượng phẫu thuật các bệnh lý về mắt. Đáng nói là nhu cầu khám chữa bệnh về mắt của nhân dân ngày càng tăng cao nhưng hệ thống chuyên khoa mắt ở các tuyến chưa đều.

Hiện cả tỉnh có 27 bác sĩ nhãn khoa (trong đó: Bệnh viện Mắt Bình Định 12 bác sĩ, Viện Quân y 13 1 bác sĩ, Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa 1 bác sĩ, BVĐK tỉnh 4 bác sĩ); như vậy tuyến huyện chỉ còn 9 bác sĩ/11 huyện, thành phố. Đây là tỉ lệ ít so với nhu cầu. Riêng tại Bệnh viện Mắt còn cần đến 5 bác sĩ mới đủ bố trí tương đối đầy đủ công việc chuyên môn. Số bác sĩ nhãn khoa ở tuyến huyện lại phân bố không đều, tập trung ở BVĐK TP Quy Nhơn và Trung tâm Y tế các huyện: An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn và Tây Sơn.

Hệ thống chăm sóc mắt ở tuyến huyện, xã yếu do khó phát triển nguồn nhân lực. Nhiều nhân viên y tế lớn tuổi, hạn chế khả năng tiếp cận dịch vụ kỹ thuật chăm sóc mắt. Vì vậy nhu cầu đào tạo thêm cho tất cả các tuyến, đặc biệt là cán bộ chuyên khoa mắt cho tuyến huyện rất lớn.

Mặt khác, Bộ Y tế đã phê duyệt kế hoạch quốc gia phòng chống mù lòa, nhưng đến nay vẫn chưa cấp kinh phí. Bác sĩ Triết cho rằng: “Chỉ riêng chương trình “khúc xạ học đường” mới triển khai tại 6 huyện, nhưng đã ngốn gần 2 tỉ đồng của tổ chức FHF. Nếu không có kinh phí hỗ trợ thì rất khó. Hiện nay, hầu hết các chương trình phòng chống mù lòa tại Bình Định đều được thực hiện nhờ nguồn tài trợ”.

Vì những lý do trên, để đạt mục tiêu “Thị giác 2020 - Quyền được nhìn thấy” theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới cần có sự hỗ trợ và ủng hộ mạnh mẽ về kinh phí, cơ chế hoạt động từ cộng đồng và các cấp chính quyền.

  • Thu Hiền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Gặp mặt kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng  (13/10/2010)
Trao tiền cứu trợ gia đình bà Lương Thị Chút  (13/10/2010)
Hơn 6 tỉ đồng xây mới khu trung tâm điều trị khúc xạ  (13/10/2010)
Trên 90% số hộ giáo dân đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa  (13/10/2010)
Nhiều hoạt động kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam  (13/10/2010)
Người Công giáo sống tốt đời đẹp đạo  (12/10/2010)
Nhiều ý kiến góp ý sát thực  (12/10/2010)
Phát huy truyền thống, góp phần xây dựng Đảng TSVM  (12/10/2010)
Cháu còn bé lắm, mấy cô ơi…  (11/10/2010)
“Lượng” đảm bảo, “chất” chưa đều  (11/10/2010)
Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử ĐBQH và Luật bầu cử ĐB HĐND  (11/10/2010)
Các cụm CN và làng nghề giải quyết việc làm 2.500 lao động   (11/10/2010)
Họp mặt cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn BB 50  (11/10/2010)
Củng cố pháp luật, hoàn thiện hành lang pháp lý cho kinh tế thị trường  (11/10/2010)
Gần 40.000 người có công được hưởng trợ cấp hàng tháng  (11/10/2010)