Trong thế giới ngày nay, các quốc gia đang cạnh tranh lẫn nhau rất quyết liệt. Quốc gia nào cũng phải tìm mọi cách để tìm ra cho mình một hướng đi mới khả dĩ vươn tới phồn vinh trong thời gian sớm nhất. Vì vậy, yêu cầu đặt ra cho chiến lược phát triển của mỗi quốc gia là phải xác định cho rõ những nhiệm vụ trọng tâm, những khâu quyết định có tính đột phá cho phát triển cho từng giai đoạn phát triển.
Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 của Đảng ta là văn kiện quan trọng, vạch ra đường hướng phát triển kinh tế – xã hội của đất nước ta trong mười năm tới. Chiến lược đã khẳng định các định hướng quan trọng, có tính xuyên suốt. Đó là: “phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong chiến lược”; “kiên trì và quyết liệt đổi mới”; “mở rộng dân chủ trong Đảng và trong xã hội gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương để thúc đẩy đổi mới toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp”... Nếu những định hướng này được thực hiện tốt thì chắc chắn kinh tế – xã hội của đất nước ta sẽ có những thay đổi tích cực.
Tuy nhiên, điều cần góp ý là một số nội dung trong Dự thảo chiến lược được thể hiện ở tầm khái quát nên vẫn còn ở mức chung chung, thiếu một số nội dung cần được cụ thể nên khi tiếp thu chưa rõ mục tiêu và chưa định hướng được hành động thế nào là phù hợp. Tất nhiên, đã là chiến lược thì không thể và cũng không cần đưa cac nội dung quá chi tiết, nhưng cũng cần cụ thể ở cac nội dung then chốt để người dân, các các lực lượng trong xã hội có thể biết được mình phải làm gì để đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước.
Ví dụ, trong phần đánh giá nguyên nhân của hạn chế, yếu kém có nêu: “tư duy phát triển kinh tế - xã hội và phương thức lãnh đạo của Đảng chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu”. Đây là nhận định quan trọng, nhưng cần cụ thể hơn và chỉ rõ được những điểm nào, tư duy nào đã và đang thuộc diện… chậm đổi mới. Hay như nhận định “hệ thống pháp luật, quản lý của Nhà nước trên một số lĩnh vực còn bất cập”, cũng cần chỉ rõ bất cập ở những lĩnh vực cụ thể nào, bất cập ra sao… để từ đó có sự định hướng và đề ra các giải pháp cụ thể… thì sẽ thuyết phục hơn.
Trong chiến lược có nói rõ phải tháo gỡ mọi cản trở; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch; phát triển nhanh, hài hòa các thành phần kinh tế... Tuy nhiên, xóa bỏ rào cản là cần thiết nhưng chưa đủ mà cần có các quy định pháp luật cụ thể nhằm tạo được môi trường kinh doanh khuyến khích cá nhân, doanh nghiệp làm việc có hiệu quả; hạn chế được hành vi đầu cơ, trục lợi, chạy theo lợi ích ngắn hạn. Môi trường kinh doanh phải tạo điều kiện thúc đẩy doanh nghiệp đóng góp nhiều nhất có cơ hội phát triển nhanh nhất.
Chiến lược đề ra quan điểm rất quan trọng, có tính xuyên suốt là phải phát triển bền vững, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, mở rộng dân chủ... là đúng nhưng cũng cần có những tiêu chí cụ thể để soi xét. Ví dụ, yêu cầu phát triển bền vững thì cần nêu ra các tiêu chí với mức độ ưu tiên khác nhau như năng suất lao động, hiệu quả đầu tư, các chỉ số môi trường, ổn định vĩ mô, tốc độ tăng trưởng...
Muốn đột phá cần có trọng tâm để ưu tiên chứ không nên có quá nhiều nội dung dàn hàng ngang. Chẳng hạn, về kinh tế, chúng ta có thể đặt trọng tâm vào mục tiêu “dân giàu”. Đặt như vậy để trong quá trình thực hiện chiến lược phát triển chung, nếu việc thực hiện mục tiêu này có ảnh hưởng đến mục tiêu khác, thì mới có cơ sở để xác định đúng các thứ tự ưu tiên; về chính trị, chúng ta có thể đặt trọng tâm vào một nội dung quan trọng là “đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng” chứ không nên có đến bốn trọng tâm như dự thảo đã nêu thì là dàn trải chứ không còn là trọng tâm nữa. Bởi lẽ, nếu phương thức lãnh đạo của Đảng được đổi mới thì chắc rằng thể chế kinh tế cũng sẽ tiếp tục được hoàn thiện, nhà nước pháp quyền và dân chủ cũng theo đó có chuyển biến phù hợp...
|