Được vui chơi, giải trí, hưởng thụ văn hóa phù hợp với lứa tuổi là một nhu cầu chính đáng, không thể thiếu trong đời sống tinh thần của trẻ em. Do đó, việc tổ chức cho trẻ em vui chơi, giải trí lành mạnh là trách nhiệm của các cơ quan chức năng; các ngành, đoàn thể và của gia đình.
|
Đông đảo thiếu nhi đến học bơi tại Trường năng khiếu TDTT tỉnh. Ảnh: V.L
|
Trong những năm qua, công tác BVCSTE nói chung, chăm lo việc học tập và vui chơi, giải trí cho trẻ em nói riêng được các cấp, các ngành, đoàn thể quan tâm. Đặc biệt là ngày càng có nhiều ngành, đoàn thể, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất dành cho các hoạt động vui chơi, giải trí của trẻ em.
Sau 10 năm thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em (2001-2010), toàn tỉnh đã xây dựng được 202 điểm vui chơi cho trẻ em, trong đó có 106 cơ sở do Nhà nước xây dựng; 96 cơ sở do tổ chức, cá nhân xây dựng. Tỉnh ta đã quy hoạch 22,5 ha đất xây dựng công trình, điểm vui chơi cho trẻ em và đầu tư 25,1 tỉ đồng xây dựng 14 công trình và 92 điểm vui chơi cho các em. Trong số này có 1 Trung tâm hoạt động Thanh thiếu niên (TTN) cấp tỉnh; 10 Trung tâm TTN cấp huyện, 1 Trung tâm đào tạo năng khiếu TDTT và 1 Công viên thiếu nhi. Dự án Giáo dục mầm non do Newzealand đầu tư cũng đã giúp trang thiết bị cho các em vui chơi tại 67 điểm lẻ và 11 điểm chính ở các trường mầm non trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tỉnh còn xây dựng 128 CLB TDTT, 26 CLB VHNT, 1 CLB phóng viên nhỏ thu hút hàng chục ngàn trẻ em tham gia học tập và sinh hoạt vui chơi, giải trí.
Hàng năm, các cơ quan liên quan còn phối hợp tổ chức tốt các hoạt động TDTT như: Giải bóng đá thiếu niên, nhi đồng thu hút hàng trăm đội bóng của các trường, với hàng ngàn cầu thủ nhí tham gia; tổ chức các giải bóng bàn, cầu lông và các lớp võ thuật thu hút hàng ngàn em tham gia tập luyện và thi đấu. Các hoạt động VHNT mang tính truyền thống như: Hội thi tiếng hát Hoa phượng đỏ; chúng em kể chuyện Bác Hồ; kỹ năng công tác Đội thu hút đông đảo các em tham gia từ cơ sở đến tỉnh. Các CLB sở thích ở các trường học có nhiều đổi mới trong tổ chức hoạt động và đa dạng hơn các loại hình nghệ thuật nên ngày càng có nhiều trẻ em đến học tập, sinh hoạt và vui chơi, giải trí.
|
Tại Trung tâm Thanh thiếu nhi Quy Nhơn, môn võ cổ truyền được rất nhiều thiếu nhi yêu thích. Ảnh: V.L
|
Tuy nhiên, so với nhu cầu vui chơi của trẻ em và các mục tiêu mà Chương trình hành động vì trẻ em đã đề ra thì việc đầu tư xây dựng các điểm vui chơi và việc tổ chức cho các em vui chơi vẫn chưa đạt yêu cầu.
Việc đầu tư xây dựng các điểm vui chơi cho trẻ em có nhiều tiến bộ nhưng chưa phát huy tính hiệu quả, có nhiều điểm xây dựng xa khu dân cư; các thiết bị ở ngoài trời thiếu sự chăm sóc bảo quản nên mau hư hỏng, xuống cấp. Điều đáng chú ý là mỗi điểm vui chơi chỉ phục vụ một phần nhỏ số lượng trẻ em ở địa phương.
Để đáp ứng ngày càng cao nhu cầu vui chơi giải trí cho trẻ em, giúp trẻ được hưởng thụ văn hóa lành mạnh dành cho lứa tuổi, thiết nghĩ, bên cạnh sự đầu tư xây dựng các điểm vui chơi, các cơ quan chức năng cần có chương trình phối hợp tổ chức các hoạt động vui chơi cho trẻ em và đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động này.
|